Đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã rút bớt các nhân viên tại Đại sứ quán ở Baghdad do lo ngại bị trả đũa trước thời điểm 1 năm sau vụ tấn công hạ sát tướng Iran Qasem Soleimani - người được cho là chỉ đạo mạng lưới các nhóm vũ trang trên khắp Trung Đông tiến hành các vụ tấn công bạo lực nhằm vào phía Mỹ.
Mặc dù tần suất đã giảm, nhưng các vụ tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ tại Iraq vẫn xảy ra trong những tháng gần đây, mới nhất là vụ nã rocket vào Vùng Xanh ở Baghdad ngày 20/12, dù không có nhân viên nào phía Mỹ thương vong.
Iran tìm cách đáp trả nhưng vướng bất đồng nội bộ?
Tướng Kenneth McKenzie, Chỉ huy Bộ tư lệnh trung tâm Mỹ (US CENTCOM) nói rằng, các nhà lãnh đạo Iran muốn tiếp tục đáp trả vụ sát hại tướng Qasem Soleimani, nhưng vẫn đang vướng phải những bất đồng nội bộ kể từ sau khi mất “kiến trúc sư trưởng” trong các hoạt động của các nhóm vũ trang từ Iraq tới Lebanon và Yemen.
Phát biểu với báo giới qua điện thoại trong chuyến công tác nước ngoài, ông McKenzie nói rằng, cái chết của tướng Soleimani - chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), đã buộc lãnh đạo Iran phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận với Mỹ.
“Iran chưa bao giờ nghi ngờ khả năng đáp trả của Mỹ. Nhưng họ thường nghi ngờ việc chúng ta có sẵn sàng đáp trả hay không. Tôi nghĩ sự vụ Soleimani hồi tháng 1 năm nay đã khiến họ phải tính toán lại về sự sẵn sàng của của chúng ta. Chúng ta đã cho họ thấy mức độ hành động mà họ có lẽ đã không tin chúng ta có thể làm”.
Ông McKenzie nói rằng cái chết của tướng Soleimani cũng làm suy yếu khả năng liên kết các nhóm phiến quân ở Iraq vốn lâu nay luôn là mối đe dọa đối với lực lượng Mỹ tại Iraq. Tuy nhiên, đây cũng chính là yếu tố khó dự đoán khi Mỹ tìm cách đánh giá và chuẩn bị cho các động thái đáp trả của Iran.
“Cái chết của Soleimani đã làm mất cân bằng khả năng của Iran trong việc chỉ đạo các nhóm vũ trang. Có rất nhiều mối bất hòa giữa các nhóm này. Điều đó cũng mở ra khả năng sẽ có những cuộc tấn công không được nhất trí. Chúng ta vẫn phải theo dõi mọi động thái”, ông McKenzie nói.
Mỹ sẵn sàng đáp trả mọi cuộc tấn công
Các sự kiện xung quanh vụ tấn công hạ sát tướng Soleimani đã đánh dấu giai đoạn căng thẳng nhất trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran trong chính quyền Tổng thống Trump. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran để cô lập quốc gia Hồi giáo này sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà các bên đã ký năm 2015.
Sau vụ sát hại tướng Soleimani ngày 3/1/2020, Iran đã đáp trả bằng vụ tấn công tên lửa vào các căn cứ Mỹ ở Iraq khiến nhiều binh sỹ bị tổn thương não.
Trong khi đó, chính phủ Iraq hiện đang tìm cách chia rẽ các nhóm phiến quân trung thành với Iran với các nhóm dân quân mà Baghdad đánh giá là hữu ích trong việc duy trì an ninh nội bộ.
Lực lượng dân quân đóng vai trò chủ chốt trong việc bảo vệ Iraq trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) sau khi tổ chức khủng bố này kiểm soát phần lớn đất nước năm 2014.
Ông McKenzie nói rằng, các lực lượng Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng trước bất cứ nỗ lực tấn công nào từ phía Iran. Từ giữa năm 2020, Quân đội Mỹ đã triển khai các hệ thống phòng không mới ở Iraq để bảo vệ các lực lượng Mỹ tại đây. Trong tháng này, Mỹ cũng đã điều máy bay ném bom chiến lược B-52 tới Trung Đông để phô trương sức mạnh.
Trong một động thái hiếm hoi, Hải quân Mỹ ngày 21/12 đăng tải trên trang Twiter về việc tàu ngầm năng lượng hạt nhân USS Georgia cùng 2 tàu khu trục tên lửa dẫn đường khác đi qua eo biển Hormuz tiến vào Vịnh Arab. Tuyên bố còn đặc biệt nói về khả năng mang tới 154 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk của tàu ngầm US Georgia.
Tổng thống đắc cử Joe Biden đã bày tỏ ý định quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, ám chỉ chính sách bớt cứng rắn hơn với Iran.
Trong khi đó, nhiều người lo ngại Tổng thống Trump có thể sẽ “tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào Iran, gây khó khăn cho chính quyền tiếp theo khi muốn “mềm mỏng” hơn với quốc gia Hồi giáo này. Đây có thể là lý do khiến Iran phải kiềm chế và tính toán lại các động thái trong quá trình chuyển giao ở Mỹ.
Tuy nhiên, ông McKenzie thừa nhận, việc suy giảm tính liên kết giữa Iran với các nhóm vũ trang sau cái chết của tướng Soleimani đã khiến việc dự đoán những gì xảy ra trở nên khó hơn. Khi sự phối hợp trở nên lỏng lẻo hơn, các nhóm có thể sẽ tự ý hành động mà không cần sự đồng ý từ phía Iran./.