Một tấm khiên có thể ngăn chặn kẻ thù và thể hiện sự quyết tâm. Đó cũng là thứ để ẩn nấp đằng sau và tránh một cuộc chiến. Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, tấm khiên NATO đã được các chính trị gia Mỹ và châu Âu sử dụng cho cả 2 mục đích với các mức độ khác nhau.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu tấm khiên bị rạn nứt hoặc vỡ vụn? Các nước phương Tây có thể sắp tìm ra câu trả lời. Hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Madrid (Tây Ban Nha) dự kiến tổ chức vào cuối tháng 6 được coi là cuộc họp mang tính “thay đổi” nhiều nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Họ có thể sẽ tự chúc mừng chính mình về cách liên minh 30 quốc gia đã đoàn kết để bảo vệ “thế giới tự do” chống lại Nga. Tuy nhiên, câu hỏi lớn vẫn còn bỏ ngỏ.
Đằng sau tấm khiên là sự yếu kém và chia rẽ
Phát biểu tại Ba Lan vào tháng 3/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden, người được xem là lãnh đạo trên thực tế của NATO, đã đưa ra quan điểm mạnh mẽ. Ông tuyên bố sẽ bảo vệ “từng tấc lãnh thổ NATO bằng toàn bộ sức mạnh tập thể” đồng thời tránh để liên minh rơi vào một cuộc chiến. Tuy nhiên, kết quả về dài hạn vẫn rất mơ hồ.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã nhắc lại tuyên bố này vào tuần trước ở Iceland. Ông Wallace cảnh báo, Nga có thể nhắm mục tiêu tới Litva, Latvia và Estonia như đã làm với Ukraine. Nhưng cũng giống như Mỹ, Anh không có kế hoạch rõ ràng nào để đảm bảo rằng một Ukraine độc lập có thể tồn tại.
Trong khi một số thành viên đứng ra gánh vác, vẫn có một số thành viên châu Âu quan trọng trong NATO thu mình lại phía sau liên minh. Họ tận dụng liên minh để tránh đưa ra các cam kết tốn kém với Kiev và có thể khiến Moscow tức giận.
Kỳ vọng về quyền tự chủ chiến lược của EU nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dường như nói nhiều hơn làm. Thủ tướng Đức Olaf Scholz của Đức được xem là ví dụ điển hình của sự lung lay và chậm trễ. Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, người thường phản đối các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga, bị cho là nghiêng về phía Moscow.
Trong khi đó, việc thành viên “gây rối” Thổ Nhĩ Kỳ phản đối nỗ lực gia nhập liên minh quân sự của Phần Lan và Thụy Điển cũng làm suy yếu một mặt trận thống nhất của NATO.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg sẽ tìm cách hàn gắn những rạn nứt này. Ba Lan và các quốc gia “tiền tuyến” khác muốn có một cách tiếp cận cứng rắn hơn, bao gồm việc bố trí thêm quân thường trực, vũ khí hạng nặng và máy bay ở biên giới với Nga. Đáp lại, các quan chức NATO hứa hẹn sẽ có những quyết định “mạnh mẽ và mang tính lịch sử”.
Ukraine đang phải gánh chịu hậu quả
Đối với Ukraine, nước này gần như đã từ bỏ việc gia nhập NATO, điều từng được hứa hẹn tại hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008 của NATO. Kiev cũng không còn kêu gọi NATO can thiệp quân sự trực tiếp như trước đây.
“Tất nhiên, chúng tôi vẫn sẽ nghe những lời ủng hộ… chúng tôi rất biết ơn vì điều đó”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói. Từng cáo buộc NATO “không làm gì cả”, ông Kuleba không mong đợi kết quả cụ thể ở Hội nghị thượng đỉnh Madrid về việc Kiev có thể gia nhập liên minh, thậm chí về vấn đề “an ninh Biển Đen”.
Nhận xét của ông Kuleba đề cập đến thất bại của Mỹ và châu Âu trong việc phá thế phong tỏa đối với các cảng của Ukraine ở Biển Đen, mở đường để Kiev xuất khẩu lương thực ra thế giới.
Theo ông Simon Tisdall, bình luận viên vấn đề quốc tế của Guardian, đó là một trong nhiều vấn đề NATO có thể và cần phải gây áp lực lớn hơn đối với Nga, để buộc Moscow chấm dứt chiến dịch quân sự hiện nay.
Vậy tại sao NATO không làm nhiều hơn nữa? Tất cả các lý do và lời biện hộ cho sự thụ động và không hành động đã tạo ra một bức tranh về một liên minh kém đoàn kết, kém mạnh mẽ và có tổ chức yếu kém hơn đáng kể so với kỳ vọng.
Ban đầu, sự ủng hộ đối với Ukraine đã tạo động lực cho NATO. Uy tín của liên minh đã tăng từ mức thấp sau cuộc khủng hoảng rút quân ở Afghanistan năm 2021.
Nhưng nếu xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn, nếu bế tắc ngoại giao ngày càng sâu sắc, và nếu nguy cơ xung đột ngày càng lan rộng tăng lên, thì những điểm yếu và lỗ hổng chưa được khắc phục từ lâu của NATO sẽ trở nên rõ ràng hơn và nguy hiểm hơn cho những người đang nấp sau lá chắn.
Đã đến lúc NATO thừa nhận sai lầm trong quá khứ
Ông Tisdall nhận định, sẽ không thực tế nếu mong đợi sự nhất trí chính trị liền mạch trong một tổ chức lớn như NATO. Nhưng thực tế mỗi thành viên đều có tiếng nói bình đẳng đang cản trở việc đưa ra quyết định nhanh chóng và táo bạo. Ví dụ, một hành động khiêu khích hạt nhân hoặc hóa học của Nga có thể gây ra sự xung đột trong NATO và Nga chắc chắn biết rõ điều đó.
NATO có sự phụ thuộc quá lớn vào Mỹ, một siêu cường quân sự mà nếu không có cái gật đầu của Washington thì sẽ chẳng có gì xảy ra. Đằng sau sức mạnh của Washington là những thành viên muốn ẩn sau lá chắn và không muốn gánh vác trách nhiệm của mình.
Mặt khác, NATO cũng ngày càng bị kéo căng quá mức, bị kẹt giữa mối đe dọa của Nga ở khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương và những thách thức từ Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
NATO dự kiến sẽ công bố “khái niệm chiến lược” kéo dài 10 năm về cách đối phó với tất cả các mối đe dọa kể trên, cộng với chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu gây mất ổn định, chiến tranh mạng... Tuy nhiên, đó là mục tiêu quá tầm với.
Chiến lược an ninh quốc gia mới tập trung vào châu Á của chính quyền Tổng thống Biden cũng không còn phù hợp và đã phải nhanh chóng điều chỉnh lại sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.
Ông Tisdall cho rằng, chính các nước phương Tây đã vô tình mở đường cho cuộc xung đột hiện nay bằng việc để Ukraine trong tình trạng lấp lửng về tư cách thành viên trong khi không trừng phạt Nga đủ mạnh vì vấn đề Chechnya và Syria hay việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Nếu muốn giải quyết một cách hiệu quả các thách thức chiến lược trên nhiều mặt trận, NATO cần phải nhìn lại, thừa nhận những sai lầm trong quá khứ và nhận phần nào trách nhiệm về cuộc khủng hoảng hiện tại./.