Châu Âu đứng trước khủng hoảng tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ
Một quan chức ngoại giao cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden đã đánh giá về sức ép quân sự của Nga với Ukraine và cho rằng những cuộc trao đổi tuần vừa qua đặt Tổng thống Putin trước hai lựa chọn: Đó là con đường ngoại giao hoặc đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề.
Tuy nhiên, sau các cuộc trao đổi ở 3 thành phố châu Âu với sự tham gia của các quan chức đến từ hàng loạt quốc gia, các quan chức Nhà Trắng và các nhà ngoại giao nhận định họ vẫn chưa biết con đường mà Moscow sẽ lựa chọn là gì.
"Chúng tôi đã chuẩn bị tiếp tục con đường ngoại giao nhằm củng cố an ninh và sự ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị tương tự nếu Nga chọn một con đường khác", cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay hôm 13/1.
Những cuộc trao đổi liên tục giữa Nga và phương Tây, với kết quả đạt được không có gì ngoài những tuyên bố và đe dọa cho thấy, hai bên dường như vẫn chưa tiến gần một giải pháp nhằm giải quyết căng thẳng, hiện có thể leo thang thành một trong những cuộc khủng hoảng an ninh tồi tệ nhất châu Âu trong hàng thập kỷ.
Ngày 14/1, căng thẳng thậm chí còn leo thang tồi tệ hơn khi Ukraine cho biết nước này là mục tiêu của một cuộc tấn công mạng trên quy mô lớn, đồng thời cáo buộc Nga đứng đằng sau. Ngoài ra, Nhà Trắng dẫn thông tin tình báo cho biết, Nga đang chuẩn bị thực hiện chiến dịch "cờ giả" để tạo cớ tấn công Ukraine.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cảnh báo, Moscow đang "mất dần kiên nhẫn". Hồi tháng 12/2021, Nga đã yêu cầu Mỹ đáp ứng những đề nghị liên quan đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
"Chúng tôi sẽ không chờ đợi mãi. Sự kiên nhẫn của chúng tôi đã cạn dần... Mọi người đều hiểu tình hình đang không được cải thiện. Nguy cơ xung đột đang gia tăng", Ngoại trưởng Nga nhận định.
“Bóng” đang nằm trên “sân” Nga?
Hiện vẫn chưa có thêm các cuộc trao đổi nào được lên kế hoạch trong khi Mỹ cho rằng “bóng" đang nằm trên "sân" của Nga.
"Thật khó để khẳng định liệu các cuộc trao đổi này có ảnh hưởng đến suy nghĩ của Tổng thống Putin hay không bởi không thể dự đoán được ông ấy đang suy tính điều gì", Evelyn Farkas, cựu quan chức quốc phòng trong chính quyền cựu Tổng thống Obama nhận định.
"Nếu ông ấy đang có ý định tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, ông ấy có lẽ sẽ làm thế", cựu quan chức Mỹ này bình luận.
Trước thềm các cuộc trao đổi, các quan chức Mỹ đã hy vọng rằng "những củ cà rốt" - đó là đề nghị tiến hành các cuộc đàm phán về việc triển khai tên lửa cũng như tập trận, cùng "những cây gậy" - đó là các lệnh trừng phạt tài chính cũng như hạn chế xuất khẩu, sẽ khiến Nga tham gia vào tiến trình đối thoại thay vì tấn công Ukraine.
Trong các cuộc trao đổi trực tiếp với Mỹ hôm 10/1, với Hội đồng NATO ngày 12/1 và tại Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu ngày 13/1, Moscow đã tái khẳng định những đề nghị then chốt bị Mỹ và NATO từ chối.
Nga muốn NATO cam kết sẽ không kếp nạp Ukraine vào liên minhtrong tương lai, hạn chế quan hệ với Ukraine và các nước từng thuộc Liên Xô cũng như hạn chế triển khai các lực lượng quân sự trên lãnh thổ của các nước thành viên Đông Âu trong liên minh.
Các quan chức Mỹ và phương Tây đã từ chối đáp ứng các yêu cầu trên và gọi đó là "những đề nghị bất khả thi" theo như nhận định của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price.
