Thời điểm bước ngoặt của Biden
Mỹ đã rút những binh lính cuối cùng khỏi Afghanistan ngày 30/8, đánh dấu sự chấm dứt của sứ mệnh quân sự 20 năm tại Afghanistan.
Tuy nhiên, với Tổng thống Biden, sự chấm dứt của "cuộc chiến bất tận" này giống như một bước ngoặt hơn là một sự kết thúc thực sự. Việc Mỹ rút quân đã mở ra một giai đoạn mới cho những khó khăn của Mỹ ở Afghanistan, một giai đoạn cũng nguy hiểm và không ít thách thức hơn so với 2 thập kỷ trước.
Tổng thống Biden và đội ngũ của ông hiện đang phải vật lộn với sự hoài nghi sâu sắc về việc liệu Taliban, hiện đã kiểm soát Afghanistan, có giữ lời hứa về sự chuyển giao hòa bình hay không. Taliban cam kết sẽ không tìm cách trả thù những người Afghanistan từng làm việc cho Mỹ và tôn trọng các quyền của phụ nữ, ít nhất là trong khuôn khổ của đạo Hồi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại hay thậm chí các đồng minh của Tổng thống Biden vẫn không tin tưởng vào những cam kết này.
Những mối đe dọa an ninh quốc gia cũng chưa hề biến mất, trong đó có việc liệu Afghanistan do Taliban kiểm soát có một lần nữa trở thành nơi trú ẩn cho những kẻ khủng bố muốn tấn công vào nước Mỹ hay không.
Tổng thống Biden và đội ngũ của ông cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo với hàng chục nghìn người tị nạn Afghanistan. Tính tới ngày 28/8, hơn 117.000 người, chủ yếu là công dân Afghanistan đã được sơ tán khỏi đất nước này nhưng họ hiện đang đối mặt với một tương lai bất định, thậm chí cả ở Mỹ, nơi mà sự phản ứng chuyển từ chào đón sang thận trọng và rồi là thù địch.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng đối mặt với những câu hỏi như liệu Mỹ đã làm đủ để đảm bảo các công dân Mỹ và người dân Afghanistan đủ điều kiện có thể rời khỏi quốc gia này trong những ngày cuối của quá trình rút quân và chuyển giao sang chính quyền của Taliban hay chưa?
Trong một cuộc họp báo hôm 30/8 thông báo về việc Mỹ chính thức rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan, Tướng Kenneth F. McKenzie Jr., người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ nhận định với báo giới rằng, những công dân Mỹ bị bỏ lại ở Afghanistan hiện chỉ "ở mức rất thấp với vài trăm người".
Dù vậy, ông McKenzie thừa nhận rằng: "Chúng tôi đã không đưa được mọi người rời đi như chúng tôi mong muốn. Nhưng tôi nghĩ nếu chúng ta ở lại thêm 10 ngày nữa chúng ta vẫn không đưa được mọi người rời đi và sẽ có những người thất vọng về điều này. Đây là một tình huống rất khó khăn".
Tổng thống Biden đã đưa ra thông báo hôm 30/8, cảm ơn các binh lính và sĩ quan giám sát giai đoạn rút quân cuối cùng "mà không có thêm người Mỹ nào thiệt mạng".
"Taliban đã cam kết sẽ đảm bảo sự rời đi an toàn và thế giới sẽ theo dõi những cam kết của họ", Tổng thống Biden nhận định, đồng thời cho biết nghị quyết của Liên Hợp Quốc thông qua trước đó đã hối thúc Taliban thực hiện lời hứa cho phép những người dân Afghanistan rời khỏi đất nước này.
Tổng thống Biden dự kiến sẽ có bài phát biểu ngày 31/8 (giờ Mỹ) liên quan đến việc chấm dứt cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan.
Những cơn đau đầu mới
Những thách thức mà chính quyền Tổng thống Biden hiện phải đối mặt bao gồm cả vấn đề hậu cần và chính trị. Việc rút quân hỗn loạn - trong đó có cái chết của 13 quân nhân Mỹ trong vụ đánh bom liều chết ở sân bay Kabul ngày 26/8, có thể ảnh hưởng đến thông điệp cốt lõi của Tổng thống Biden, trong khi đảng Dân chủ lo ngại sẽ vấp phải những phản ứng dữ dội từ công chúng, đe dọa đến kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ. Một số thành viên đảng Dân chủ trong Hạ viện thậm chí đã bắt đầu thảo luận kín về việc liệu Ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan có bị sa thải sau những diễn biến gần đây ở Afghanistan hay không.
Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Barack Obama nhận định, chính quyền Tổng thống Biden hiện đang đối mặt với 2 vấn đề cấp bách. Đó là cuộc khủng hoảng nhân đạo Afghanistan và mối đe dọa khủng bố trong khu vực, giữa bối cảnh Mỹ hiện có ít khả năng hơn nhiều so với trước đó để thu thập thông tin tình báo trên thực địa.
"Tại Afghanistan, chính quyền Mỹ phải cho thấy việc chấm dứt chiến tranh là quyết định đúng đắn nhưng cũng phải thể hiện rằng họ có thể giải quyết những vấn đề liên quan đến thách thức chống khủng bố và khủng hoảng nhân đạo. Chấm dứt chiến tranh vẫn chưa đủ. Họ cần phải cho thấy mình đủ khả năng giải quyết hậu quả", ông Rhodes cho hay.
Danielle Pletka, học giả cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) cho rằng việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan đã để lại "vô số câu hỏi còn bỏ ngỏ".
"Điều gì xảy ra với những người bị bỏ lại? Còn sự hiện diện của các nhóm khủng bố ở Afghanistan thì sao? Chúng ta sẽ làm gì trước sự kháng cự với Taliban? Có ủng hộ hay không?", chuyên gia Pletka đặt câu hỏi, đồng thời nhận định: "Điều này sẽ phụ thuộc vào Taliban để quyết định điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Họ chính là những người ngồi ở "ghế lái".
Tính tới ngày 30/8, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết số người được sơ tán là khỏi Afghanistan là hơn 120.000 người, trong đó có 6.000 công dân Mỹ và gia đình họ. Bà Psaki cũng khẳng định, bất chấp một vài bước lùi, chẳng hạn như việc các thiết bị quân sự của Mỹ bị bỏ lại sẽ rơi vào tay Taliban thì chính quyền Tổng thống Biden lạc quan cho rằng Mỹ vẫn sẽ có ảnh hưởng với các hành động của Taliban.
Tuy nhiên, những tuần hỗn loạn trước hạn chót 31/8 đã nhấn mạnh đến những cơn đau đầu sắp tới của chính quyền Tổng thống Biden.
Kabul, thủ đô của Afghanistan đã rơi vào tay Taliban nhanh hơn nhiều so với dự đoán của tình báo Mỹ, gây ra cảnh tượng hỗn loạn và nỗi sợ hãi khắp sân bay của thành phố này. Ngày 26/8, một vụ đánh bom liều chết đã khiến ít nhất 170 người thiệt mạng, trong đó có 13 quân nhân Mỹ tại Cổng Abbey của sân bay Kabul.
Cuộc không kích của Mỹ hôm 29/8 vào một phương tiện quân sự cách sân bay Kabul hơn 1km được cho là mối đe dọa từ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã khiến dân thường thiệt mạng, trong đó có cả trẻ em, các quan chức Afghanistan cho hay.
Ngoài ra, cũng có câu hỏi về việc liệu Taliban có thể trở thành một chính phủ hoạt động hiệu quả hay không, Trung tướng Mỹ về hưu Douglas Lute, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO nhận định.
Ian Bremmer, chủ tịch Eurasia Group - một nhóm tham vấn về rủi ro toàn cầu cho rằng việc Mỹ rút quân cuối cùng đã giúp Tổng thống rời khỏi khu vực đầy rắc rối này, đặc biệt khi phần lớn công chúng Mỹ đều nhất trí với quyết định đưa quân nhân Mỹ trở về.
Dù vậy, đảng Cộng hòa vẫn muốn gắn ông Biden với những gì mà họ gọi là sự rời đi hỗn loạn khỏi Afghanistan. Ông Rhodes cho rằng các đối thủ chính trị của Tổng thống Biden sẽ lợi dụng những cuộc khủng hoảng mà chính quyền Tổng thống Biden đang đối mặt, từ đại dịch Covid-19, "những hình ảnh đáng sợ ở Afghanistan" và những viễn cảnh u ám trong năm tới để đổ lỗi cho Tổng thống Biden, mặc dù "hầu hết những điều này đều nằm ngoài tầm kiểm soát của ông".
Nhà quan sát Pketka đánh giá: "Đây là thời điểm bước ngoặt cho nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden. Nếu may mắn, Tổng thống Biden sẽ trở thành Jimmy Carter thứ hai (Tổng thống Mỹ giành Nobel Hòa bình năm 2002 - ND). Nếu không, ông ấy sẽ chứng kiến một sự kiện tương tự như 11/9"./.