Quyết định này sẽ đánh dấu “sự trở lại ngoạn mục” của nước Mỹ hay chỉ cho thấy “một nước Mỹ thất bại” như cách nói của người tiền nhiệm Donald Trump. Hàng chục tổ chức phi chính phủ tại Mỹ hôm qua đã ký tên vào một bức thư chung yêu cầu ông chủ thứ 46 của Nhà Trắng nhanh chóng đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

32 tổ chức phi chính phủ tại Mỹ hồi tuần này đã gửi thư lên Tổng thống Joe Biden hối thúc nhà lãnh đạo Mỹ nhanh chóng trở lại Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran. Bức thư bày tỏ lo ngại nguy cơ leo thang căng thẳng quân sự liên quan tới Mỹ tại Trung Đông. Theo những tổ chức phi chính phủ này, càng để lâu thì cơ hội đạt được nhận thức chung với Iran càng trở nên phức tạp.

Bức thư được gửi tới Tổng thống Joe Biden ngay sau vụ không kích của Mỹ hôm 25/2 nhằm vào các lực lượng thân Iran tại Syria. Cho rằng đây là một dấu hiệu của “sự leo thang quân sự” giữa các bên, các tổ chức phi chính phủ lo ngại và nhấn mạnh “sự cấp thiết của một cách tiếp cận mới” với Iran.

Kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, Mỹ và Iran đã liên tục có những bước đi thăm dò lẫn nhau. Việc cả 2 nước đều không muốn trở thành bên phải nhượng bộ trước đã gây khó khăn cho các nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Nhiều thành phần trong xã hội dân sự tại Mỹ đã bày tỏ lo ngại về tác động của chính sách đối ngoại dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Giáo sư Khoa học Chính trị và các vấn đề quốc tế Đại học Temple, Nhật Bản Benoit Hardy-Chartrand nhấn mạnh: “Đây mới chỉ là một phần của những gì chúng ta sẽ thấy trong vài tháng hay vài năm tới. Một chính quyền đủ mạnh và sẽ không quá mềm mỏng trước các đối thủ. Vì vậy, có thể nói cuộc không kích tại Syria là bước đi đầu tiên trong sách lược này, đồng thời gửi đi một tín hiệu vè những gì chúng ta có thể mong đội trong những năm tiếp theo của chính quyền Tổng thống Joe Biden”.

Không chỉ các tổ chức dân sự, mà ngay trong chính nội bộ đảng Dân chủ cũng có những ý kiến không hài lòng khi Tổng thống không thông báo cho Quốc hội hoặc tìm kiếm sự đồng ý của Quốc hội trước khi phê duyệt các cuộc không kích ở Syria. 

Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden mới chỉ đưa ra những cử chỉ phần nhiều mang tính tượng trưng, bởi rõ ràng sức ép với ông là không hề nhỏ. Một bên là các tổ chức dân sự và nhiều nghị sĩ Dân chủ thúc ép phải dỡ bỏ trừng phạt, song mặt khác ông cũng phải tính đến áp lực từ các lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện.

Một lãnh đạo đảng Cộng hòa mới đây đã gửi thư cho Tổng thống cảnh báo chống lại bất kỳ nhượng bộ tài chính nào trước các cuộc đàm phán với Iran.

Chuyên gia Ahmed Khan tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc nhận định: “Chính quyền Tổng thống Biden rất muốn quay trở lại bàn đàm phán với Iran và có lẽ sẽ thực hiện thêm nhiều bước đi để đạt được điều này. Một trong những lý do chính là vì Trung Đông giờ không phải là một điểm nóng đối với Mỹ nữa. Thế giới đã thay đổi trong vài năm qua, vì vậy họ không có lợi khi kéo dài điều này và chứng kiến ​​sự leo thang hơn nữa”.

Cuộc tranh luận về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran có thể làm cho Tổng thống Joe Biden phải đau đầu và khiến các nghị sĩ Mỹ bận rộn trong nhiều tháng tới. Kể từ năm 2015, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật mang tên “Rà soát Thỏa thuận Hạt nhân Iran”. Văn kiện này cho phép Quốc hội giám sát bất kỳ “thỏa thuận nào liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran”. /.