Washington đã gọi các cuộc trao đổi tuần trước là một giải pháp để hóa giải khác biệt và mở đường cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Tuy nhiên, phía Mỹ ngày càng thiếu sự tin tưởng vào Nga trong khi việc Moscow tăng cường lực lượng gần biên giới Ukraine đã khiến NATO và Mỹ khó mà "phớt lờ" những tính toán của Nga về tương lai của an ninh châu Âu.
"Sự leo thang này rõ ràng đang gia tăng căng thẳng và không giúp ích gì cho việc tạo nên một môi trường tốt nhất cho những cuộc đàm phán thực sự", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nhận định sau cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 10/1.
Ngoại trưởng Nga Lavrov ngày 14/1 đã đổ lỗi cho Washington vì quá trình đàm phán thiếu tiến triển khi cho rằng các quan chức Mỹ lẽ ra nên sẵn sàng trao đổi về những yêu cầu then chốt của Nga.
"Mỹ đã không nghiên cứu các đề xuất của chúng tôi để đạt được một vị trí đặc biệt. Họ đã tự hạn chế chính mình trong việc đặt câu hỏi và đưa ra lập luận. Hiện tại chúng ta đã đi qua giai đoạn đó".
Nguy cơ xung đột Nga - Ukraine
Các quan chức Mỹ cho biết nguy cơ xung đột Nga - Ukraine là một mối đe dọa hiện hữu. Nga đã triển khai hơn 100.000 binh lính dọc biên giới với Ukraine và di chuyển xe tăng, các phương tiện chiến đấu trên bộ, bệ phóng tên lửa cùng các thiết bị quân sự khác từ các căn cứ ở khu vực Viễn Đông về phía tây của nước này, các quan chức Mỹ cho hay.
Phía Mỹ cũng chỉ ra, việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 cũng như ủng hộ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine là những dấu hiệu của một cuộc xung đột tiềm ẩn.
"Đó là những dấu hiệu cho thấy quá trình chuẩn bị đang diễn ra", Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki bình luận, đồng thời cho rằng xung đột có thể nổ ra vào giữa tháng 2.
Jeffrey Edmonds, cựu cố vấn Nhà Trắng về vấn đề Nga đánh giá, việc Nga kiên quyết với những yêu cầu an ninh mà điện Kremlin hiểu rõ là không thể thực hiện, đặt ra câu hỏi về việc liệu các cuộc đàm phán có phải là cái cớ cho các hành động gây hấn tiến xa hơn hay không.
"Thái độ của Nga trong suốt quá trình đàm phán cho thấy họ không có bất kỳ mong muốn thực sự nào nhằm giải quyết tình hình", nhà quan sát này cho hay.
Những khó khăn trong các cuộc trao đổi tuần này cũng như hướng tiếp cận cứng rắn của Nga có thể là một phần của chiến lược "nắm đấm sắt" của Moscow.
"Nga đang thành công, ít nhất là trong việc làm lung lay sự tự tin của chúng ta. Đó là những gì họ thực hiện trong suốt quá trình đàm phán. Ngoại giao có lẽ sẽ không hiệu quả để giải quyết tình hình", Sandy Versgbow, cựu đại sứ Mỹ tại Nga đánh giá
"Nếu NATO muốn chỉ đạo chúng tôi nên di chuyển lực lượng của mình ở đâu và như thế nào trên lãnh thổ nước Nga thì điều đó gần như là bất khả thi", người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định với báo giới.
Nếu các cuộc đàm phán sụp đổ, Ukraine lo ngại nước này sẽ đứng trước một cuộc xung đột quân sự toàn diện. Tuy nhiên, một số nhà phân tích phương Tây cho rằng Nga có lẽ sẽ sử dụng các lực lượng quân đội và an ninh để can thiệp vào Ukraine nhưng sẽ không đi tới một cuộc tấn công quân sự toàn diện nhằm tránh các biện pháp trừng phạt nặng nề nhất, cũng như sức ép từ cộng đồng quốc tế./.