Nếu đánh giá một cách riêng lẻ, mỗi sự kiện gần đây giữa Pháp và Ấn Độ đều có vẻ như không quá quan trọng, nhưng nếu đánh giá một cách tổng thể, chúng cho thấy, Pháp trước đây, hiện nay và cả sau này sẽ vẫn là đồng minh của Ấn Độ trong mọi điều kiện.
Tối 31/3, lô 3 tiêm kích Rafale thứ 4 từ Pháp (được Lực lượng Không quân UAE tiếp nhiên liệu trên không giữa hành trình) đã tới Ấn Độ, gia nhập Phi đội Cánh cung Vàng tại căn cứ không quân Ambala.
Với lô tiêm kích mới này, Ấn Độ hiện có 14 chiếc Rafale. 22 chiếc còn lại sẽ được bàn giao đúng thời điểm dự kiến.
Hôm 20/3, Chủ tịch Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) K. Sivan thông báo rằng Ấn Độ và Pháp đang xúc tiến dự án vệ tinh chung thứ 3, sau dự án “Megha Tropiques” năm 2011 và “Saral-Altika” năm 2013.
Ngày 27/3, Capgemini (một công ty đa quốc gia tại Pháp chuyên tư vấn và cung cấp công nghệ) tuyên bố mở 2 phòng thí nghiệm đổi mới 5G, một ở Mumbai và một ở Paris. Các phòng thí nghiệm này sẽ giúp thúc đẩy việc phát triển và triển khai 5G cũng như các công nghệ hàng đầu khác, đưa chuyển đổi dữ liệu thành ngành công nghiệp tiềm năng.
Ngày 29/3, Phòng thương mại và Công nghiệp Pháp-Ấn (IFCCI) nói rằng Pháp đã nhận thấy có sự gia tăng hoạt động kinh doanh giữa 2 nước trong nhiều lĩnh vực như năng lượng và công nghệ.
“Theo truyền thống, quan hệ kinh tế Pháp-Ấn chủ yếu là ở lĩnh vực quốc phòng và không gian. Hiện nay chúng tôi thấy nhiều ngành công nghiệp khác cũng hợp tác rất tốt và ngày càng phát triển”, ông Payal S. Kanwar, Giám đốc điều hành IFCCI nói.
Pháp là nguồn FDI quan trọng ở Ấn Độ và hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 ở Ấn Độ với số tiền đầu tư 9,67 tỷ USD trong gia đoạn từ tháng 4/2000 đến tháng 9/2020.
Các khoản đầu tư này bao gồm cả thương vụ 2 tỷ USD của Schneider Electric mua doanh nghiệp điện tử L&T, thương vụ 2,5 tỷ USD của Total ở Doanh nghiệp năng lượng xanh Adani, và tập đoàn ADP của Pháp mua 49% cổ phần tập đoàn GMR.
Sự kiện lớn thứ 5 sẽ diễn ra từ 5-7/4 tới khi lần đầu tiên Hải quân Ấn Độ tham gia cuộc tập trận “La Perouse” do Pháp dẫn đầu tại Vịnh Bengal. Tham gia cuộc tập trận này còn có các nước khác trong nhóm Bộ tứ (QUAD) – Australia, Nhật Bản và Mỹ.
Khoảng cuối tháng 4, Pháp và Ấn Độ cũng tiến hành cuộc tập trận chung thường niên Varuna ở Tây Ấn Độ Dương. Đáng chú ý, cuộc tập trận năm nay lần đầu tiên có sự tham gia của Hải quân UAE.
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp tập trung vào Ấn Độ
Pháp là cường quốc châu Âu đầu tiên chấp nhận khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và ủng hộ cơ chế QUAD. Yếu tố này là đủ để các nhà phân tích nói về một nhóm QUAD+ (thêm Pháp) đóng vai trò quan trọng trong khu vực.
Pháp cũng là nước châu Âu đầu tiên triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hồi tháng 10/2020, Pháp bổ nhiệm đại sứ đầu tiên về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đại diện cho các lợi ích của Pháp trong khu vực.
Trên thực tế, Pháp tự coi mình là một phần của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với các vùng lãnh thổ hải ngoại như La Réunion, Mayotte, Vùng đất phía Nam và Châu Nam Cực thuộc Pháp nằm ở Ấn Độ Dương. Pháp có 8.000 binh sỹ trong khu vực và cả tàu sân bay năng lượng hạt nhân để hỗ trợ lực lượng này.
Cũng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, năm 2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra sáng kiến về Đối thoại 3 bên gồm Ấn Độ-Pháp-Australia, động thái được cho là nhằm xây dựng “trục Paris-Delhi-Canberra”.
