Nga bị cuốn vào cuộc khủng hoảng không mong muốn

Phát biểu với truyền hình Rossiya hôm 13/11, ông Putin nói rằng Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã không tham vấn Nga trước khi đe dọa cắt dòng chảy khí đốt tự nhiên từ Nga qua Belarus tới châu Âu.

“Về mặt lý thuyết, ông Lukashenko với tư cách là tổng thống của một quốc gia trung chuyển có thể yêu cầu cắt nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu. Nhưng nếu làm vậy sẽ vi phạm hợp đồng vận chuyển khí đốt. Tôi hy vọng điều này sẽ không xảy ra. Tôi sẽ trao đổi với ông ấy về vấn đề này. Có lẽ ông ấy chỉ nói như vậy trong lúc nóng nảy”, ông Putin nêu rõ.

Người phát ngôn của Điện Kremlin cũng khẳng định: “Nga đã, đang và sẽ là một quốc gia thực hiện mọi nghĩa vụ của mình trong việc cung cấp khí đốt cho các khách hàng châu Âu”.

Trước đó ngày 11/11, Tổng thống Lukashenko đã đe dọa cắt dòng chảy khí đốt tới châu Âu khi EU đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Belarus. Biện pháp này có thể bao gồm việc ngăn các hãng hàng không quốc tế chở người di cư hạ cánh xuống sân bay ở thủ đô Minsk của Belarus.

Những thông điệp trái chiều về việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga cho thấy, cuộc khủng hoảng di cư đang đặt ra những thách thức đối với quan hệ Nga-Belarus. Belarus là đồng minh chính thức duy nhất của Nga tại Đông Âu – khu vực mà Nga từ lâu đã xem là nằm trong phạm vi ảnh hưởng của nước này. Điều đó mang lại cho ông Lukashenko đòn bẩy vượt trội.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Belarus và phương Tây đang lên đến mức cao trào kể từ cuộc bầu cử gây tranh cãi tại Belarus vào năm 2020, một số đồng minh của Điện Kremlin cho rằng Nga đang bị cuốn vào một cuộc khủng hoảng mà nước này không hề mong muốn.

Konstantin Zatulin – một nghị sỹ cấp cao của Nga phụ trách quan hệ với các nước hậu Liên Xô cho biết: “Xét về mặt tâm lý, ông Lukashenko muốn trở thành người chiến thắng. Nhưng mong muốn đó và các chính sách của chúng tôi có sự khác biệt”.

Quan hệ đồng minh không êm thấm

“Canh bạc” của ông Lukashenko đã cho thấy mối quan hệ đồng minh không hề êm thấm giữa Belarus và Nga. Hồi tháng 5/2020, khi phải đối mặt với làn sóng chỉ trích và một loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây sau vụ ép máy bay của Hãng hàng không Ryanair (Ireland) chuyển hướng để bắt một nhà báo đối lập, Belarus đã tăng cường quan hệ và nhất trí hội nhập sâu rộng hơn với Nga.

Để thể hiện tình đoàn kết với đồng minh trước căng thẳng với phương Tây, Nga đã điều 2 máy bay ném bom có khả năng hạt nhân tham gia tuần tra tại khu vực  biên giới của Belarus, đồng thời triển khai lính dù tập trận cùng binh sỹ nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin nói rằng, thông tin tình báo của Belarus và Nga cho thấy các nước láng giềng EU, đặc biện là Ba Lan đã thực hiện những hành động quân sự cho thấy họ “sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc xung đột”.

Theo giới phân tích, trong cuộc khủng hoảng hiện tại, mục tiêu của ông Lukashenko rất đơn giản đó là buộc Liên minh châu Âu – vốn coi ông là tổng thống bất hợp pháp – phải đàm phán với ông và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Một quan chức EU cuối tuần qua cho biết, khối này “không có thông tin’ cho thấy Tổng thống Putin đã “tiếp tay” cho cuộc khủng hoảng di cư, nhưng chỉ trích Moscow đã không gây ảnh hưởng đối với Belarus để ngăn chặn cuộc khủng hoảng.

Điện Kremlin dường như muốn châu Âu phải tự dàn xếp với Belarus. Mặc dù ông Putin đã có cuộc trò chuyện với Thủ tướng Đức Angela Merkel 2 lần trong tuần qua, các quan chức Nga vẫn khẳng định rằng châu Âu cần phải đối thoại trực tiếp với Tổng thống Lukashenko.

Thời gian gần đây, khi Tổng thống Lukashenko phải đối mặt với nhiều sức ép từ phương Tây, Nga đã cam kết hỗ trợ nhiều hơn về tài chính và quân sự cho Belarus, báo hiệu ý định của Moscow thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước nhằm tạo ra một mối ràng buộc khó có thể tách rời. Với Belarus, Nga là một đối tác hỗ trợ mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn chính trị. Còn với Nga, Belarus mang lại cơ hội giúp quốc gia này gây dựng ảnh hưởng về kinh tế và chính trị trong khu vực.

Tuy vậy, quan hệ giữa 2 quốc gia đồng minh này không phải lúc nào cũng êm thấm. Kể từ khi lên cầm quyền vào năm 1994, chính quyền Tổng thống Lukashenko đã tìm cách gặt hái nhiều lợi ích từ cuộc cạnh tranh giữa Nga và phương Tây, khiến Moscow thất vọng sâu sắc. Chiến lược “đi dây” này đã kết thúc vào năm 2020 khi ông Lukashenko tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống mà EU cho là “có sự gian lận”, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt với Belarus. Mặc dù không hài lòng với những toan tính của chính quyền Lukashenko, nhưng Điện Kremlin không còn lựa chọn nào khác, bởi các đối thủ cạnh tranh với ông Lukashenko được cho là quá thân phương Tây.

Chưa kể, hai bên cũng nhiều lần tranh cãi gay gắt về phí trung chuyển khí đốt và những ưu đãi mà Nga phải giành cho Belarus để “bôi trơn” tuyến đường ống dẫn chạy qua nước này.

Theo giới phân tích, giữa vòng xoáy căng thẳng leo thang với phương Tây, Tổng thống Lukashenko vẫn cần tới sự hậu thuẫn của Moscow nhiều hơn bao giờ hết. Tuy vậy, ông Putin sẽ không bao giờ hy sinh lợi ích ở thị trường béo bở châu Âu, vì khu vực này là nơi nhập khẩu 35% lượng khí đốt từ Nga./.