14 năm trước, doanh nhân Li Demin của Trung Quốc được yêu cầu giải cứu cho một nông trại lợn đang gặp khó khăn ở thành phố thương mại Ussuriysk của Nga, gần bờ biển Thái Bình Dương của vùng Viễn Đông.
Ông Li, Chủ tịch Tập đoàn Dongning Huaxin - một công ty thương mại tư nhân có trụ sở ở tỉnh Hắc Long Giang thuộc vùng biên giới Trung Quốc - đồng ý giúp đỡ, nhưng với 1 điều kiện.
Một công nhân làm việc cho trang trại lợn của Trung Quốc ở Viễn Đông Nga (ảnh: Reuters) |
“Lúc ấy, tôi đang bận kinh doanh và thực tình không quan tâm vì tôi chả biết tí gì về nuôi lợn cả. Vì vậy tôi nói là tôi sẽ chỉ mua nếu phía họ cho thêm 500 hecta mà không tính thêm phí,” ông Li nói.
Bấu víu vào doanh nghiệp Trung Quốc
Cuối cùng chính quyền địa phương đề nghị cho Li thuê thêm đất nhiều hơn cả những gì ông Li đòi hỏi. Bây giờ nông trang của Li trải dài tận 40.000 hecta và còn sẽ mở rộng nữa. Nằm gần Ussuriysk, nông trang này là lớn nhất ở vùng Viễn Đông và là một trong các dự án nông nghiệp có đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Nga. Trang trại này nuôi 30.000 con lợn mỗi năm và trồng ngô và đậu tương – sản phẩm làm ra được bán ngay tại thị trường Nga hoặc xuất ngược về Trung Quốc.
Điều này nghe chừng rất tự nhiên. Vùng Viễn Đông của Nga, có diện tích bằng 2/3 diện tích toàn nước Mỹ, có dân số chỉ vẻn vẹn 6,3 triệu người cùng những vùng đất màu mỡ bạt ngàn chưa được canh tác.
Trung Quốc thì nằm sát vách, dân số lên tới 1,4 tỷ người của nước này đang rất cần các vụ mùa và nông sản. Các công ty của Trung Quốc đã vươn ra rất xa, tới tận Australia, Nam Mỹ, và đảo quốc Vanuatu ở Thái Bình Dương để thuê đất nông nghiệp.
Không giống như các nơi khác trên thế giới, dân địa phương Viễn Đông bị tách xa với vùng kinh tế phía Tây của nước Nga, nên đa phần đều đón chào sự đầu tư của Trung Quốc – vốn trở thành sợi dây thoát hiểm sau khi Liên Xô sụp đổ. Các công ty Trung Quốc đã thuê hoặc kiểm soát ít nhất 600.000 hecta đất ở Viễn Đông Nga, tương đương với diện tích của một bang nhỏ của Mỹ như là Delaware.
Những sự đầu tư như thế này sẽ còn tăng mạnh nếu giới lãnh đạo Nga tiếp tục hợp tác.
>> Đọc thêm: Thế trận khôn khéo của Trung Quốc tại châu Phi
“Khi Liên Xô sụp đổ, dân địa phương thực sự không biết phải làm gì, nên họ bắt đầu khuyến khích chúng tôi thuê đất với giá cực rẻ,” Li nói. “Họ chấp nhận bỏ tiền để chúng tôi phát quang rừng – họ dành cho chúng tôi nhiều ưu đãi”.
Pavel Maslovsky, đại diện trong thượng viện Nga của vùng Amur gần biên giới với Trung Quốc, cho biết khu vực này cần vốn đầu tư và các nỗi lo sợ về dòng người Trung Quốc đổ vào đây là không cần thiết.
“Lo sợ các nhà đầu tư đi nhầm chỗ và hành động theo kiểu chúng ta không thích – điều này cũng giống như bán da gấu trước khi bắt được gấu vậy”, ông Maslovsky giải thích.
Một nhân công làm việc cho công ty Trung Quốc đầu tư vào vùng Viễn Đông của Nga (ảnh: Reuters) |
Tuy nhiên ở Moscow vẫn có một cảm giác bất an đáng kể trước thực tế khu vực Viễn Đông ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Mối quan hệ giữa 2 nước đã cải thiện kể từ sau cuộc chiến biên giới năm 1969 nhưng một số căng thẳng vẫn còn đó.
“Không nhất thiết cứ phải sợ người Nga sẽ bị biển người Trung Quốc lấn át,” Bobo Lo, một chuyên gia về quan hệ Trung-Nga phát biểu. “Tình hình giờ đã khác chút. Trung Quốc là 1 cường quốc kinh tế đang nổi, mà vùng đó của nước Nga thì lại đang khó khăn. Trung Quốc tất yếu sẽ đảm nhiệm [khu vực đó]”.
Nỗi sợ Trung Quốc
Kể từ thập niên 1990, nỗi sợ của người Nga về sự xâm lấn của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông thưa dân đã giảm đi. Tuy nhiên, trong lúc nước Nga quyết tâm phát triển khu vực lạc hậu này, thì họ vẫn ngần ngại phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Thật không may cho Nga, người Trung Quốc vẫn là những đối tác duy nhất sẵn sàng đầu tư vào đây.
