Phạt hành chính và hạn chế đi lại minh họa cho một cuộc khủng hoảng không nhỏ trong nền kinh tế Nga do sự sụt giảm lao động nhập cư bất chấp nhu cầu cao về lao động.
Vào ngày 8/10/2021, Bộ Nội vụ Nga công bố rằng 150.000 công dân Tajikistan và 150.000 công dân Uzbekistan trước đó bị cấm nhập cảnh thì nay đã được dỡ bỏ lệnh này.
Trở ngại đối với lao động nhập cư vào Nga
Các lệnh cấm nhập cảnh, nhiều khi được áp dụng chỉ vì các lỗi vi phạm nhỏ, đã ảnh hưởng mạnh đến nhóm đối tượng lao động nhập cư đến từ vùng Trung Á. Vào ngày 1/10/2021, Cơ quan phụ trách về lao động ở nước ngoài của Uzbekistan thông báo tuyển 10.000 người đi làm tại các công trường xây dựng ở Nga.
Trong thập kỷ qua, Nga ngày càng cứng rắn trong việc tạo ra các luật trừng phạt và các quy định nhằm vào lao động nhập cư. Năm 2013, Nga đã ban hành một lệnh cấm 3 năm đối với các công dân nước ngoài sau khi phạm phải 2 hoặc 3 lỗi hành chính trong thời gian 3 năm. Người ta rất dễ bị cấm như vậy do hàng loạt cơ quan chính phủ Nga có quyền đề xuất như vậy, đồng thời số lượng các lỗi nhỏ được tính như vi phạm hành chính là rất lớn, bao gồm đi bộ qua phố bất chấp đèn đỏ, phiếu phạt đỗ xe không đúng chỗ, không mang giấy tờ tùy thân, v.v... Tình trạng tham nhũng trong lực lượng cảnh sát và nền tư pháp nhiều định kiến của Nga càng khiến nguy cơ phạm các lỗi này chỉ là vấn đề thời gian đối với nhiều người.
Các lệnh hạn chế đi lại (nhập cảnh vào Nga và xuất cảnh khỏi các nước Trung Á) do đại dịch Covid-19 đã tạo thêm một lớp thách thức nữa cho các đối tượng nhập cư từ Trung Á, với Nga là thị trường tuyển dụng truyền thống của họ.
Nhu cầu cao của Nga đối với lao động nước ngoài
Trong khi đó, nền kinh tế Nga phụ thuộc cao độ vào lao động rẻ mạt của Trung Á. Chính phủ Nga đang tìm cách sáng tạo trong việc nới lỏng các hạn chế.
Ngành xây dựng Nga trong nhiều năm qua chủ yếu sử dụng nhân lực là người nhập cư từ Trung Á. Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin vào tháng 7/2021 nói rằng các công trường xây dựng ở Nga thiếu 1,5-2 triệu lao động và gọi tình trạng này là “một sự thiếu hụt lao động mang tính thảm họa”. Theo một phân tích của Avito Rabota vào tháng 8/2021, trong 2 năm qua, số lượng nhân lực thiếu hụt trong ngành xây dựng tăng 104%, ngành vận tải và hậu cần tăng 136%, và ngành sản xuất là 127%.
Rõ ràng 300.000 lao động được dỡ bỏ cấm nhập cảnh nói trên sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu hiện tại của thị trường lao động Nga. Do vậy, Nga đang theo đuổi các biện pháp khác để tuyển thêm nhân lực.
Giải pháp của Nga
Nga và Uzbekistan đang thí điểm một chương trình tuyển và gửi 10.000 công nhân xây dựng, phát cho họ giấy phép lao động trước khi họ rời khỏi Uzbekistan. Việc xin giấy phép lao động là một quá trình 7 bước phải được hoàn thành trong vòng 30 ngày kể từ khi nhập cảnh vào Nga.
Theo quy trình pháp lý mới, Hiệp hội Thợ xây dựng Quốc gia Nga sẽ hợp tác với Bộ Lao động Uzbekistan để kiểm tra các ứng viên lao động nhập cư ở Uzbekistan về kiến thức lý thuyết nghề để khẳng định năng lực của họ. Bên cạnh đó, vào ngày 8/10, một nhóm y bác sĩ Nga đã tới Uzbekistan để khám sức khỏe của các ứng viên lao động nhập cư sẽ đi Nga, để xác nhận họ không nghiện ma túy và không mắc bệnh truyền nhiễm. Trong khi kiểm tra y tế là một phần trong quy trình 7 bước để có được giấy phép lao động cho những người nhập cư từ các nước không thuộc Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) – khối này hiện không bao gồm Uzbekistan và Tajikistan, thì việc kiểm tra trình độ nghề là một yêu cầu hoàn toàn mới.
Quá trình xin giấy phép lao động ở nước xuất khẩu lao động đang được thí điểm với 10.000 công nhân Uzbekistan và có thể trở thành một phần trong quá trình thường xuyên cho đến khi nước này gia nhập EAEU.
Thứ trưởng Bộ Lao động Uzbekistan, Erkin Mukhitdinov, nói về việc cần có cái nhìn dài hạn. Ông lưu ý rằng phải mất 4 năm cho xây dựng chương trình trên.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh cho 300.000 công dân của Uzbekistan và Tajikistan cho thấy các công ty xây dựng ở Nga đã phụ thuộc gần như hoàn toàn vào lao động nhập cư. Tại Nga, nhóm lao động nhập cư từ Trung Á chưa được thay thế bởi lao động nội địa của Nga lẫn lao động từ các nước khác./.