Khả năng virus “tự hủy diệt”
Nhiều người cho rằng, sự sụt giảm này là do tỷ lệ tiêm chủng cao cùng việc tuân thủ quy định đeo khẩu trang. Nhưng theo một số nhà nghiên cứu, chủng Deltađộc lực cao có thể đã liên tục biến đổi để “tự bảo vệ mình” và cuối cùng dẫn đến “tự hủy diệt”.
Tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản đã hoàn toàn được kiểm soát, chỉ 3 tháng sau khi biến thể Delta gây ra làn sóng Covid-19 thứ 5 tại nước này, khiến số ca mắc tăng lên mức kỷ lục gần 26.000 ca mỗi ngày.
Hiện giờ, Nhật Bản chỉ ghi nhận chưa đến 200 ca mắc mới mỗi ngày, trong khi số ca tử vong chỉ ở mức 1 con số. Ngày 7/11 vừa qua, nước này lần đầu tiên không ghi nhận ca tử vong trong suốt 15 tháng qua.
Các chuyên gia đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau khiến làn sóng Covid-19 mới tại Nhật Bản sớm được dập tắt. Trước hết, Nhật Bản là nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong số các nước tiên tiến, với 75,7% dân số được tiêm phòng đầy đủ. Các yếu tố khác bao gồm tăng cường giãn cách xã hội và việc đeo khẩu trang hiện đã trở thành thói quen của người Nhật.
Nhưng lý do chính có thể liên quan đến những thay đổi về gen di truyền mà virus gây bệnh Covid-19 trải qua trong quá trình nhân bản, với tốc độ khoảng 2 đột biến mỗi tháng. Theo lý thuyết mang tính cách mạng mà ông Ituro Inoue - giáo sư tại Viện Di truyền Quốc gia Nhật Bản đưa ra, biến thể Delta tại Nhật Bản đã tích lũy quá nhiều đột biến đối với một protein không cấu trúc, có khả năng sửa lỗi di truyền, được gọi là nsp14. Sau khi cố sửa chữa những khiếm khuyết về gen trong suốt thời gian dài, virus đã “tự hủy diệt”.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, khác với người châu Âu và châu Phi, nhiều người châu Á có một loại enzyme phòng vệ gọi là APOBEC3A chuyên tấn công các virus RNA, trong đó có virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Vì vậy các nhà nghiên cứu tại Viện Di truyền Quốc gia và Đại học Niigata đã bắt đầu khám phá cách thức protein APOBEC3A ảnh hưởng đến protein nsp14 và xem xét liệu nó có thể ức chế hoạt động của viruscorona hay không.
Nhóm này đã tiến hành phân tích dữ liệu di truyền của biến thể Alpha và Delta thu được từ các mẫu bệnh phẩm từ tháng 6 đến tháng 10/2021. Quan hệ giữa các trình tự ADN của virus SARS-CoV-2 sau đó được hiển thị trong một sơ đồ có tên mạng lưới haplotype, cho thấy sự đa dạng về di truyền. Càng nhiều mẫu bệnh phẩm được phân tích, mạng lưới dữ liệu càng lớn.
Mạng haplotype của biến chủng Alpha – yếu tố chính gây ra làn sóng Covid-19 thứ 4 tại Nhật Bản từ tháng 3 đến tháng 6, có 5 nhóm chính với nhiều đột biến phân nhánh, cho thấy mức độ đa dạng di truyền cao.
Trong khi đó, mạng haplotype của biến chủng Delta chỉ có 2 nhóm chính và các đột biến bất ngờ dừng lại trong quá trình tiến hóa. Điều này trái ngược với nhận định ban đầu rằng Delta có mức độ đa dạng di truyền lớn hơn nhiều.
Khi các nhà nghiên cứu tiếp tục kiểm tra enzym sửa lỗi nsp14 của virus, họ phát hiện ra rằng phần lớn mẫu nsp14 của biến chủng này ở Nhật Bản dường như đã có nhiều thay đổi di truyền tại vị trí đột biến có tên A394V.
