Tìm kiếm thêm nguồn vaccine phương Tây
Trong những ngày gần đây, Indonesia và Malaysia cho biết, họ dự kiến sẽ nhận được hàng triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech trong nửa cuối năm nay. Philippines đã bắt đầu nhận được các liều vaccine từ Moderna và Pfizer và dự kiến sẽ có thêm hàng triệu liều vaccine trong những tháng tới.
Phần lớn vaccine mà Indonesia và Philippines nhận được trong nửa đầu năm nay đến từ Công ty công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc. Malaysia chủ yếu sử dụng vaccine của Sinovac và Pfizer. Các quốc gia trên đã không viện dẫn lo ngại về hiệu quả của vaccine Sinovac là lý do để sử dụng vaccine phương Tây.
Việc chuyển hướng tìm kiếm thêm các loại vaccine phương Tây diễn ra trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 đang tăng mạnh ở khu vực Đông Nam Á và các nơi khác trên thế giới do biến thể Delta gây ra đợt bùng phát dịch bệnh trên toàn cầu.
“Có một sự thay đổi. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung và tích trữ vaccine đang giảm bớt, bởi vậy nhiều quốc gia có thể sử dụng vaccine Moderna và Pfizer ngay bây giờ”, Chong Ja Ian, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết.
Theo Wall Street Journal, sự thay đổi này mang lại cho Mỹ và các đồng minh cơ hội lấy lại thiện chí với một số nhà lãnh đạo chính trị ở các nước đang phát triển, những người từng thất vọng về việc các nước phương Tây ưu tiên cho người dân của họ tiêm chủng.
Các loại vaccine phương Tây chuyển giao tới khu vực Đông Nam Á đã được bổ sung bằng nguồn tài trợ từ Mỹ, quốc gia đã cung cấp 3 triệu liều Moderna cho Indonesia vào tuần trước và đóng góp tương tự trong những tuần gần đây cho các quốc gia như Malaysia, Pakistan và Nepal. Vào tháng 6, Mỹ đã cam kết tặng 500 triệu liều vaccine Pfizer cho các nước nghèo hơn cho đến giữa năm 2022, với 200 triệu liều vaccine sẽ được giao trong năm nay.
Giáo sư Chong cho biết, sự thay đổi gần đây trong việc sử dụng vaccine của phương Tây không đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ ngay lập tức được coi là một đối tác đáng tin cậy cho các nước đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nhiều tháng.
Pfizer và BioNTech hôm 14/7 cho biết, trong năm nay họ sẽ cung cấp 50 triệu liều vaccine đến Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á với 270 triệu người, nơi cho đến nay đã nhận được phần lớn lượng vaccine từ các nhà sản xuất của Trung Quốc.
Malaysia, nước chủ yếu sử dụng vaccine Pfizer và Sinovac trong chiến dịch tiêm chủng quốc gia, cho biết họ sẽ sử dụng phần lớn vaccine Pfizer trong tương lai vì đã đặt hàng khoảng 46 triệu liều vaccine, đủ để tiêm chủng đầy đủ cho 2/3 người dân trong dân số 33 triệu người của quốc gia này.
Chính phủ Malaysia cho biết, việc chuyển sang sử dụng vaccine phương Tây không liên quan đến những lo ngại về hiệu quả của vaccine Sinovac, mà chỉ đơn giản là lô vaccine cuối cùng trong số khoảng 15 triệu liều vaccine mà nước này đã đặt hàng sẽ đến vào tháng 8.
Một số quốc gia Đông Nam Á chuyển sang sử dụng vaccine phương Tây hiện có tỷ lệ tiêm chủng thấp và đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh nghiêm trọng. Indonesia, quốc gia đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 6% dân số, hôm 19/7 ghi nhận 1.338 ca tử vong do Covid-19, con số tử vong trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Malaysia, quốc gia cũng đang chứng kiến sự gia tăng lớn về số ca mắc bệnh, đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 13% dân số. Philippines đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 4% dân số, theo số liệu của trang web Our World in Data.
Tăng cường tiêm chủng cho nhân viên y tế
Sau khi tiêm vaccine Sinovac cho hầu hết các nhân viên y tế vào đầu năm, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết, nước này sẽ sử dụng nguồn cung vaccine Moderna mà họ nhận được từ Mỹ để tiêm mũi nhắc lại thứ ba cho các nhân viên y tế.
“Các nhân viên y tế của chúng tôi đang phải chịu rất nhiều áp lực, đặc biệt là trong đợt dịch thứ hai này. Vì vậy, chúng tôi muốn xác nhận rằng họ được bảo vệ tối đa”, ông Budi Gunadi Sadikin nói.
Bộ Y tế Thái Lan cũng sẽ cung cấp mũi tiêm nhắc lại bằng vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca cho các nhân viên y tế đã tiêm 2 liều vaccine Sinovac. Nhân viên y tế mới tiêm 1 liều vaccine sẽ tiêm liều thứ 2 bằng vaccine AstraZeneca. Quyết định được đưa ra sau khi chính phủ Thái Lan cho biết, hàng trăm nhân viên y tế nước này đã bị mắc bệnh từ tháng 4 đến tháng 7./.