Trong Thông điệp liên bang tối 1/3 (giờ Mỹ), Tổng thống Joe Biden tuyên bố rằng, Mỹ sẽ tham gia cùng Canada và một số quốc gia châu Âu trong việc hạn chế quyền tiếp cận của Nga vào mạng lưới hàng không toàn cầu để đáp trả cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine. Quyết định trên sẽ có hiệu lực vào cuối ngày 2/3.
“Hôm nay tôi tuyên bố chúng tôi sẽ cùng với các đồng minh đóng cửa không phận Mỹ đối với tất cả các chuyến bay của Nga, cô lập Nga hơn nữa và tăng thêm sức ép đối với nền kinh tế Nga”, Tổng thống Biden phát biểu.
Đòn giáng nặng nề đối với hàng không Nga
Các hãng hàng không đã kiểm tra hơn 100 chuyến bay đến và đi từ Sân bay quốc tế Sheremetyevo của Moscow trong tuần này trước khi các hạn chế có hiệu lực. Các biện pháp mới được công bố hôm 1/3 có thể nhanh chóng cản trở ngành hàng không thương mại của Nga.
Các hạn chế toàn cầu nhằm vào hàng không Nga sẽ có tác động trên nhiều phương diện. Việc một loạt nước châu Âu đóng cửa không phận đối với máy bay Nga đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hãng hàng không quốc gia Nga Aeroflot và các hãng hàng không tư nhân của nước này. Các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu cũng đe dọa quyền tiếp cận của Nga đối với các thiết bị và phụ tùng máy bay cũng như hàng trăm máy bay cho thuê, chiếm khoảng 50% đội bay thương mại của quốc gia này.
“Đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không Nga là một trong những hành động dễ thấy nhất mà các quốc gia có thể thực hiện và là một trong những hành động nặng nề nhất. Bên cho thuê yêu cầu Nga trả lại máy bay chắc chắn cũng là một đòn giáng nặng nề đối với các hãng hàng không Nga”, Henry Harteveldt, nhà phân tích ngành du lịch tại Tập đoàn Nghiên cứu Khí quyển, cho biết.
Trong khi đó, Nga cũng đóng cửa không phận với các hãng hàng không từ 36 nước, vùng lãnh thổ, bao gồm toàn bộ 27 thành viên của EU, để đáp trả lệnh trừng phạt tương tự đối với ngành hàng không của nước này. Lệnh cấm bay sẽ gây thiệt hại cho các hãng hàng không bay qua Nga để đi từ châu Âu tới châu Á. Điều này sẽ làm chậm sự trở lại của các chuyến du lịch quốc tế khi ngành hàng không đang cố gắng phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Aeroflot vận hành một đội bay gồm hơn 300 máy bay, chủ yếu là máy bay phản lực của Boeing và Airbus, phục vụ các điểm đến trên khắp thế giới. Cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine đã làm gián đoạn một số chuyến bay nội địa đến các thành phố gần biên giới Ukraine.
Tối 1/3, Boeing thông báo sẽ tạm ngừng các bộ phận, dịch vụ bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật cho các hãng hàng không Nga và đã “đình chỉ các hoạt động lớn ở Moscow”.
Ngay cả trước khi Tổng thống Biden thông báo đóng cửa không phận với Nga, Aeroflot hôm 1/3 cho biết việc Canada cấm các máy bay của hãng đã buộc họ phải hủy các chuyến bay đến các thành phố ở Mỹ, Mexico và Caribe.
Một chuyến bay của Aeroflot từ Miami đã đến Moscow vào ngày 27/2 sau khi bay qua không phận Canada. Giới chức Canada cho rằng hành động này là “vi phạm” lệnh cấm. Ngày 28/2, một chuyến bay chở hàng của Nga từ Chicago đến Moscow đã phải di chuyển theo tuyến đường khác để tránh qua không phận Bắc Âu.
Theo dữ liệu từ dịch vụ Flightradar24, ngay cả khi không phận Nga vẫn mở cửa cho các hãng hàng không Mỹ, nhiều chuyến bay đến Đông Á đang tránh các đường bay qua quốc gia này. Một ngoại lệ bao gồm các chuyến bay của hãng hàng không United Airlines từ Ấn Độ, tiếp tục đi qua không phận Nga. Ngày 1/3, United Airlines cho biết sẽ ngừng sử dụng tuyến đường đó.
Đường bay thế giới thay đổi ra sao?
Quyết định đáp trả của Nga, ngăn chặn các hãng hàng không của các quốc gia khác khỏi không phận của mình, đã gây ra thiệt hại kinh tế cho một số hãng vận tải. Hãng hàng không Phần Lan Finnair hôm 28/2 cho biết các hạn chế sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của hãng.
“Việc không đi qua không phận Nga sẽ kéo dài đáng kể thời gian bay đến châu Á và do đó, hoạt động của hầu hết các chuyến bay chở khách và hàng hóa đến châu Á sẽ không bền vững về mặt kinh tế”, Topi Manner, giám đốc điều hành của Finnair cho biết.
Michael McCormick, chuyên gia tại Đại học Hàng không Embry-Riddle, cho biết, nếu không phận thế giới vẫn bị chia cắt trong thời gian dài, các hãng hàng không sẽ không thể sử dụng các tuyến bay nhất định qua vùng Bắc Cực.
“Đó là những tuyến đường có hiệu quả về khoảng cách và thời gian. Việc không được đi qua khu vực đó sẽ tác động đáng kể đến các chuyến bay thẳng”, ông McCormick nói.
Theo phân tích của Hiệp hội Công nghiệp Hàng không Vũ trụ, Nga không phải là thị trường lớn của các hãng hàng không Mỹ. Tuy nhiên, theo Bijan Vasigh, Giáo sư Kinh tế và Tài chính tại Đại học Hàng không Embry-Riddle, các hãng hàng không Nga phụ thuộc nhiều vào công nghệ của châu Âu, Mỹ và sẽ gặp khó khăn nếu không thể tiếp cận điều này. “Đó là một vấn đề lớn đối với các hãng hàng không Nga”, ông Vasigh nói.
Các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến các máy bay thuê cũng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng khi tước đi phần lớn đội bay của các hãng hàng không Nga.
Theo số liệu do công ty tư vấn hàng không Ascend tổng hợp, các hãng hàng không của Nga có 981 máy bay phản lực và động cơ phản lực cánh quạt đang hoạt động. Trong số đó, 531 chiếc thuộc sở hữu của các công ty nước ngoài và cho các hãng hàng không thuê, với các công ty Ireland chiếm một số lượng lớn. Theo lệnh trừng phạt của châu Âu, các doanh nghiệp Ireland này sẽ có thời hạn đến cuối tháng 3 để kết thúc các thỏa thuận tại Nga.
Trong một tuyên bố, AerCap có trụ sở tại Dublin (Ireland), công ty có 154 máy bay cho các hãng hàng không Nga thuê, cho biết, họ “tuân thủ đầy đủ tất cả các lệnh trừng phạt hiện hành và sẽ yêu cầu ngừng hoạt động cho thuê với các hãng hàng không Nga”.
Các công ty tư nhân cũng ngừng hợp tác với Aeroflot. American Airlines cho biết họ đã chấm dứt các thỏa thuận với Aeroflot và S7, một hãng hàng không khác của Nga./.