Bất ổn và bạo loạn ở Kazakhstan đã làm dấy lên câu hỏi về cạnh tranh ảnh hưởng giữa Nga và Trung Quốc ở Trung Á. Cách tiếp cận quyền lực cứng của Nga được xem như ví dụ về thế trên cơ của Moscow trước Bắc Kinh.
Dù vậy cách phân tích này lại không hữu ích trong việc thực sự hiểu tình hình hay bản chất mối quan hệ Nga-Trung hiện nay. Bắc Kinh và Moscow không có lý do gì để xung đột với nhau về Kazakhstan. Mặt khác, cả 2 nước sẽ xử lý tình huống theo hướng có lợi cho mình và loại bỏ ảnh hưởng của phương Tây khỏi “vùng đất trái tim” Á-Âu.
Cùng cạnh tranh ảnh hưởng…
Nga và Trung Quốc có nhiều lợi ích chung ở Kazakhstan. Cả 2 đều muốn một đất nước ổn định nằm trong phạm vi ảnh hưởng kinh tế và quân sự của mình, đặc biệt là không có mối quan hệ mật thiết với phương Tây.
Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn ở khía cạnh kinh tế, nhưng chỉ đúng một phần, vì Kazakhstan giàu nguyên liệu thô cần thiết cho nền kinh tế Trung Quốc. Ngược lại, các công ty Nga coi Kazakhstan là nơi họ có thể làm ăn kinh doanh và dễ dàng tiếp cận nhờ Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Về khía cạnh an ninh chiến lược, Nga từ lâu đã có các căn cứ ở Kazakhstan. Việc điều động lực lượng Nga tới Kazakhstan theo khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) là điều mới mẻ, cả về khái niệm Nga triển khai lực lượng tới quốc gia Trung Á cũng như CSTO triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới đây. Dù vậy, hiện chưa rõ vì sao có quan điểm cho rằng đây là thách thức đối với Trung Quốc.
Bắc Kinh không bày tỏ quan tâm tới việc triển khai lực lượng tới Kazakhstan. Trung Quốc và Kazakhstan đều có các cuộc diễn tập huấn luyện chung, nhưng chỉ hạn chế ở khuôn khổ song phương (chủ yếu là chống khủng bố) hoặc trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) mà Nga cũng là một thành viên.
Trung Quốc đã gây sức ép với chính phủ Kazakhstan phải có hành động đối với mạng lưới chống đối người Duy Ngô Nhĩ và trước đây từng tìm cách xin giấy phép cho các công ty an ninh tư nhân hoạt động tại Kazakhstan. Chính phủ Kazakhstan sẵn sàng đồng ý với đề nghị thứ nhất nhưng lại không sẵn lòng cho phép các công ty an ninh tư nhân của Trung Quốc hoạt động tại nước này.
Trung Quốc không có hoạt động nào cạnh tranh với Nga, bởi Trung Quốc vẫn luôn kiên định tập trung vào những lợi ích cụ thể ở Kazakhstan.
… nhưng không xung đột lợi ích
Những lĩnh vực có thể có sự chồng chéo hay cạnh tranh với Nga là mua bán các thiết bị quân sự. Trung Quốc bán vũ khí hiện đại cho Kazakhstan như máy bay không người lái, một số hệ thống tên lửa và phòng không, cũng như các công cụ giám sát và liên lạc công nghệ. Có thể những thương vụ này đang tước đi hợp đồng của các công ty Nga, nhưng hoạt động mua bán của Kazakhstan được thực hiện trên cơ sở chất lượng và giá cả, chứ không phải Trung Quốc đang cố gắng loại Nga khỏi thị trường Kazakhstan.
Mặt khác Trung Quốc là nước “mừng” nhất khi có một nước khác xử lý bài toán an ninh Trung Á. Khi chính phủ cộng hòa ở Afghanistan nhanh chóng sụp đổ, không phải binh sỹ hay vũ khí Trung Quốc ồ ạt đổ vào nước này, mà là Nga.
Về mặt kinh tế, các công ty Nga hoạt động rất tích cực ở Trung Á, nhưng không thể cạnh tranh với các đối tác Trung Quốc vốn có tham vọng ở quy mô hoàn toàn khác.
Tương tự, thị trường tiêu dùng gần như không đáy ở Trung Quốc là điều mà các nhà sản xuất Trung Á ngày càng muốn tiếp cận. Các nền kinh tế của khu vực này đang bị kéo về phía Trung Quốc không phải vì địa chính trị, mà vì sức nặng kinh tế.
Nga nằm trong “Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa” thuộc khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường, cắt qua Trung Á. Do đó, Moscow sẽ không muốn làm phức tạp tình hình, mà muốn tập trung vào đảm bảo lợi ích của mình.
Vấn đề ở chỗ, đây không phải là một mối quan hệ cạnh tranh. Bắc Kinh và Moscow đều hoạt động tích cực ở Trung Á, nhưng là những tác nhân khác nhau trên thực địa. Trên thực tế, Nga là nước cung cấp đảm bảo an ninh, trong khi Trung Quốc là cơ hội kinh tế mà tất cả các nước (kể cả Nga) đều muốn khai thác.
Nếu nhìn nhận điều này qua lăng kính cạnh tranh cho thấy Bắc Kinh sẽ muốn là nước can thiệp để đưa ra các đảm bảo an ninh, và Moscow bằng cách nào đó sẽ đẩy Trung Quốc ra ngoài về mặt kinh tế. Thực tế, có rất ít bằng chứng cho thấy 2 nước đang thực hiện một mục tiêu như vậy. Thay vào đó, cả hai đều có vẻ “vui lòng” hoạt động song song, đóng vai trò hỗ trợ và không xung đột với nhau.
Câu hỏi đặt ra là về trung và dài hạn - khi Trung Quốc bắt đầu lo ngại về việc phụ thuộc vào các đảm bảo an ninh của Nga.
Hiện tại, Trung Quốc có vẻ hài lòng. Tuy nhiên cách suy nghĩ này có thể thay đổi. Ở nhiều nơi khác, Trung Quốc đã bắt đầu tìm cách trở thành yếu tố đảm bảo an ninh. Chẳng có lý do gì để cho rằng điều này sẽ không được thực hiện ở Trung Á.
Ở khía cạnh khác, điểm tới hạn đối với Nga có thể là khi đầu tư kinh tế của Trung Quốc vào Trung Á bắt đầu chuyển thành ảnh hưởng trực tiếp đến Nga. Dù vậy, mối lo ngại này dường như đang giảm dần, khi Moscow ngày càng mở cửa nền kinh tế đối với đầu tư và kết nối của Trung Quốc – chủ yếu là do căng thẳng với phương Tây và sức ép từ các lệnh trừng phạt.
Trong bối cảnh hiện nay, Bắc Kinh sẽ rất vui mừng nếu Moscow đóng vai trò “thu dọn mớ hỗn độn” của một cuộc đấu đá chính trị ở Kazakhstan, trong khi Moscow hài lòng với việc được coi là bên đảm bảo an ninh khu vực.
Trái ngược với nhiều tình huống khác liên quan đến Nga và Trung Quốc, Kazakhstan lại là vấn đề 2 bên cùng có lợi./.