Quyết định rút quân khỏi Afghanistan của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dấy lên cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Ông bị chỉ trích vì đã thực hiện cuộc rút lui vội vàng, khiến các đồng minh quốc tế và chính người dân Afghanistan bất ngờ.
Như nhà phân tích chính sách đối ngoại Edward Luce đã nói: “Chẳng có cách dễ chịu nào để từ bỏ một cuộc chiến mà bạn đã thua”.
Mỹ đã rót 1.000 tỷ USD vào đào tạo Quân đội Quốc gia Afghanistan trong gần hai thập kỷ. Các chính quyền kế nhiệm đều thất vọng vì mức độ kém năng lực và tham nhũng ở trung tâm của chính trị Afghanistan. Hiểu rõ điều này, ông Biden cho rằng “mọi thứ đã quá đủ” vì Mỹ không bao giờ thắng cuộc chiến ở Afghanistan.
Tất nhiên, người tiền nhiệm của ông Biden, Tổng thống Donald Trump, mới là người ký thỏa thuận với Taliban vào tháng 2/2020 theo đó Mỹ sẽ rút các lực lượng khỏi Afghanistan. Nhưng có 2 yếu tố khiến ông Biden quyết định tiếp tục thỏa thuận này: thứ nhất, ông Biden vốn là người phản đối cuộc chiến ở Afghanistan; thứ hai, ông Biden đang cố gắng thực hiện những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Nhất quán lập trường phản đối cuộc chiến ở Afghanistan
Năm 2014, khi được hỏi ông cảm thấy tác động lớn nhất của Phó Tổng thống [Joe Biden] là ở khía cạnh nào, Tổng thống khi đó là Barack Obama đã trả lời: “Về mặt chính sách đối ngoại, tôi nghĩ ảnh hưởng lớn nhất của Joe là trong các cuộc tranh luận về Afghanistan”.
Chỉ một tuần trước khi nhậm chức vào tháng 1/2008, Tổng thống đắc cử Obama đã cử ông Biden đến Afghanistan để đánh giá tình hình cuộc chiến mà chính quyền mới sẽ kế thừa. Ông Biden ngay lập tức trở thành “người bi quan” về Afghanistan và tìm cách giảm thiểu sự can dự của Mỹ tại quốc gia này.
Sau khi nhận được yêu cầu bổ sung quân của Chỉ huy lực lượng Mỹ ở Afghanistan Stanley McChrystal vào tháng 8/2009, ông Obama đã dành 2 tháng tiếp theo để chủ trì 10 cuộc họp chính thức, trong đó các thành viên chủ chốt của chính quyền, bao gồm cả Phó Tổng thống Biden, đã thảo luận về việc xem xét lại chiến lược ở Afghanistan.
Trong những cuộc họp này, ông Biden đưa ra cách tiếp cận chống khủng bố ở Afghanistan theo đó tập trung vào việc tiêu diệt có chủ đích các thủ lĩnh Taliban và Al-Qaeda. Cách tiếp cận này trái ngược với phương án chống nổi dậy mà Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và Ngoại trưởng Hillary Clinton ủng hộ, trong đó nhấn mạnh xây dựng quốc gia là tiền đề để giảm bạo lực.
Phó Tổng thống Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Gates đã xung đột nhiều lần về Afghanistan, đặc biệt là về nhu cầu tăng cường binh sỹ. Nhưng đây là một cuộc tranh luận mà ông Biden đã thua. Tổng thống Obama sau đó đặt ra lộ trình cho việc tăng cường thêm 30.000 quân ở Afghanistan vào năm 2009. Dù vậy, điều này không ngăn được ông Biden tiếp tục đặt câu hỏi về những tiến bộ có thể đạt được.
Tất cả những điều này cho thấy, ông Biden lâu nay luôn nhất quán quan điểm: Mỹ đang “ném tiền qua cửa sổ” ở Afghanistan.
Quyết định rút toàn bộ binh sỹ Mỹ ở Afghanisatan này có thể gây “sốc” cho các đồng minh của Mỹ cũng như chính người dân Afghanistan, nhưng lại không có gì ngạc nhiên nếu chúng ta nhìn vào sự hoài nghi lâu nay của ông Biden đối với những gì Mỹ có thể đạt được hay không thể đạt được ở Afghanistan.
Thiết lập lại chính sách đối ngoại của Mỹ
Với quyết tâm rút khỏi Afghanistan, chấm dứt cuộc chiến không hồi kết của ở nước ngoài, Tổng thống Biden cũng nhấn nút “thiết lập lại” chính sách đối ngoại của Mỹ.
Ông muốn chứng tỏ rằng kỷ nguyên “cuộc chiến chống khủng bố” mà Tổng thống George W. Bush thiết lập sau vụ tấn công 11/9/2001, đã kết thúc. Nhiệm vụ của ông là điều chỉnh lại các ưu tiên chính sách đối ngoại của Mỹ trong thế kỷ tới và thoát khỏi phản ứng của Mỹ về một cuộc tấn công khủng bố từ 20 năm trước.
Những kẻ khủng bố vẫn sẽ đe dọa lợi ích quốc gia của Mỹ, bao gồm cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan, IS-K. Dù vậy, chống khủng bố hiện giờ đã không còn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ, mà thay vào đó là các mối quan hệ quốc tế rộng lớn hơn. Đối phó với sự nổi lên của Trung Quốc cả về quân sự và chính trị hiện là mối quan tâm duy nhất của ông Biden.
Chuyến thăm châu Á của Phó Tổng thống Kamala Harris diễn ra giữa cuộc khủng hoảng ở Kabul đã cho thấy rõ hướng đi chính sách đối ngoại của Mỹ trong vài năm tới.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, người có quan điểm đối lập với ông Biden về Afghanistan khi cả 2 cùng phục vụ trong chính quyền Obama, đã chỉ trích vị tổng thống thứ 46 của Mỹ trong hồi ký của mình rằng, ông Biden “sai lầm trong hầu hết các chính sách đối ngoại lớn và các vấn đề an ninh quốc gia trong bốn thập kỷ qua”.
Chưa thể kết luận ông Biden có đúng vì đã chấm dứt “cuộc chiến mãi mãi” của Mỹ ở Afghanistan hay không - nhưng ít nhất ông sẽ không bị chỉ trích vì đã mâu thuẫn với chính mình trong vấn đề này./.