Phát biểu với Japan Times, ông Inoue cho biết: “Chúng tôi thực sự bị sốc trước những phát hiện này. Biến thể Delta tại Nhật Bản rất dễ lây lan. Nhưng khi xuất hiện quá nhiều đột biến, virus cuối cùng sẽ bị lỗi và không thể tự sao chép được. Đối chiếu với thực tế là số ca mắc không gia tăng, chúng tôi cho rằng virus đã tự diệt một cách tự nhiên”.
Triển vọng chấm dứt dịch bệnh
Giả thuyết của giáo sư Inoue đã phần nào làm sáng tỏ sự suy yếu của làn sóng dịch bệnh mới tại Nhật Bản. Trong khi hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, bao gồm cả Hàn Quốc và một số nước phương Tây đang phải hứng chịu đợt lây nhiễm mới với số ca mắc cao kỷ lục, dù có tỷ lệ tiêm chủng cao tương tự, thì Nhật Bản lại nổi lên là một trường hợp ngoại lệ khi số ca mắc giảm mạnh, bất chấp việc các nhà hàng, phương tiện giao thông công cộng đã mở cửa và đông đúc trở lại.
“Nếu virus còn tồn tại, số ca bệnh chắc chắn sẽ tăng lên vì việc đeo khẩu trang và tiêm chủng không hoàn toàn bảo vệ được người dân trước nguy cơ lây nhiễm”, ông Inoue nói.
Sự sụt giảm bất ngờ số ca mắc mới sau làn sóng dịch bệnh vào mùa Hè đã trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi của nhiều chuyên gia. Takeshi Urano, giáo sư y khoa tại Đại học Shimane cũng đưa ra quan điểm tương tự. Ông cho biết: “Nsp14 hoạt động với các protein khác của virus. Nó có vai trò quan trọng để bảo vệ virus RNA không bị phân hủy. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi nsp14 bị tê liệt, khả năng tự nhân bản của virus sẽ giảm đáng kể và đây có thể là yếu tố gây ra sự sụt giảm nhanh chóng số ca mắc Covid-19”.
Theo chuyên gia này, với việc tìm kiếm một chất hóa học có khả năng tác động tới Nsp14, các nhà khoa học có thể bào chế loại thuốc đầy triển vọng để chữa trị bệnh Covid-19.
Giả thuyết của chuyên gia Inoue cũng có thể giúp giải thích lý do Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) đột ngột kết thúc vào năm 2003. Trong quá trình thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã tạo ra đột biến tại nsp14 trong virus gây bệnh SARS, kết quả là virus không thể tự nhân bản.
Câu hỏi đặt ra là liệu dịch Covid-19 có thể kết thúc tự nhiên giống dịch SARS khi virus không thể thực hiện quá trình nhân bản?
“Khả năng này vẫn có thể xảy ra, nhưng điều đó có vẻ quá lạc quan vào thời điểm hiện tại vì chúng tôi không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh điều đó, dù xem xét rất nhiều dữ liệu thu thập được từ các quốc gia khác”, ông Inoue nói.
Kể từ khi đạt đỉnh vào giữa tháng 8, số ca mắc Covid-19 hàng ngày ở Nhật Bản tiếp tục giảm xuống dưới 5.000 vào giữa tháng 9 và dưới 200 vào cuối tháng 10. Chuyên gia Inoue cho rằng, Nhật Bản dù có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất so với các quốc gia tiên tiến khác nhưng không thể miễn nhiễm với làn sóng dịch bệnh tiếp theo.
“Rõ ràng là có một mối đe dọa. Delta từng khiến các biến chủng khác không lan rộng ở Nhật Bản. Khi nó biến mất, sẽ không có gì để ngăn những biến chủng mới xâm nhập. Chỉ riêng vaccine sẽ không giúp ngăn chặn dịch bệnh, vì thế tôi cho rằng việc kiểm soát vấn đề nhập cư là rất quan trọng bởi chúng ta không thể biết điều gì sẽ đến từ các quốc gia bên ngoài”./.
* Loạt bài/bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.