Hợp tác chặt chẽ chưa từng có trong 6 thập kỷ

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã theo dõi cuộc tập trận quân sự chung đầy tham vọng giữa hai bên vào mùa hè này với sự hợp tác công nghệ vũ khí siêu thanh, trên không và trên biển nhằm tăng cường sự liên kết quốc phòng.

Các quan chức và chuyên gia quân sự Mỹ nhận định, khó có thể đánh giá chính xác mức độ hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh. Tuy nhiên, giới chức và chuyên gia quốc phòng phương Tây đánh giá, mối quan hệ thân thiết hơn giữa 2 quốc gia này dựa trên sự liên minh về kinh tế, các cuộc tập trận quân sự và hợp tác phát triển quốc phòng.

Trong khi các quan chức Mỹ từ lâu đã cảnh giác về mối đe dọa hợp nhất từ 2 quốc gia này thì một số quan chức đang bắt đầu thay đổi tông giọng. Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ cho rằng, Nga và Trung Quốc đang liên kết với nhau chặt chẽ hơn bất kỳ thời điểm nào trong 60 năm qua.

"Nga và Trung Quốc từng là những mối đe dọa riêng rẽ. Nhưng giờ thì các mối đe dọa này đang liên kết với nhau thông qua sự hợp tác giữa 2 bên", Michael Kofman, chuyên gia quân sự về Nga tại CNA - một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận ở Arlington, Virginia bình luận.

Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden cho biết đang theo dõi sát sao quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc, song cho rằng hai bên sẽ không thể tiến tới một liên minh quân sự toàn diện.

Nga và Trung Quốc, hai quốc gia chia sẻ hơn 4.000 km biên giới, có những lợi ích cạnh tranh với nhau ở Trung Á, Ấn Độ và Bắc Cực. Đây cũng chính là nhân tố ngăn cản hai nước tiến tới một liên minh toàn diện. Không giống như các quốc gia trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hệ thống quốc phòng ở Nga và Trung Quốc không tương thích với nhau, hạn chế mức độ hiệu quả trong hoạt động chỉ huy chung.

Tuy nhiên, việc Mỹ thúc đẩy chiến lược kiềm chế 2 nước này đã khiến Nga và Trung Quốc ngày càng xích lại gần nhau. Moscow và Bắc Kinh muốn kiềm chế ảnh hưởng, cũng như ưu thế quân sự và tài chính của Mỹ, một kế hoạch mà 2 quốc gia trên cho là sẽ hiệu quả hơn nếu họ phối hợp với nhau.

Mỹ đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau như thế nào?

"Có khá nhiều điểm tương đồng giữa Nga và Trung Quốc về những điều chúng ta không thích ở nền chính trị Mỹ. Chúng ta đều không thích hướng tiếp cận không tôn trọng lẫn nhau của Washington. Chúng ta đều ủng hộ nguyên tắc không can thiệp. Ở mặt này, Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau", người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov đánh giá.

Nga và Trung Quốc đã nhìn thấy những lợi ích của việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại, công nghệ và năng lượng. Trong 6 năm qua, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp nhau hơn 30 lần.

Nga và Trung Quốc “có đi có lại”

Trong những thập kỷ Trung Quốc vươn lên về kinh tế, Nga trở thành nhà cung cấp quân sự hàng đầu của nước này.

Năm 2014, Trung Quốc đã mua hệ thống S-400 tiên tiến của Nga. Một năm sau, Bắc Kinh đặt hàng các tiêm kích Su-35 do Nga sản xuất nhằm tăng cường khả năng quân sự trước các tàu chiến Mỹ. Mỹ đã trừng phạt Trung Quốc vì những thỏa thuận này.

Năm 2019, Tổng thống Putin cho biết, Nga và Trung Quốc đang đồng phát triển hệ thống cảnh báo sớm chống tên lửa. Năm 2020, nhà lãnh đạo Nga thông báo, Moscow đang hỗ trợ Bắc Kinh về công nghệ quân sự nhạy cảm mà ông không tiện tiết lộ. Truyền thông Nga sau đó đưa tin, Nga và Trung Quốc đang phát triển một tàu ngầm tối mật.

Trong khi đó, sự phát triển của Trung Quốc về chip máy tính tiên tiến đã giúp Nga giải quyết các vấn đề công nghệ quân sự gặp trở ngại do lệnh trừng phạt từ phương Tây.

