Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) đã bắt đầu vòng đàm phán hạt nhân thứ 4 tại Vienna (Áo), nhằm đạt được một thỏa thuận cuối cùng về các hoạt động hạt nhân gây tranh cãi của Tehran trước hạn chót 20/7.

Trong vòng đàm phán từ ngày 14-16/5 tại Vienna (Áo), hai bên có kế hoạch bắt đầu soạn thảo các văn bản để có thể đi đến thỏa thuận lâu dài nhằm chấm dứt nhiều năm thù địch và ngờ vực nhau. Mục tiêu của hai bên là phải khắc phục được những khác biệt lớn vẫn tồn tại. Tuy nhiên, theo giới phân tích, mục tiêu này sẽ không dễ có thể đạt được.

iran1.jpg
Đại diện của Iran và EU trong một vòng đàm phán ở Vienna (Ảnh: AFP)

Iran vẫn âm thầm theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo

Theo thông tin mới nhất đăng tải trên Reuters ngày hôm nay (16/5), một báo cáo mật của Liên Hợp Quốc cho thấy, Iran vẫn đang theo đuổi chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, điều này được cho là một trong những cản trở lớn nhất đối với các nỗ lực đàm phán của nhóm P5+1 để kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran hiện nay.

Trước đó, hôm 11/5, lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Seyyed Ali Khamenei đã mô tả kỳ vọng của phương Tây để kiềm chế sự phát triển chương trình tên lửa Iran là “ngu ngốc và ngớ ngẩn”. Ông Khamenei cũng kêu gọi Iran xúc tiến sản xuất hàng loạt các loại vũ khí đạn đạo – động thái này thực sự là một thách thức lớn ngay trước thềm vòng đàm phán hạt nhân ở Vienna hôm 14/5.

Hãng thông tấn IRNA của Iran dẫn lời ông Khamenei phát biểu trong chuyến thăm triển lãm hàng không của Lực lượng Vệ binh Cách mạng nhấn mạnh: “Lực lượng vệ binh cách mạng cần phải triển khai chương trình tên lửa của mình và không được hài lòng với mức độ hiện tại”.

Theo ông Khamenei, các loại tên lửa cần được sản xuất trên quy mô lớn. Đây là nhiệm vụ chính của tất cả các sĩ quan quân đội. Phương Tây mong muốn chúng ta hạn chế chương trình tên lửa của mình trong khi vẫn liên tục đe dọa tấn công quân sự Iran. Kỳ vọng đó thật “ngu ngốc và ngớ ngẩn”.

Theo nhận định của giới phân tích, các vòng đàm phán cấp cao nhằm đạt được một thỏa thuận toàn diện liên quan đến chương trình hạt nhân Iran không thu được kết quả cũng đồng nghĩa với việc gia tăng những lo ngại về những căng thẳng tiềm ẩn ở Trung Đông có thể bùng phát.

Việc Iran thường xuyên lặp đi lặp lại quan điểm cho rằng, chương trình tên lửa của họ không phải là một phần của các vòng đàm phán hạt nhân được cho là có sự hậu thuẫn của Nga – một nhân tố quan trọng trong P5+1.

Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Mỹ hồi đầu tuần này đã khẳng định rõ rằng, khả năng về việc Tehran đang theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo cần phải được giải quyết trong các vòng đàm phán tới, đặc biệt là sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc ra một nghị quyết về Iran, theo đó, “bất kỳ những gì có liên quan đến khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran cần phải được xử lý”.

Ngày 16/5, Reuters trích dẫn bản báo cáo mới nhất của một ủy ban chuyên gia Liên Hợp Quốc cho biết, trong khi thể hiện những nỗ lực tổng thể, không xúc tiến mua các nguyên vật liệu phục vụ các chương trình hạt nhân và tên lửa bị cấm, Iran vẫn tiếp tục mở rộng chương trình tên lửa đạn đạo.

Bản báo cáo chỉ ra rằng, “Iran đang tiếp tục phát triển các chương trình tên lửa đạn đạo”, nước này đã cho ra mắt một loại tên lửa mới ở một bãi thử cách thành phố Shahrud khoảng 40km hồi tháng 8/2013. Iran cũng đang đi vào hoàn thiện các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa đẩy ở Trung tâm Không gian Khomeini Imam tại Semnan.

Các tranh cãi về chương trình tên lửa của Iran đã trở thành đề tài “nóng” tại phiên họp ở Vienna. Trong khi phái đoàn Mỹ nói rõ rằng họ muốn thảo luận về cả chương trình tên lửa đạn đạo lẫn khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif, đại diện đoàn đàm phán Iran dường như đã không đoái hoài đến mối quan tâm của Mỹ. Điều này rõ ràng đã làm cho triển vọng về một thỏa thuận toàn diện ngày càng trở nên xa vời.

Nút thắt hiện nay chính là chương trình tên lửa của Iran

Không chỉ trong vòng đàm phán lần này, từ trước đến nay, các nhà ngoại giao Anh, Pháp, Đức luôn có cùng quan điểm với Mỹ, trong khi đó, Nga – quốc gia được cho là có mối quan hệ thương mại trong hoạt động chuyển giao công nghệ tên lửa cho Iran dường như không ủng hộ các quốc gia nói trên. Phương tiện truyền thông Iran dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, chương trình tên lửa của Tehran đã không được đưa vào chương trình nghị sự.

