Myanmar là một trong những nền kinh tế nghèo nhất Đông Nam Á, với GDP đầu người khoảng 868 USD.
Mặc dù có vị trí địa lý chiến lược - có chung biên giới với Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc, Lào và Thái Lan - Myanmar vẫn bị cô lập với phần còn lại của thế giới cho tới năm 2011.
Cuộc tổng tuyển cử năm 2010, một sự kiện mang tính bước ngoặt đối với đất nước, là bước đầu tiên của Myanmar hướng tới sự thay đổi từ chế độ quân sự sang một nền dân chủ “dân sự". Chính quyền do Tổng thống Thein Sein đứng đầu đã tiến hành hàng loạt cải cách kinh tế và chính sách khi lên nắm quyền năm 2011.
Lệnh cấm vận của EU, Mỹ, Canada và Australia được tạm thời dỡ bỏ do Myanmar đã có những động thái cải cách, sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài gia tăng và cùng với đó là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào nhiều hơn.
Myanmar được biết đến là một quốc gia giàu tàu nguyên với tiềm năng kinh tế lớn, tuy nhiên nền tảng tăng trưởng "hẹp", chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng. Công nghiệp, lĩnh vực chiếm khoảng 20% GDP của Myanmar, tập trung vào các ngành điện, dầu mỏ và khí tự nhiên với giá trị chiếm 75% tổng giá trị công nghiệp.
Những thành quả của cải cách
Dưới Luật Đầu tư Nước ngoài (MFIL) năm 2012, các cải cách kinh tế ở Myanmar liên quan đến việc giảm và đơn giản hóa những quy trình, hạn chế đối với đầu tư nước ngoài đã được thúc đẩy.
Myanmar áp dụng một chính sách tiền tệ "linh hoạt có sự quản lý" đối với đồng Kyat. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư và thương mại so với giai đoạn trước đó khi phải đối mặt với khó khăn do vấn đề biến động tỷ giá giữa đồng Kyat và đồng USD.
Các nhà chức trách cũng cam kết trao quyền nhiều hơn cho Ngân hàng Trung ương trong các quyết định chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, ngân sách dành cho y tế và giáo dục cũng được tăng điều chỉnh tăng.
Chính quyền Myanmar hiện cũng đang tích cực kêu gọi sự tham gia của tư nhân vào lĩnh vực viễn thông, tiêu biểu là việc cấp phép cho hai tập đoàn viễn thông lớn là Telenor từ Na Uy và Ooredoo từ Qatar.
Chính sách này đã nhanh chóng giúp Myanmar cải thiện các chỉ số kinh tế vĩ mô: Tăng trưởng GDP đạt hơn 7%/năm (8,25% giai đoạn 2013-2014). Tín dụng tư nhân đã tăng với tốc độ "hai con số" sau khi Chính phủ đồng ý việc cấp phép cho các ngân hàng mới. Phân bổ ngân sách cho xã hội tăng từ 0,9% GDP lên 3% GDP. Thâm hụt tài khóa ở mức thấp hơn mức mục tiêu (5% GDP).
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Myanmar đang ngày càng gia tăng. Tổng FDI đổ vào Myanmar đến năm 2013 khoảng 44 tỷ USD, trong đó 75% là vào các lĩnh vực điện, dầu mỏ và khí tự nhiên. Các nhà đầu tư lớn nhất là Trung Quốc, Hồng Công, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc và Anh. Hiện đầu tư vào ngành chế tạo chủ chốt vẫn ở mức thấp.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của Myanmar do các cải cách trong nhiều lĩnh vực sẽ tiếp tục được thực hiện, với tăng trưởng GDP thực tế đạt mức trung bình 8%/năm trong dài hạn.
Những vấn đề Myanmar cần tiếp tục cải cách
Myanmar đã đạt nhiều thành quả qua 3 năm cải cách. Mặc dù vậy, việc thực thi thực tế những cải cách và sự minh bạch hơn nữa pháp luật sẽ tiếp tục là trọng tâm chính sách của chính quyền trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử năm 2015. Những vấn đề tồn tại của Myanmar tiếp tục là sự bất ổn chính trị, tham nhũng, sự biến động chính sách, lao động trình độ thấp và yếu kém về cơ sở hạ tầng.
Ngoài những cải cách về kinh tế và chính sách, Myanmar cần tiến hành cải cách 3 vấn đề nhằm duy trì tăng trưởng bền vững trong dài hạn:
- Xung đột dân tộc trong nước cần nhanh chóng được giải quyết. Myanmar là một quốc gia đa văn hóa, có khoảng 135 nhóm trong 8 dân tộc thiểu số chính gồm Kachin, Kaya, Kayin, Chin, Bamar, Mon, Rakhine và Shan. Hiện chính quyền Myanmar và các dân tộc thiểu số đang có những mâu thuẫn lợi ích tiềm ẩn xung đột. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư nước ngoài tại Myanmar.
- Cải cách kinh doanh diễn ra chậm. Việc thực thi pháp luật, trong đó đảm bảo sự minh bạch của luật đầu tư nước ngoài có vai trò quan trọng đối với hoạt động đầu tư ở Myanmar. Bắt đầu hoạt động kinh doanh ở Myanmar là điều không dễ dàng do sự hạn chế về sự tiếp cận tài chính, nạn tham nhũng, bất ổn chính trị, lao động trình độ thấp và năng lực đổi mới kém.
- Đầu tư cho giáo dục có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết vấn đề lao động trình độ thấp ở Myanmar. Chi tiêu cho giáo dục của Myanmar thấp hơn nhiều so với các quốc gia tương đồng trong khu vực. Năng suất trung bình của một lao động ở Myanmar thấp hơn 70% mức tiêu chuẩn của các quốc gia châu Á, và Myanmar cần tăng hơn gấp đôi năng suất lao động vào khoảng năm 2030 để duy trì mức tăng trưởng GDP hàng năm 8%./.