3 nước đối tác đã nhất trí cho phép tiếp cận các căn cứ quân sự của nhau. Tháng 3/2019, Pháp và Ấn Độ ký thỏa thuận “hỗ trợ hậu cần qua lại giữa các lực lượng vũ trang”. Pháp và Australia cũng đã ký Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần song phương” (MLSA) vào tháng 5/2018 và Ấn Độ-Australia cũng hoàn tất MLSA vào tháng 5/2020.
Pháp mới là đồng minh trong mọi điều kiện
Pháp là nhà cung cấp vũ khí, khí tài lớn của Ấn Độ, đặc biệt với thương vụ tiêm kích đa nhiệm Rafale năm 2016 và việc khôi phục lại Dự án 75 về chuyển giao công nghệ tàu ngầm Scorpene. Tiếp đó, 2 nước đạt thỏa thuận nâng cấp 51 máy bay Mirage-2000 và thương vụ 490 hệ thống tên lửa MICA.
Một yếu tố đáng chú ý: không giống các nhà cung cấp phương Tây khác như Mỹ, Đức hay Anh, Pháp chưa bao giờ gây vấn đề về chuyển giao công nghệ hoặc áp đặt trừng phạt đối với Ấn Độ.
Mặt khác, Pháp là cường quốc phương Tây đầu tiên ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Không giống các đối tác khác trong liên minh phương Tây, Pháp chưa từng áp đặt bất cứ trừng phạt nào đối với Ấn Độ sau khi Ấn Độ thử hạt nhân năm 1998, và thậm chí không “chỉ trích” các vụ thử hạt nhân này.
Ngoài ra, Pháp là nước đầu tiên mà Ấn Độ tiến hành tập trận hải quân chung “Varuna” sau các vụ thử hạt nhân năm 1998. Cuộc tập trận này được tổ chức thường xuyên trong những năm qua.
Tương tự, cuộc tập trận song phương đầu tiên của Không quân Ấn Độ (IAF) năm 2003 với một đối tác nước ngoài – tập trận Garuda I – lại một lần nữa là với Không quân Pháp.
Ngoài ra, Pháp cũng quan tâm tới việc cung cấp các lò phản ứng hạt nhân cho nhà máy điện của Ấn Độ. Hai bên có sáng kiến chung về việc vận hành Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế (ISA) nhằm thúc đẩy năng lượng mặt trời ở 121 nước thành viên và huy động hơn 1.000 tỷ USD đầu tư vào việc triển khai năng lượng sạch với giá cả phải chăng vào năm 2030.
Nói cách khác, Pháp và Ấn Độ hiện đang là đối tác chiến lược của nhau và mối quan hệ đối tác này không chỉ hạn chế ở lĩnh vực quốc phòng mà còn ở nhiều lĩnh vực khác.
Chiến lược của Pháp “bền” hơn chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ
Salvatore Babones, một học giả tại Trung tâm nghiên cứu độc lập (CIS) có trụ sở ở Sydney, cho rằng, có 2 lý do chiến lược Ấn Độ Dương Thái Bình Dương của Pháp tập trung vào Ấn Độ.
Thứ nhất, Pháp nhận thấy Ấn Độ là nơi an toàn để đầu tư lớn vào các dự án cơ sở hạ tầng như khí đốt tự nhiên, năng lượng mặt trời, năng lượng hạt nhân, khám phá không gian, tàu cao tốc... ngoài lĩnh vực quốc phòng. Không giống như trường hợp ở Trung Quốc, Pháp có nhiều niềm tin vào hệ thống pháp lý và dân chủ của Ấn Độ nơi mà các tài sản trí tuệ sẽ được an toàn và được đảm bảo bằng các điều khoản giao kèo.
Thứ hai, Pháp đang coi Ấn Độ là nơi để hồi sinh các công nghệ thế hệ cũ. Tiêm kích Rafale mà Pháp bán cho Ấn Độ được phát triển ở giai đoạn 1980-1990 và dù vẫn được Không quân Pháp sử dụng như loại tiêm kích hàng đầu, thì chúng cũng không còn là công nghệ hàng tân tiến đầu nữa. Tập đoàn hàng không Dassault của Pháp hiện đang tìm cách thiết lập cơ sở sản xuất mới ở Ấn Độ cho sản phẩm đang dần lỗi thời của mình.
Tương tự Pháp cũng chuyển giao công nghệ hạt nhân cho nhà máy điện hạt nhân Jaitapur của Ấn Độ. Công nghệ này dù vẫn còn mới, nhưng đã không còn hiệu quả kinh tế ở châu Âu vì chi phí xây dựng cao và nhu cầu điện hạt nhân giảm.
Theo ông Babones, “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp có thể tồn tại lâu dài hơn so với các chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ, Nhật Bản và Australia. Xây dựng năng lực bản địa trong sản xuất và thương mại là sự đảm bảo chắc chắn cho một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, và chiến lược của Pháp phù hợp với các nước trong khu vực hơn nhiều so với các nước khác”./.