Ý đồ sâu xa của Mỹ là gì?
Ngày 22/11, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’brien đang trong chuyến công du châu Á, đưa ra tuyên bố nói rằng, tròn 6 tháng kể từ khi Washington thông báo rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở và nay Mỹ không còn là thành viên của thỏa thuận mà Nga đã vi phạm trong nhiều năm.
Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Cale Brown, tuyên bố Mỹ đã thực thi quyền của mình theo khoản 2, Điều 15 trong Hiệp ước Bầu trời Mở vào ngày 22/5, báo trước cho toàn bộ các nước liên quan về quyết định rút khỏi thỏa thuận này.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã viện dẫn những hạn chế mà Nga áp đặt đối với các chuyến bay là lý do khiến Washington tìm cách rút khỏi hiệp ước này, bao gồm hạn chế phạm vi bay trên khu vực Kaliningrad ở mức 500km, nơi quân đội Nga duy trì sự hiện diện mạnh mẽ; không cho phép thực hiện các chuyến bay giám sát trên hành lang dài 10 km dọc biên giới với Abkhazia và Nam Ossetia; và từ chối một chuyến bay đã được phê duyệt trước đây qua một cuộc tập trận quân sự lớn của Nga. Washington cũng cáo buộc Moscow lợi dụng những chuyến bay tại Mỹ và châu Âu để xác định cơ sở hạ tầng trọng yếu, xây dựng kịch bản tấn công khi nổ ra chiến tranh.
Trước đó, trong một tuyên bố hồi tháng 5 năm nay để biện minh cho quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, Ngoại trưởng Mike Pompeo từng nói rằng Mỹ hiểu châu Âu vẫn coi trọng hiệp ước này, nhấn mạnh đây chính là một trong những lý do khiến Mỹ chưa rút khỏi hiệp ước trong một thời gian, bất chấp Moscow không tuân thủ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và các phương tiện truyền thông tại Mỹ cho rằng Tổng thống Donald Trump đang cố gắng tận dụng những tuần còn lại trong nhiệm kỳ để củng cố các “di sản” chính sách đối ngoại trong bốn năm cầm quyền vừa qua của mình, bằng cách đẩy mạnh cam kết rút quân khỏi chiến trường Afghanistan, Iraq, các thỏa thuận song phương và đa phương mà ông coi là gây bất lợi cho Washington. Đồng thời, những động thái đó nhằm đặt chính quyền kế nhiệm vào “tình thế đã rồi” trong một số quyết sách và rất khó để đảo ngược cái gọi là di sản chính sách đối ngoại đó của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Đây có thể mới thực sự là ẩn ý sâu xa trong quyết định chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở.
Ảnh hưởng từ việc Mỹ rút lui
Với việc Mỹ chính thức rút lui, Hiệp ước Bầu trời Mở ra đời năm 1992 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2002, sẽ còn 33 nước thành viên. Ngoại trừ Canada thuộc châu Mỹ, 32 nước thành viên còn lại đều thuộc châu Âu. Đến nay, về cơ bản các đồng minh châu Âu của Mỹ vẫn tuân thủ hiệp ước, vì nó mang lại cho họ lợi ích thực sự, nhất là các đồng minh và đối tác của Washington không có năng lực vệ tinh tiên tiến, một phương pháp để thu thập và chia sẻ thông tin.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko từng khẳng định Moscow không vi phạm Hiệp ước Bầu trời Mở và không có gì ngăn cản đối thoại giải quyết những vấn đề kỹ thuật mà phía Mỹ gọi là hành động vi phạm thỏa thuận. Ông Grushko gọi hiệp ước này là một trong những cột trụ an ninh của châu Âu và cho biết Nga đang đánh giá khả năng tiếp tục tham gia thỏa thuận. Trong khi đó, các thành viên NATO và một số nước Đông Âu tham gia Hiệp ước Bầu trời Mở, đã nhiều lần hối thúc Mỹ duy trì thỏa thuận, do lo ngại Nga sẽ rút lui để đáp trả, gây suy yếu an ninh trong khu vực.
