Khủng hoảng có nguy cơ kéo dài
Cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới phía tây của Belarus đã leo thang nhanh chóng trong những ngày gần đây, buộc Ba Lan và Litva phải ban bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa biên giới với các nước láng giềng.
Chính phủ Ba Lan ước tính, khoảng 4.000 người di cư đang tập trung dọc theo biên giới nước này với Belarus và con số đó có thể gia tăng trong thời gian tới. Với việc lực lượng bảo vệ biên giới Ba Lan ngày càng sử dụng nhiều biện pháp cứng rắn để ngăn người di cư xâm nhập qua biên giới, tình hình có thể diễn biến nghiêm trọng hơn. Trong ngày hôm qua (16/11), bạo lực đã nổ ra khi những người di cư muốn vượt biên sang châu Âu phá hàng rào và ném đá vào lực lượng bảo vệ biên giới Ba Lan, còn phía Ba Lan sử dụng vòi rồng và hơi cay để đối phó.
Trước đó hôm 15/11, EU đã nhất trí áp đặt vòng trừng phạt mới đối với Belarus với cáo buộc Minsk đưa người di cư đến biên giới để phá hoại an ninh của khối. Trong khuôn khổ của các biện pháp trừng phạt mở rộng, khoảng 30 quan chức chính phủ cùng giám đốc điều hành các hãng hàng không và công ty lữ hành của Belarus sẽ bị lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản tại EU. Giới phân tích cho rằng, với gói trừng phạt mới này, cuộc khủng hoảng có thể kéo dài đến cuối năm nay thậm chí sang năm 2022.
Tuy vậy, có rất ít khả năng xảy ra xung đột vũ trang giữa Belarus và Ba Lan tại khu vực biên giới, vì một cuộc xung đột như vậy có nguy cơ kéo theo cả NATO và Nga vào cuộc. Hơn nữa, Tổng thống Lukashenko cũng nhấn mạnh rằng, ông không muốn xảy ra chiến tranh.
Nga đã trở thành tâm điểm chú ý khi các nhà lãnh đạo ở Ba Lan trực tiếp cáo buộc Tổng thống Putin tiếp tay cho Belarus “dàn dựng” cuộc khủng hoảng di cư. Mặc dù Điện Kremlin đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này, song giới phân tích cho rằng, lợi thế hiện giờ đang nghiêng về phía Nga.
Nga gia tăng đòn bẩy
Cuộc khủng hoảng sẽ khiến Tổng thống Belarus Lukashenko tăng cường liên thủ với Nga để đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây – điều mà Moscow luôn trông đợi. Trước đó ngày 4/11, Nga và Belarus đã ký văn kiện hội nhập của Nhà nước Liên minh tại cuộc họp của Hội đồng Nhà nước tối cao. Văn kiện này sẽ tạo động lực để hai bên xích lại gần nhau hơn bằng cách hội nhập kinh tế và hệ thống hành chính. Đây được xem là một bước tiến lớn trong nỗ lực hiện thực hóa chiến lược "Nhà nước Liên minh" của Nga và Belarus trong hơn 20 năm qua. Đáng chú ý, văn kiện được ký kết sau nhiều năm trì hoãn đã cho thấy ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Nga với Belarus.
Chưa kể, cuộc khủng hoảng cũng giúp Nga gia tăng đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Đức về việc cấp phép cho Dự án Dòng chảy phương Bắc 2, khi thủ tướng sắp mãn nhiệm của Đức – bà Angela Merkel kêu gọi Nga can thiệp để giảm leo thang khủng hoảng.
Khủng hoảng biên giới Ba Lan – Belarus diễn ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều thông tin về việc Nga đang gia tăng sự hiện diện quân sự tại khu vực biên giới với Ukraine. Giữa lúc phương Tây nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng người di cư và Ukraine lo ứng phó tình hình bất ổn tại biên giới với Belarus, Điện Kremlin có thể tranh thủ thời cơ để gây sức ép lên Kiev.
Vấn đề về các vùng biên giới đã trở nên nóng hơn sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới các nước thuộc khu vực Biển Đen, trong đó có cả Ukraine để tái khẳng định cam kết của Washington với các đồng minh và đối tác. Trước đây, những sự kiện như vậy, cùng việc Mỹ ủng hộ nguyện vọng của Ukraine trở thành thành viên của NATO luôn vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga.
Theo các nhà quan sát, cuộc khủng hoảng nhập cư ở biên giới Belarus-Ba Lan đã gây khiến căng thẳng giữa Belarus và châu Âu leo thang nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua. Khi EU áp đặt vòng trừng phạt mới với Belarus, nhiều khả năng Tổng thống Lukashenko sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược đáp trả tương xứng.
Giữa những toan tính về địa chính trị, và các biện pháp đáp trả qua lại lẫn nhau, nhiều người lo ngại tình hình nhân đạo trong khu vực sẽ tiếp tục xấu đi, đặc biệt khi nhiệt độ giảm mạnh trong mùa Đông và các nhân viên cứu trợ gặp khó khăn khi tiếp cận với những người tị nạn.
Việc Đức kêu gọi Nga tham gia tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng đã nêu bật tầm quan trọng và ảnh hưởng của Moscow trong khu vực. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus - EU với tư cách là trung gian hòa giải. Nhưng giới phân tích cho rằng, bất cứ sự hỗ trợ nào từ Nga nhằm bình ổn tình hình cũng có thể khiến Berlin phải chấp nhận nhượng bộ trong vấn đề cấp phép cho Dòng chảy phương Bắc 2./.