“Trong quan hệ song phương, từ phía Nga luôn có sẵn 1 suy nghĩ rằng họ đang bị áp đảo – điều này khiến họ lo lắng,” Lo nói.
Viễn Đông tiếp nhận 9,9 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào năm 2011, theo Cục Thống kê Liên bang Nga. Con số này chiếm có 5% tổng vốn đầu tư mà nước Nga nhận được. Hơn 3/4 trong số này được chi cho việc phát triển dầu khí ở Sakhalin – 1 hòn đảo giàu tài nguyên ở ngoài khơi Viễn Đông, phía bắc Nhật Bản.
Ussuriysk, nằm cách Vladivostok 100km phía bắc và biên giới Trung Quốc 60km về phía đông, từng do các triều đại Trung Quốc quản lý và xây dựng trong thế kỷ qua bằng tiền từ việc đốn gỗ và sản xuất lương thực.
Là một trong các khu vực đầu tiên ở nước Nga mở cửa cho doanh nghiệp Trung Quốc vào những năm 1980, thành phố này cũng được hưởng lợi từ việc thiết lập một khu vực tự do thương mại vào năm 2006 mà cho đến nay đã thu hút đầu tư của 26 công ty Trung Quốc.
>> Đọc thêm: Vì sao phương Tây sợ Trung Quốc ở châu Phi?
Thành phố có số dân “chính cư” vào khoảng 150.000 và dân tạm trú là khoảng vài ngàn doanh nhân và công nhân Trung Quốc chuyên bán đồ may mặc và hàng điện tử. Không có “Chinatown” và dấu hiệu cho thấy người Trung Quốc muốn định cư lâu dài.
“Một số người cứ nói là Trung Quốc đang ngập tràn hay “da vàng hóa” vùng Viễn Đông của Nga nhưng điều này không thực sự đang xảy ra – người Trung Quốc chỉ muốn làm ăn rồi về nhà”, một doanh nhân Trung Quốc kinh doanh ở Ussuriysk trong hơn 1 thập kỷ qua nói.
Nhưng dù sao, sự mất cân bằng dân số vẫn gây quan ngại. Dân số Viễn Đông nhỏ hơn dân số của 1 thành phố cỡ trung bình của Trung Quốc và chỉ là một phần rất nhỏ so với 90 triệu dân Trung Quốc sống ở 3 tỉnh vùng biên của Trung Quốc là Cát Lâm, Hắc Long Giang, và Nội Mông.
Máy thu hoạch trên nông trường của công ty Dongning Huaxin, ở vùng Viễn Đông Nga (ảnh: Reuters) |
Ông Li cho biết công ty Dongning Huaxin của mình đang làm hết sức mình để làm dịu các mối quan ngại của người Nga và bảo đảm rằng lao động địa phương được tuyển dụng vào làm tại các nông trang. Ông này cho biết nông dân Nga hiện chiếm khoảng 60% trong tổng số 600 lao động của công ty.
Nguy cơ kinh tế đình trệ
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, dân số địa phương đang giảm dần và những người dân Nga còn lại hầu hết không sẵn lòng làm trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Li cho biết.
“Những gì tôi thấy là, nếu lao động Trung Quốc rời bỏ Viễn Đông Nga, khu vực này sẽ không thể nhích lên được”, Li nói. “Lấy ví dụ nông trường lợn của chúng tôi: người Nga họ không ưa lợn và chúng tôi không thể kiếm nổi người Nga chấp nhận làm việc ở đây, chúng tôi chỉ thuê được người Trung Quốc thôi”.
Vị doanh nhân này cho biết cả dân địa phương và các quan chức chính quyền đều ý thức được sự cần thiết phải hợp tác, nhưng Moscow tiếp tục đặt ra các hạn chế về visa gây khó khăn cho việc giải quyết sự thiếu hụt đáng kể về lao động trong vùng.
“Chúng tôi nghĩ rằng không nên áp dụng các quy định này đối với vùng Viễn Đông – chúng tôi thực sự khó thu xếp visa cho các nhân viên đủ năng lực, cho các lái xe và thương lái am tường công việc của chúng tôi. Trong khi đó, lại không thể tìm được công nhân địa phương thạo nghề. Nga muốn phát triển Viễn Đông nhưng họ không thể đạt được điều này nếu không có công nhân Trung Quốc”.
>> Đọc thêm: Nga, Trung Quốc hưởng lợi từ mối quan hệ ‘chưa từng thấy’
“Tôi cho rằng người Nga cần hiểu là, nếu họ không cho phép Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc đầu tư vào đây thì cuối cùng họ cũng sẽ mất nơi này,” Li nói.
Bất chấp các vấn đề trên, nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc vẫn tìm đường tiến vào vùng Viễn Đông của Nga. Bản thân Moscow muốn đa dạng hóa các nhà đầu tư, nhưng các hãng của Nhật Bản hay Hàn Quốc lại thường tỏ ra lưỡng lự về việc đầu tư vào đây./.