Trước sự leo thang của giá thực phẩm và năng lượng, các nền kinh tế mới nổi như Sri Lanka, Ai Cập, Tunisia và Peru có khả năng phải đối mặt với những khoản nợ lớn hơn và các mối đe dọa khác của thời kỳ hậu Covid-19.   

Thêm vào đó, việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ của Mỹ trong suốt hai thập kỷ qua cũng tạo nên thách thức to lớn cho các nền kinh tế. Mỹ nâng lãi suất kéo theo sự gia tăng các khoản thanh toán nợ của các quốc gia đang phát triển - ngay sau khi họ vay hàng tỷ USD để chống lại đại dịch Covid-19 - và có xu hướng thúc đẩy dòng vốn chảy ra ngoài.

Hơn thế nữa, hiện nay, thế giới còn đang phải hứng chịu “cú sốc lớn” từ tình hình chiến sự căng thẳng không hồi kết ở châu Âu, đe dọa nghiêm trọng đến tình hình an ninh lương thực và năng lượng.

Tất cả những rủi ro này đã đẩy quốc đảo Sri Lanka từng bước rơi vào khủng hoảng “vỡ nợ”. Theo tờ Bloomberg Economics, một số nền kinh tế mới nổi khác, từ Pakistan, Tunisia đến Ethiopia và Ghana, cũng đang đứng trước nguy cơ nốt gót khủng hoảng ở Colombo.

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu thế giới đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về hệ lụy của những rủi ro trên. Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington trong tuần này cũng chú trọng thảo luận các vấn đề như sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu và những rủi ro gia tăng mà các quốc gia đang phát triển phải đối mặt.

“Cơn địa chấn” bắt đầu nổi lên

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất, IMF đã ví tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine giống như “cơn địa chấn” với nền kinh tế toàn cầu.

John Lipsky, chuyên gia kinh tế tại IMF, cho biết: “Chúng ta có thể thấy thảm họa đang tiến gần về phía chúng ta. Các cú sốc kinh tế cùng với tình trạng thắt chặt thị trường tài chính sẽ khiến rất nhiều quốc gia có thu nhập thấp phải tái cơ cấu nợ”.

Hiện nay, Nga đang phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ tồi tệ nhất, do nước này ngày càng bị cô lập dưới các lệnh trừng phạt chưa từng có. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh cho phép thanh toán các khoản nợ nước ngoài bằng đồng rúp, điều này có khả năng khiến nước này vi phạm các cam kết đã ký trước đó và gây thiệt hại cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đây được xem là biện pháp duy nhất đối với Nga tại thời điểm này để tháo gỡ những khó khăn từ lệnh trừng phạt của phương Tây và ngăn chặn “cơn ác mộng” khủng hoảng vỡ nợ đang ập đến.

Tại Sri Lanka, nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất trong lịch sử. Lạm phát tại đây đã đạt mức 18,7% trong tháng 3. Điều này dẫn đến tình trạng cắt điện luân phiên, thiếu hụt thuốc men và các sản phẩm thiết yếu như gạo, sữa. Sri Lanka không thể chi trả cho những mặt hàng thiết yếu nhập khẩu vì món nợ khổng lồ. Nhiều người dân của quốc đảo cho rằng cuộc sống bây giờ còn tệ hơn khi đất nước rơi vào cảnh nội chiến. Tình trạng này không mấy được cải thiện kể cả khi chính quyền Tổng thống Gotabaya Rajapaksa kêu gọi sự giúp đỡ từ IMF cùng các đối tác châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ.

Bloomberg Economics cũng đã xếp Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập thuộc top đầu danh sách các thị trường mới nổi lớn bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời xếp Tunisia, Ethiopia, Pakistan, Ghana và El Salvador vào danh sách các quốc gia có nguy cơ không trả được nợ.

Cuộc khủng hoảng vỡ nợ ở 5 quốc gia trên sẽ có khả năng lan rộng sang các quốc gia đang phát triển mặc dù ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế toàn cầu lúc này là rất nhỏ. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính 60% các nước có thu nhập thấp đang lâm vào cảnh nợ nần, hoặc có rủi ro cao.

Các quốc gia mới nổi đã tăng cường vay nợ kể từ đại dịch Covid-19, với nỗ lực bảo vệ nền kinh tế trước nguy cơ suy thoái. Song theo IMF, các khoản nợ cần thanh toán đang tăng lên "theo chiều hướng dốc", điều này có thể tác động ngược lại cho nền kinh tế.

Nguy cơ dẫn đến thảm họa

Việc gia tăng chi phí đi vay có thể sẽ còn tiếp diễn do Mỹ liên tục tăng lãi suất. Các ngân hàng trung ương ở các quốc gia mới nổi cũng nâng lãi suất lên cao khi lạm phát gia tăng.

Jim O'Neill, Cựu chủ tịch kinh tế, Quản lý tài sản của Goldman Sachs (GSAM) đánh giá môi trường hiện nay đang rơi vào trạng thái cực kỳ không chắc chắn, điều mà ông chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1980. “Khi nguy cơ lạm phát kéo dài và các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách, thì đó sẽ là một thảm họa đối với các thị trường mới nổi,” ông O'Neill cho biết.

Ngoài Sri Lanka, các nước như Ai Cập và Tunisia cũng đang gặp các vấn đề về thanh toán nợ. Pakistan, vốn đang phải đối mặt với vấn đề lạm phát tăng cao cùng với những căng thẳng địa chính trị, nay lại phải đau đầu vì thiếu hụt nhiên liệu nghiêm trọng dẫn đến tình trạng cắt điện liên miên, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Ở Tunisia, nơi từng diễn ra “Mùa xuân Arab” 2011, cũng chịu cảnh tăng giá nhiên liệu ít nhất 4 lần trong 13 tháng qua. Ngành du lịch kiệt quệ và hàng hóa khan hiếm, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Tại Ai Cập - nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ukraine đã gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế. Đồng tiền của Ai Cập trượt giá, khiến Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi phải đưa ra lời kêu gọi người dân tiết kiệm sau tháng ăn chay Ramadan.

Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế, dự đoán cuộc chiến Ukraine phần lớn sẽ chỉ tác động tới các nhà nhập khẩu thực phẩm và năng lượng. Điều này đồng nghĩa với việc bên cạnh những nền kinh tế chịu nhiều rủi ro và tác động lớn, cũng có những bên được hưởng lợi từ việc giá cả leo thang, tiêu biểu là các nước xuất khẩu hàng hóa. Mặc dù vậy, những mối đe dọa khác từ đại dịch Covid-19 vẫn đang là “nỗi lo chung” của nhiều quốc gia như Trung Quốc với hàng loạt các thành phố lớn bị phong tỏa để chống dịch hay các nước châu Âu và Mỹ với nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế.

Tại Peru, một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, cán cân tài khoản vãng lai đã chuyển từ thặng dư 0,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm 2020 xuống mức thâm hụt 2,8% một năm sau đó. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại hai nước láng giềng Colombia và Chile với mức thâm hụt được ghi nhận lần lượt tăng lên khoảng 6% và 7% GDP trong quý 4/2021.

Tại Brazil, mặc dù nhiều tháng qua, ngân hàng trung ương của nước này đã tiến hành chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ, song tỷ lệ lạm phát vẫn ở chạm ngưỡng 11,3% trong tháng 3. Thais Zara, nhà kinh tế tại LCA Consultores ở Sao Paulo, cho biết vấn đề ở đây là giá cả chênh lệch nhau và chi phí nhiên liệu cao hơn khiến thực phẩm đắt hơn./.