Giữa tuần qua, Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) huy động chỉ huy của các lực lượng phòng không trên toàn quốc tham gia hội nghị bàn về cách ứng phó việc Trung Quốc lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông. ADIZ do Trung Quốc lập ngày 23/11 chồng lấn với vùng tương tự của Nhật và bao trùm cả không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp. 
Sau đó, các bên liên quan, bao gồm cả Mỹ và Hàn Quốc, liên tục đưa máy bay tuần tra và chiến đấu cơ quần đảo khu vực trên, khiến tình hình thêm căng thẳng. Mới đây, báo mạng Want China Times đưa tin Trung Quốc vừa huy động gần 20.000 binh sĩ tập trận ở tỉnh Sơn Đông, gần với Nhật và Hàn Quốc.
adiz_copy.jpg
Các vùng ADIZ của Trung Quốc (vạch liền màu đỏ) và Nhật Bản (vạch liền màu xanh) (Ảnh AP)

Cuộc chiến 3 mặt trận

Trong bối cảnh nói trên, hội nghị được phát công khai trên truyền hình. Các tướng lĩnh Nhật thảo luận kịch bản va chạm với Trung Quốc ở 3 mặt trận là Đài Loan, Senkaku/Điếu Ngư và tuyến đường biển Miyako nằm giữa 2 đảo Miyako và Okinawa của Nhật trong vòng 10-15 năm tới. 
Theo thông lệ quốc tế, tàu bè các nước khác, kể cả tàu chiến được quyền qua tuyến Miyako để ra Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong giai đoạn Nhật-Trung đang căng thẳng, mật độ tàu chiến Trung Quốc qua lại tuyến đường này gia tăng một cách bất thường.

Tờ Sankei Shimbun trích nội dung hội nghị cho hay từ đầu năm đến nay, chiến đấu cơ F-15J của Nhật đã thực hiện nhiều đợt diễn tập để kiểm tra khả năng radar của Trung Quốc. Kết quả là radar Trung Quốc chỉ có thể phát hiện những máy bay hoạt động ở tầm cao.

Kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối ADIZ

Ngày 8.12, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối việc Trung Quốc lập ADIZ ở biển Hoa Đông và khả năng nước này mở vùng tương tự ở biển Đông. “Nếu bất kỳ quốc gia nào lập một vùng phòng không tương tự ở biển Đông, động thái đó sẽ gây căng thẳng khu vực và tôi cho rằng nên ngăn chặn”, tờ The Philippine Daily Inquirer dẫn lời ông Onodera phát biểu trong lúc ở thăm Philippines. Ngoài ra, Nhật cũng nỗ lực giảm bớt áp lực khi tuyên bố công nhận ADIZ vừa mở rộng của Hàn Quốc dù nó chồng lấn với ADIZ Nhật và 2 nước đang bất đồng về nhiều vấn đề. Trước đó, Hàn Quốc tuyên bố quyết định trên nhằm phản ứng ADIZ của Trung Quốc, vốn chồng lên bãi đá ngầm Ieodo/Tô Nham Tiêu đang tranh chấp giữa 2 nước.

Các sĩ quan tham dự còn nhận xét hệ thống cảnh báo sớm ở Kyoto phía tây Nhật Bản có thể giám sát toàn bộ không phận Senkaku/Điếu Ngư và cả tuyến đường biển Miyako. Đó là lợi thế của Nhật trong đụng độ tiềm ẩn với Trung Quốc. Tuy nhiên, lợi thế này sẽ mất đi nếu Senkaku/Điếu Ngư rơi vào tay láng giềng.

Theo giới quân sự Nhật, có 3 kịch bản có thể xảy ra. Thứ nhất là Trung Quốc tấn công Senkaku/Điếu Ngư, thứ hai là khả năng Trung Quốc tiến đánh tấn công cùng lúc quần đảo tranh chấp và tuyến đường biển Miyako. 
Cuối cùng là Trung Quốc có thể ra tay với 2 mục tiêu này trước, một phần nhằm phân tán lực lượng Mỹ đóng tại khu vực để bất ngờ chiếm Đài Loan rồi lại dùng Đài Loan làm bàn đạp dứt điểm Senkaku/Điếu Ngư và tuyến Miyako. 
Cách đáp trả của Nhật với từng kịch bản không được công khai, nhưng hội nghị kết luận rằng căng thẳng và nguy cơ đụng độ sẽ tăng cao trong tương lai khi Trung Quốc điều chiến đấu cơ tuần tra thường xuyên ADIZ của mình.

Kịch bản không chiến

Mới đây, chuyên san Foreign Policy cũng dẫn lời một số chuyên gia vạch ra kịch bản không chiến có thể xảy ra giữa Trung Quốc và Nhật - Mỹ. Theo đó, Trung Quốc sẽ phục kích một máy bay tuần tra biển P-3C Orion của Nhật được hộ tống bởi 2 chiến đấu cơ F-15J đang làm nhiệm vụ ở Senkaku/Điếu Ngư. 
Nếu thành công, Trung Quốc sẽ bắn thêm một máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye ở phía tây nam đảo Okinawa và triển khai 2 nhóm chiến đấu cơ J-11B và J-10 cùng máy bay cảnh báo sớm trên không KJ-2000 tham gia tác chiến. 
Phía Nhật có thể lập tức triển khai 2 chiếc F-15 đang tuần tra gần khu vực đáp trả, với sự yểm trợ của chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor của Mỹ đang hoạt động ở Okinawa. Foreign Policy cho rằng với năng lực tình báo và công nghệ kém hơn, nên để chiến thắng Trung Quốc sẽ phải nhanh chóng huy động lực lượng máy bay áp đảo từ đất liền và tàu sân bay đến tham gia, vì chắc chắn nước này sẽ mất nhiều máy bay hơn. Tuy nhiên, Nhật và Mỹ cũng không thể dựa hoàn toàn vào ưu thế công nghệ mà phải tính đến khả năng tăng số lượng chiến đấu cơ trong khu vực./.