Cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine
CNN dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, các quan chức Mỹ đã thảo luận về một gói viện trợ vũ khí sát thương cho Ukrainekể từ khi Kiev cảnh báo công khai rằng Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công vào tháng 1/2022. Theo nguồn tin trên, gói này có thể bao gồm tên lửa chống tăng Javelin mới, tên lửa chống thiết giáp và súng cối. Ngoài ra, các hệ thống phòng không, chẳng hạn như tên lửa vác vai Stinger cũng đang được cân nhắc.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề xuất đưa một số khí tài như máy bay trực thăng Mi-17 tới Ukraine, thay vì tới Afghanistan theo dự tính ban đầu. Mi-17 là máy bay trực thăng do Nga sản xuất, được Mỹ mua để cung cấp cho Afghanistan. Sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào tháng 8/2021, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn đang xem xét kế hoạch sử dụng những máy bay này.
Nhiều quan chức trong chính quyền Biden lo ngại rằng việc Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine có thể bị Nga coi là một bước đi gây leo thang nghiêm trọng. Và dù một số cố vấn quân sự Mỹ có thể đến khu vực, nhưng chưa rõ họ có vào Ukraine hay không, các nguồn tin cho biết.
Cedric Leighton, cựu đại tá không quân Mỹ cho rằng, tên lửa chống tăng Javelin “khá hiệu quả để chống lại xe tăng T-80 mà Nga đang sử dụng”. Nhưng ông lưu ý, bất cứ sự hỗ trợ nào dành cho Ukraine cũng có nguy cơ làm “gia tăng căng thẳng với Nga”.
Thảo luận về biện pháp trừng phạt
Trong khi đó, giới chức Mỹ đang thảo luận với các đồng minh châu Âu về việc áp đặt vòng trừng phạt mới với Nga nếu nước này tấn công Ukraine. Khi được hỏi về hoạt động quân sự của Nga, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với phóng viên rằng, chính quyền “rất lo ngại” và đã có các cuộc tiếp xúc sâu rộng với đồng minh châu Âu cùng với đối tác trong những tuần gần đây, trong đó có cả Ukraine”.
Bà Jen Psaki cho biết thêm, Mỹ cũng đã có các cuộc đối thoại với các quan chức Nga về tình hình Ukraine và quan hệ song phương. Mới nhất ngày 22/11, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley đã có cuộc điện đàm với Tổng Tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Ukraine, Tướng Valery Zaluzhny.
Một số nhà phân tích nhận định, việc xúc tiến một loạt cuộc đối thoại cho thấy chính quyền Biden và Quốc hội Mỹ thực sự lo ngại khả năng Nga tấn công Ukraine. Lần này, Mỹ có lẽ quyết không để bị bất ngờ trước chiến dịch quân sự của Nga, như những gì diễn ra vào năm 2014 dưới thời chính quyền Obama khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 22/11, Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR) đã bác bỏ những cảnh báo của Mỹ về khả năng tấn công, gọi đó là “điều sai sự thật”.
Ông Sergei Ivanov – phụ trách bộ phận báo chí của SVR cho biết: “Bộ Ngoại giao Mỹ, thông qua các kênh ngoại giao đã cung cấp cho đồng minh và đối tác những thông tin sai sự thật cho rằng, việc tập trung lực lượng của Nga ở khu vực biên giới là nhằm chuẩn bị cho một cuộc xâm lược Ukraine”.
Trong nhiều tuần, Mỹ đã chia sẻ thông tin tình báo với các đối tác NATO và đồng minh châu Âu về hoạt động luân chuyển quân bất thường của Nga gần biên giới Ukraine mà các quan chức quân sự và tình báo Mỹ tin rằng có thể là tiền đề cho một chiến dịch quân sự ở sườn phía đông của nước này. Các nguồn thạo tin cho biết, những cuộc họp đã tiến xa hơn nhiều so với trước đây về mức độ báo động.
Giọng điệu của Ukraine đã thay đổi đáng kể sau khi nhận được cảnh báo từ Mỹ. Hồi đầu tháng này, giới chức Ukraine đã đánh giá thấp những báo cáo cho rằng Nga đang tập hợp lực lượng tại biên giới. Nhưng sau khi có các cuộc họp mở rộng giữa các quan chức Mỹ và Ukraine, người đứng đầu Cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov cảnh báo rằng Nga đang tăng cường năng lực quân sự để thực hiện một cuộc tấn công vào tháng 1/2022, tương tự như cảnh báo của Mỹ.
Không có chỉ dấu về ý định của Nga
Tuy vậy, kế hoạch cuối cùng của Nga vẫn chưa rõ ràng. “Không có bất cứ tín hiệu hay chỉ dấu nào cho thấy ý định của Tổng thống Putin”, một quan chức Mỹ lưu ý. Một số ý kiến cho rằng, việc triển khai binh sỹ tại khu vực biên giới có thể là nỗ lực của Nga nhằm gây hoang mang hoặc gây sức ép với phương Tây để buộc họ phải nhượng bộ, chứ không phải chuẩn bị cho một cuộc tấn công.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn cảnh báo về khả năng xảy ra tình huống xấu nhất trong trường hợp Nga cố gắng ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO hoặc xích lại gần phương Tây. Các quan chức quốc phòng Ukraine dự đoán, Nga có thể điều động hàng chục tiểu đoàn tác chiến hiện đang đóng quân gần biên giới Ukraine để tiến hành một cuộc tấn công từ nhiều phía, trong đó có cả Crimea.
Mỹ đã theo dõi chặt chẽ hoạt động của Nga tại Bán đảo Crimea, nơi Moscow đã triển khai các đơn vị quân đội vào mùa Xuân năm nay để tiến hành các cuộc tập trận. Ukraine cho biết, mặc dù Nga đã yêu cầu rút phần lớn binh sỹ vào tháng 4 vừa qua, nhưng một số đơn vị vẫn tiếp tục được triển khai ở đây.
Hiện, các nhà lập pháp của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã đề xuất sửa đổi đối với Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2022 nhằm đối phó với cái mà họ cho là “hành vi khiêu khích mới nhất” của Nga. Tuy vậy, đề xuất này vẫn chưa được thông qua./.