Một vòng đàm phán về chương trình hạt nhân Iran giữa đại diện của nước này với nhóm P5+1 (Ảnh: PressTV)

Công hòa Hồi giáo Iran nhiều lần phủ nhận cáo buộc cho rằng họ đang tìm kiếm khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân đồng thời khẳng định việc phát triển các loại tên lửa là một phần trong việc tăng cường khả năng chiến đấu cho quân đội bằng những vũ khí thông thường. Chính vì vậy, họ đã từ chối việc đưa chương trình tên lửa lên bàn nghị sự trong cuộc họp với P5+1.

Ông Daryl Kimball, người đứng đầu Hội Kiểm soát Vũ khí có trụ sở tại Washington nhận định, P5+1 không nên cố gắng tìm mọi cách để đưa chương trình tên lửa của Iran vào chương trình nghị sự mà thay vào đó, cách tốt nhất để giải quyết những nguy cơ tiềm ẩn từ Iran, đó là thực hiện các biện pháp đảm bảo rằng chương trình hạt nhân của Iran là “minh bạch và nằm trong tầm kiểm soát”.

Ông Kimball nói thêm: “Nếu cứ cố ép Iran và đặt ra giới hạn với họ về những vũ khí thông thường họ có quyền phát triển để bảo vệ lợi ích chính đáng quốc gia, điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu quan trọng hơn của các vòng đàm phán”.

Một quan chức Iran khẳng định: “chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của chúng tôi sẽ không bị gián đoạn. Iran mua các linh kiện từ nhiều quốc gia khác nhau trong đó có Nga, Trung Quốc và sau đó lắp ráp ở Iran. Một số quốc gia vùng Vịnh cũng có liên quan đến đến chương trình này. Iran  chưa bao giờ ngừng chương trình tên lửa và cũng không có ý định làm như vậy, nó giúp bảo đảm an ninh quốc phòng của chúng tôi”.

Mặc dù vậy, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc trong bản báo cáo dài 49 trang khẳng định, việc giám sát chương trình tên lửa của Iran là công việc không hề dễ dàng.

Đàm phán sẽ vô cùng khó khăn

Bản báo cáo của các chuyên gia Liên Hợp Quốc cho rằng: “Việc phân tích chương trình tên lửa đạn đạo của Iran vẫn là một thách thức, ngoại trừ những loại tên lửa nước này giới thiệu, một số được xác định qua các nguồn tin tình báo, vẫn còn nhiều điều thế giới còn chưa rõ về những gì Iran đang sở hữu”.

Bản báo cáo cũng tiết lộ, chương trình phát triển tên lửa của Iran vẫn đang tiếp tục nhưng các chuyên gia không nắm bắt được thông tin về thay đổi trong chiến lược mua sắm các nguyên vật liệu, linh kiện kỹ thuật chế tạo tên lửa của Iran.

Mỹ đang gặp khó khi tiến hành đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Iran (Ảnh: AP)

Như để đổ thêm dầu vào lửa, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 14/5 cho biết Iran đang chia sẻ công nghệ hạt nhân với Triều Tiên. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Iran và Nhóm P5+1 vẫn đang tổ chức các cuộc đàm phán tại thủ đô Vienna (Áo) nhằm chấm dứt bế tắc hạt nhân kéo dài hàng thập kỷ qua.

Trong bài trả lời phỏng vấn được đăng trên trang nhất của tờ Mainichi Shimbun, ông Netanyahu đang ở thăm Nhật Bản, cho rằng Iran "sẽ chia sẻ bất cứ công nghệ nào mà nước này có với Triều Tiên" đồng thời cho rằng, Iran sẽ không dễ dàng từ bỏ tham vọng.

Trong khi đó, cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice ngay trước thềm vòng đàm phán lần này cho biết, Iran phải nhất trí "hành động có thể thẩm tra" để giải tỏa những quan ngại của Mỹ về chương trình hạt nhân của Tehran, nếu không sẽ không có thỏa thuận cuối cùng.

Bà Rice nói: "Tất cả chúng ta có trách nhiệm trao cho các nỗ lực ngoại giao cơ hội để thành công. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không bị thuyết phục chỉ bằng lời nói. Chúng tôi sẽ chỉ được thuyết phục bằng hành động có thể thẩm tra được của Iran. Đơn giản là nếu chúng tôi không được thuyết phục thì sẽ không có thỏa thuận".

Phát biểu khai mạc hội nghị với những người đồng cấp ở vùng Vịnh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết, Washington hy vọng đạt được tiến triển trong vòng đàm phán lần này tại Vienna (Áo) nhằm soạn thảo thỏa thuận cuối cùng với Iran. 

Tuy nhiên, ông Hagel nhấn mạnh, “trong bất cứ trường hợp nào” thì cuộc đàm phán cũng sẽ không đánh đổi an ninh của vùng Vịnh để lấy những nhượng bộ trong chương trình hạt nhân của Iran. Theo ông Hagel, cho dù cuộc đàm phán với Iran có kết quả như thế nào thì Mỹ vẫn "sẵn sàng" để đảm bảo rằng Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân.

Như vậy, Mỹ đang đứng ở thế khó khi vừa phải theo đuổi những nỗ lực tiến tới ký kết một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với Iran vừa phải làm hài lòng những đồng minh thân cận trong khu vực như Israel hay một số quốc gia Arab khác.

Trong khi bài toán Iran vẫn còn chưa có lời giải, sức ép từ Israel và các quốc gia Arab chắc chắn sẽ khiến cho các vòng đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran thêm phần phức tạp và thời hạn chót 20/7 để đạt được một thỏa thuận cuối cùng là “rất mong manh”./.