"Trong tam giác 3 nước này, sẽ không bên nào muốn trở thành 1 bên đối lập với 2 bên còn lại", Andrea Kendall-Taylor, chuyên gia về các vấn đề Nga từng làm việc tại Trung tâm Tình báo Trung ương và hiện làm việc tại Trung tâm An ninh Mỹ mới đánh giá.

Các quốc tập trận quân sự giữa Nga và Trung Quốc bắt đầu vào giữa những năm 2000. Những cuộc diễn tập này đã trở nên thường xuyên và phức tạp hơn, tạo điều kiện cho các cuộc tiếp xúc, trao đổi và hợp tác công nghệ quân sự cấp cao thường xuyên.

Năm 2018, 1 năm sau khi 2 nước ký bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng, Nga đã lần đầu tiên mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận quốc phòng thường niên lớn nhất của nước này. Một năm sau đó, hai bên tiến hành cuộc tuần tra chung bằng máy bay ném bom đầu tiên ở gần Nhật Bản và Bán đảo Triều Tiên, khiến cho phi công Hàn Quốc phải bắn cảnh báo. Hồi tháng 10/2021, Nga và Trung Quốc đã tổ chức tập trận hải quân chung ở Biển Nhật Bản. Một tháng sau, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tổ chức họp trực tuyến nhằm tăng cường sự tương tác giữa lực lượng vũ trang 2 nước qua các cuộc tập trận quân sự chiến lược và tuần tra chung.

Liệu Mỹ có thể chia rẽ Nga và Trung Quốc?

Trong 9 tháng đầu năm 2021, thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc vượt 100 tỷ USD, gần bằng cả năm 2020. Theo Tổng thống Putin, con số này đã đạt 123 tỷ USD vào tháng 11.

Nga và Trung Quốc không có liên minh quốc phòng chính thức và không sẵn sàng từ bỏ bất kỳ sự tự chủ nào qua các cam kết quân sự và chính trị mà một liên minh yêu cầu. Mặc dù vậy, việc 2 nước này xích lại gần nhau đã phần nào tác động đến quan hệ với Mỹ.

"Cải thiện quan hệ với Nga sẽ giúp Trung Quốc có được đòn bẩy cơ bản. Đây là một công cụ để phản ứng trước kế hoạch kiềm chế Trung Quốc của Mỹ", Zhu Feng, giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Nam Kinh cho hay.

Căng thẳng giữa Nga và Mỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc, Vasily Kashin, chuyên gia quân sự và là chuyên gia về Trung Quốc tại Trường Kinh tế Moscow cũng có cùng quan điểm.

"Mỹ không thể chiếm ưu thế nếu không tập hợp tất cả nguồn lực ở Thái Bình Dương. Nga, cùng với Iran, đang là những quốc gia khiến sự tập trung này trở nên gần như bất khả thi", chuyên gia này đánh giá.

Tuy nhiên, giữa Nga và Trung Quốc cũng tồn tại không ít bất đồng. Bắc Kinh vẫn duy trì quan hệ với Ukraine, đi ngược với các lợi ích của Nga. Hồi tháng 10, Nga tạm dừng quan hệ với NATO trong khi Trung Quốc đang muốn thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường khắp châu Âu, nên sẽ tiếp tục hợp tác với các nước này.

Ngoài ra, Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn cho Ấn Độ - đối thủ của Trung Quốc, khi nước này vừa mua hệ thống S-400 của Moscow.

Một ý tưởng mà Mỹ có thể cân nhắc để chia rẽ Nga và Trung Quốc là việc duy trì thái độ mềm mỏng hơn với Nga, đồng thời kéo Moscow khỏi Bắc Kinh. Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng chiến lược này mới ở thời kỳ phôi thai, đặc biệt là khi Mỹ vẫn không muốn đưa ra các sáng kiến kinh tế và chính trị để thuyết phục Tổng thống Putin hạn chế quan hệ với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Bên cạnh đó, việc Nga tăng cường lực lượng ở biên giới với Ukraine có thể tiếp tục làm sâu sắc thêm căng thẳng Nga - Mỹ, đồng thời khiến nỗ lực thuyết phục Nga tách rời Trung Quốc gần như không thể thu về “trái ngọt”./.