Hai ngày cuối tuần này được xem là mang tính quyết định đối với các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran và P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) đều đang cho thấy quyết tâm nhằm đạt được một thỏa hiệp lịch sử nhằm chấm dứt hơn 1 thập kỷ căng thẳng giữa Iran và phương Tây liên quan tới bản chất của chương trình này.
Ông Zarif nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng cho các buổi làm việc căng thẳng nhằm thúc đẩy một thỏa thuận và tôi cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy chúng tôi có thể thúc đẩy được tiến trình đàm phán. Như tôi đã nói nhiều lần, Iran đã đưa ra một quyết định chính trị để thực hiện các cam kết đã đưa ra. Tôi tin rằng, các đối tác đàm phán cũng phải đưa ra quyết định tương tự. Tôi tin, họ đã nhận ra rằng, các lệnh trừng phạt, các hành động gây sức ép và một thỏa thuận là không thể song hành.”
Giới quan sát cũng có chung nhận định rằng, từ nay đến ngày 31/1, nhóm P5+1 và Iran sẽ đạt được một sự nhất trí về nguyên tắc. Dù các bên đều khẳng định vẫn còn nhiều điểm chưa được giải quyết, song điều này là hoàn toàn dễ hiểu. Bởi giải quyết cuộc khủng hoảng gây cản trở các mối quan hệ quốc tế trong suốt hơn 10 năm qua và cụ thể hóa một khối lượng công việc khổng lồ chỉ trong hơn 1 năm điều không hề đơn giản.
Phát biểu sau cuộc gặp Ngoại trưởng Iran Javad Zarif, Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier bày tỏ hy vọng, các bên sẽ nhìn những gì đã làm được để không bỏ phí những nỗ lực trong suốt hơn 1 năm qua: “Đây là thời điểm mang tính quyết định đối với chúng ta sau gần 12 năm đàm phán với Iran. Tiến trình đàm phán kéo dài cũng đã bắt đầu đi tới hồi kết. Đối với tôi, tiến trình này cũng giống như một đỉnh núi, mà càng tới những mét cuối cùng thì càng khó khăn hơn, song lại mang tính quyết định. Đặc biệt trong bối cảnh khu vực đang chứng kiến nhiều bất ổn và hỗn loạn như hiện nay, thì việc đạt được một thỏa thuận cuối cùng về vấn đề hạt nhân Iran cũng có thể làm dịu căng thẳng.”
Trước đó, sáng cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng đã có mặt tại Lausanne (Thụy Sĩ) để tham gia các cuộc thảo luận mang tính quyết định. Nổi tiếng là một trong những nhà đàm phán cứng rắn nhất, song ông Fabius cũng một lần nữa khẳng định, ông đến Lausanne với mong muốn thúc đẩy một thỏa thuận mạnh mẽ.
Mục tiêu của thỏa thuận mà các nhà ngoại giao Iran và P5+1 nỗ lực đạt được trong suốt hơn 1 năm rưỡi qua là đảm bảo Iran sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân, đổi lại phương Tây sẽ phải dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt quốc tế đang gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế nước này. Các nhà đàm phán đã đặt ra thời hạn chót ngày 31/3 để đạt được một thỏa thuận khung, mở đường cho việc đi tới một thỏa thuận toàn diện cuối cùng về chương trình hạt nhân của Iran từ nay tới hết ngày 30/6.
Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và vấn đề nghiên cứu, phát triển lĩnh vực hạt nhân tại Iran là 2 vấn đề gây bất đồng chính hiện nay. Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Iran Javad Zarif, các cuộc đàm phán là khó khăn và có những bất đồng, song các bên đều nỗ lực giải quyết những vấn đề này.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel hối thúc Iran đưa ra những quyết định cần thiết để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng. Theo các nhà phân tích, những phát biểu mạnh mẽ này đã cho thấy, vòng đàm phán hạt nhân tại Bỉ giữa Iran và nhóm P5+1 sẽ diễn ra cam go đến tận phút chót và các bên chắc chắn sẽ đưa ra những nhượng bộ quan trọng. Hai bên sẽ cố tận dụng mọi cơ hội để đạt được thỏa thuận khung có nội dung bao quát nhằm tránh cho tiến trình đàm phán bị "đứt gánh giữa đường", không chỉ gây ảnh hưởng tới toàn bộ tiến trình và còn gây ảnh hưởng tới nhiều hồ sơ nóng khác tại khu vực./.