Tướng Richard Barrons, nguyên chỉ huy Bộ tư lệnh lực lượng hỗn hợp của Vương quốc Anh nói với BBC rằng Anh và các đồng minh phương Tây đã “bán đi tương lai của Afghanistan”.

Phần lớn lực lượng của quân đội Anh đã rời khỏi Afghanistan vào tháng trước và Taliban đã chiếm được 5 thành phố chỉ trong 3 ngày. Một thành viên cấp cao trong Quốc hội Anh đã gọi đây là cuộc rút quân tồi tệ.

Giao tranh ở Afghanistan gia tăng trong những tuần gầy đây sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ra lệnh rút toàn bộ các lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan, theo sau là các đồng minh như Anh.

Hai thập kỷ sau khi bị Mỹ tước đi quyền lực do ủng hộ Osama Bin Laden sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, các tay súng Taliban đang tấn công các mục tiêu của chính phủ Afghanistan trên khắp đất nước và đã chiếm giữ được 5 thủ phủ, nhanh chóng mở rộng các khu vực lãnh thổ mà lực lượng này kiểm soát được ở cả nông thôn và đô thị. Hiện lực lượng Taliban đang mở rộng vùng lãnh thổ kiểm soát tại miền Bắc Afghanistan.

Trong tuyên bố đưa ra chiều 8/8 (theo giờ địa phương), Taliban thông báo đã chiếm được thủ phủ cùng tên của 2 tỉnh Kunduz và Sar-e-Pul. Thông tin được Taliban đăng tải trên trang Twitter sau đó cũng cho biết lực lượng này đã chiếm thành phố Taloqan, thủ phủ tỉnh Takhar.

Các nguồn tin là thành viên cơ quan lập pháp, nhân viên an ninh và người dân địa phương xác nhận thông tin các thành phố Kunduz, Sar-e-Pul và Taloqan đã lần lượt rơi vào tay Taliban chỉ cách nhau vài giờ trong ngày 8/8.

Trong số này, Kunduz là mục tiêu quan trọng nhất mà Taliban giành được kể từ đợt tấn công bắt đầu hồi tháng 5 khi liên quân do Mỹ đứng đầu bắt đầu giai đoạn cuối của quá trình rút quân khỏi Afghanistan. Taliban đã tạm chiếm được Kunduz trong các năm 2015 và 2016 nhưng không giữ được lâu trước sự phản công của lực lượng chính phủ.

Sai lầm chiến lược?

“Việc rút quân lúc này là một sai lầm chiến lược. Tôi không tin rằng đó là lợi ích của chính chúng ta”, Tướng Barrons nói trong chương trình Radio 4's The World This Weekend của BBC, đồng thời cho rằng, quyết định rút quân đã bán đi tương lai của Afghanistan, đẩy đất nước này vào tình thế khó khăn và gửi đi “một thông điệp thực sự đáng tiếc” tới các đồng minh ở châu Á, châu Phi và Trung Đông.

“Nó cho thấy chúng ta không có đủ quyết tâm để nhìn thấu những điều này và chúng ta thà bỏ đi còn hơn là bảo đảm rằng một cuộc khủng hoảng nhân đạo hoặc chính trị sẽ không xảy ra [ở Afghanistan – ND”, Tướng Barrons nói. “Chúng ta sẽ đối mặt nguy cơ các thực thể khủng bố tái lập ở Afghanistan, gây nguy hại cho châu Âu và những nơi khác. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một hệ quả chiến lược rất tồi tệ”.

Lý giải sức mạnh Taliban trên chính trường Afghanistan

VOV.VN - Từng bị xếp vào nhóm các tổ chức khủng bố, nhưng hiện giờ Taliban hiện giờ được coi như một lực lượng chính trị, đang cùng chính phủ Afganistan đàm phán hòa bình để tham gia vào chính phủ mới tại Afganistan.

Chính phủ Anh đã đưa ra khuyến cáo tất cả công dân Anh nên rời đi trong tuần này vì tình trạng an ninh ở Afghanistan đang ngày càng xấu đi.

Mặc dù vậy, ông Barrons cho rằng, sự rút đi ồ ạt của cộng đồng quốc tế như những người bạn “đồng cam” nhưng không “cộng khổ”, theo sau là giới tinh hoa Afghanistan có thể làm suy yếu chính phủ và quân đội của nước này, đẩy Afghanistan nhanh lún sâu hơn vào khủng hoảng.

Barrons cũng bày tỏ lo ngại Afghanistan có thể bị chia cắt làm hai hoặc rơi vào một cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ nếu như tiến trình chính trị không được tiếp tục.

Nghị sĩ Tory Tobias Ellwood, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện trong bài viết đăng tải trên tờ Mail hôm 8/8 cho rằng, Anh đang thực hiện một “cuộc rút lui tồi tệ” và “từ bỏ đất nước vốn đã khiến chúng ta đến đó ngay từ đầu”.

Ông cũng kêu gọi: “Nếu chúng ta không thức tỉnh trước thực tế những gì đang diễn ra thì Afghanistan có thể một lần nữa trở thành một quốc gia khủng bố. Đây là quốc gia đã gây ra vụ 11/9”.

Theo ông Ellwood, Anh và các đồng minh nên duy trì lực lượng 5.000 quân để hỗ trợ trên mặt đất, trên không và hỗ trợ tình báo cho quân đội Afghanistan trong cuộc chiến chống lại Taliban. “Bằng cách lựa chọn rút lui, Vương quốc Anh cũng đang từ bỏ một không gian chiến lược quan trọng khi Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng”, ông Ellwood  nói.

Tuy nhiên, Tướng Barrons cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ là chìa khóa cho bất kỳ giải pháp chính trị nào, vì ảnh hưởng của nước này đối với Pakistan – một trong số ít quốc gia công nhận Taliban khi lực lượng này còn nắm quyền ở Afghanistan. Ông Barrons nhấn mạnh, vì Trung Quốc có chung đường biên giới với Afghanistan nên muốn tránh mọi bất ổn có thể khiến người tị nạn hoặc các chiến binh tràn qua biên giới.

“Chúng tôi nhận thấy tình hình ở Afghanistan là nghiêm trọng và các báo cáo về tình trạng bạo lực leo thang là vô cùng đáng lo ngại”, người phát ngôn chính phủ Anh cho biết. “Chúng tôi không tin rằng có bất kỳ giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột ở Afghanistan và kêu gọi Taliban chấm dứt chiến dịch bạo lực, tham gia vào các cuộc đối thoại với chính phủ Afghanistan. Cần phải đàm phán để tìm giải pháp, qua đó bảo đảm một nền hòa bình lâu dài”./.