Các hành động tiếp theo của Nga sẽ được xác định tùy thuộc cách hành xử trong tương lai của các nước khác tham gia ký kết Hiệp ước Bầu trời Mở. Điều quan trọng nhất hiện nay là liệu các đồng minh và đối tác châu Âu có truyền dữ liệu từ các chuyến bay giám sát của họ cho Mỹ hay không, và liệu Nga có thể thực hiện các chuyến bay giám sát trên các căn cứ của Mỹ ở châu Âu hay không. Mỹ đang tìm cách thuyết phục các đồng minh và đối tác châu Âu, yêu cầu đảm bảo bằng văn bản về việc cung cấp hình ảnh chụp được từ các chuyến bay giám sát của họ trên lãnh thổ Nga. Trong khi đó, Hiệp ước Bầu trời Mở quy định, không được cung cấp thông tin cho nước thứ 3 không tham gia hiệp ước.
Tóm lại, sau khi Mỹ đã chính thức rút khỏi, Hiệp ước Bầu trời Mở hiện trong tình thế khá “mong manh”. Sự tồn tại của hiệp ước cơ bản này phụ thuộc vào cách hành xử trong tương lai của các bên tham gia.
Tương lai của Hiệp ước nếu ông Biden chính thức trở thành Tổng thống
Với việc các đồng minh, đối tác châu Âu và Canada hiện vẫn coi trọng và tuân thủ Hiệp ước Bầu trời Mở, một khi cựu Phó Tổng thống Joe Biden chính thức trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ, chính quyền của ông có thể sẽ cân nhắc để tham gia trở lại hiệp ước quan trọng này. Bởi vì, trong một sự kiện vận động tranh cử vào tháng 5 năm nay, ông Biden từng tuyên bố ủng hộ Hiệp ước Bầu trời Mở, đồng thời cho rằng việc Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận này thể hiện một tầm nhìn “thiển cận”, khiến nước Mỹ ngày càng trở nên đơn độc trên trường quốc tế và từ bỏ vị thế lãnh đạo vốn có của mình. Tuy nhiên, ông Biden cũng chưa đưa ra cam kết rõ ràng về việc tái gia nhập hiệp ước này.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Robert Menendez, thành viên cấp cao của đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và là người gần gũi với ông Biden, đã khuyến khích chính quyền Biden tái gia nhập Hiệp ước Bầu trời Mở. Trong một tuyên bố, Thượng nghị sĩ Menendez nêu rõ, trong đạo luật Chuẩn chi Ngân sách Quốc phòng 2020, Quốc hội Mỹ đã tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với Hiệp ước Bầu trời Mở và đặc biệt đã yêu cầu Chính quyền Tổng thống Donald Trump phải làm rõ các khía cạnh liên quan, bốn tháng trước khi có bất kỳ thông báo chính thức nào về việc rút khỏi hiệp ước này.
Ông Menendez nhấn mạnh, Tổng thống Donald Trump đã phớt lờ luật pháp trong nước và đơn phương áp đặt quyết định rút lui mang tính chất chính trị, ngay cả sau khi đã thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11.
Phải còn gần hai tháng nữa, ông Joe Biden, người được truyền thông Mỹ và quốc tế xác nhận là đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua mới có thể tuyên thệ nhậm chức. Do vậy, nếu muốn quay trở lại hiệp ước này, Mỹ sẽ phải đàm phán lại từ đầu và cần phải được Thượng viện Mỹ phê chuẩn một lần nữa. Thời gian tới, đảng Cộng hòa nhiều khả năng tiếp tục kiểm soát Thượng viện, nên việc phê chuẩn hiệp ước này sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thậm chí là không thể vượt qua. Thực tiễn cũng cho thấy rằng, trong mấy thập kỷ qua, một khi đã rút khỏi bất kỳ hiệp ước nào, nhất là liên quan tới kiểm soát vũ khí, Mỹ chưa từng gia nhập trở lại./.