Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm 19/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: “Chúng tôi đã chuẩn bị để bắt đầu đàm phán lại với nhóm P5+1 về chương trình hạt nhân của Iran”. Tuyên bố của ông Biden được cho là lặp lại những gì mà chính quyền của ông đã công bố vào ngày hôm trước về đường lối xử lý vấn đề Iran.
Trang National Review nhận định, chiến lược của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với vấn đề Iran không gây ngạc nhiên nhưng nó làm sáng tỏ cách tiếp cận không đủ cứng rắn của chính quyền mới với nước Cộng hòa Hồi giáo.
Biden và nhóm của ông từ lâu đã công khai ý định đưa nước Mỹ trở lại với thỏa thuận lịch sử mà các cường quốc thế giới (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) ký với Iran hồi năm 2015, nhưng không đề cập đến chương trình tên lửa của Iran cũng như hoạt động của Tehran mà Washington từ lâu đã tố cáo là hậu thuẫn các lực lượng gây bất ổn trong khu vực.
Mặc dù vậy, các quan chức Mỹ cho biết, trước khi họ có thể thực hiện bước đi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt cần thiết để hiện thực hóa dự định trở lại với Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA – tên gọi của thỏa thuận hạt nhân Iran) thì Iran phải quay trở lại tuân thủ thỏa thuận và ngừng ngay việc làm giàu urani vượt ngưỡng cho phép.
Ngày 18/2, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington sẽ chấp nhận lời mời từ Liên minh châu Âu (EU) về việc tham gia một cuộc gặp với tất cả các bên tham gia JCPOA. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhấn mạnh: "Mỹ sẽ chấp nhận lời mời từ Đại diện cấp cao của EU để tham gia một cuộc gặp giữa nhóm P5+1 và Iran, nhằm thảo luận về giải pháp ngoại giao cho chương trình hạt nhân của Tehran".
Mỹ chưa tham gia một cuộc gặp nào của nhóm P5+1 kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi JCPOA hồi năm 2018 và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.
Cùng ngày, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã đảo ngược hai biện pháp (chủ yếu mang tính biểu tượng) chống Iran thực thi dưới thời cựu Tổng thống Trump. Đó là Mỹ đã hủy bỏ quyết định của cựu Tổng thống Trump khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran cũng như lệnh cấm đi lại nhằm vào giới chức Iran tại New York (Mỹ).
Không ai chịu ai, Mỹ đang yếu đuối trước Iran?
Bất chấp những động thái hòa giải này, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki chiều 19/8 xác nhận rằng, Mỹ sẽ không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trước khi các cuộc đàm phán với Iran diễn ra. Trong khi đó, Iran lại có niềm tin, hoặc ít nhất là hy vọng rằng sẽ có thể tạo đủ áp lực để chính quyền mới giảm nhẹ cách tiếp cận “gây áp lực tối đa” như dưới thời của ông Trump.
Sau khi lực lượng người Shiite ở Iraq tấn công tên lửa vào một căn cứ của Mỹ ở Erbil hồi đầu tuần, chính quyền Mỹ đã không lập tức quy trách nhiệm cho những kẻ thực hiện vụ tấn công, bất chấp việc một nhóm do Iran hậu thuẫn đã lên tiếng nhận trách nhiệm.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với NPR: “Chúng tôi đã chứng kiến lực lượng phiến quân do Iran hậu thuẫn ở Iraq trong nhiều trường hợp phải chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công. Nhưng cho đến nay, vẫn còn quá sớm để biết ai phải chịu trách nhiệm cho vụ việc này”.
Bài viết trên National Review đặt ra giả thiết: Rất may khi không có binh sĩ Mỹ nào thiệt mạng, nhưng có một người bị thương. Chính quyền sẽ làm gì nếu điều tồi tệ nhất xảy ra trong một cuộc tấn công khác?
Theo bài báo, thay vì gửi đi thông điệp cứng rắn đến Iran như ông Donald Trump đã từng làm (Mỹ buộc Iran phải chịu trách nhiệm trực tiếp về các hành động của các lực lượng mà họ hậu thuẫn trong khu vực) thì chính quyền mới dường như đã để mọi thứ trượt dài mà không hề phát đi cảnh báo trực tiếp nào đối với Iran. Thậm chí, Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây thu hồi chỉ định lực lượng Houthi [do Iran hậu thuẫn ở Yemen – ND] là một thực thể khủng bố toàn cầu. Tệ hơn cả là việc chính quyền Tổng thống Biden lại tỏ ra mềm mỏng sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết Iran bắt đầu sản xuất kim loại urani, hành động đi ngược lại các nội dung trong JCPOA.
National Review cho rằng Iran hiện đang leo thang vì họ nhận thấy có cơ hội để ông Biden dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước. Trong khi các quan chức hàng đầu của Mỹ như Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, Ngoại trưởng Antony Blinken và chính bản thân Tổng thống Joe Biden kêu gọi đàm phán thì Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif vẫn nhắc lại đề nghị Mỹ trước tiên cần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này nếu muốn thương thảo.
Ít nhất thì chính quyền Biden cho đến nay vẫn chưa có động thái giảm nhẹ các lệnh trừng phạt của chính quyền tiền nhiệm. Nhưng nếu như ông Biden không mạnh mẽ xử lý triệt để những phép thử của Iran đối với quyết tâm của ông, thì tân Tổng thống Mỹ sẽ còn phải đau đầu với bài toán Iran./.