Hiệp ước được đánh giá là công cụ quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý đầu tiên, nghiêm cấm rõ ràng những loại vũ khí này, là chiến thắng chung cho toàn nhân loại hướng đến mục mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Hiệp ước của Liên Hợp Quốc cấm vũ khí hạt nhân được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 7/7/2017 với sự ủng hộ của 122 quốc gia thành viên. Đây là hiệp ước quốc tế đầu tiên cấm việc phát triển, thử nghiệm, sở hữu và sử dụng vũ khí hạt nhân. Với việc Honduras trở thành quốc gia thứ 50 phê chuẩn Hiệp ước này vào tháng 10/2020, Hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân đa phương đầu tiên trong hơn hai thập kỷ hội đủ điều kiện cần thiết để có hiệu lực sau 90 ngày.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ hoan nghênh hiệp ước này có hiệu lực. “Tôi vui mừng ghi nhận Hiệp ước của Liên Hợp Quốc cấm vũ khí hạt nhân có hiệu lực. Hiệp ước là một bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân và là một minh chứng mạnh mẽ về sự ủng hộ đối với các phương pháp tiếp cận đa phương đối với giải trừ hạt nhân. Việc loại bỏ vũ khí hạt nhân vẫn là ưu tiên giải trừ vũ khí hạt nhân cao nhất của Liên Hợp Quốc. Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia cùng nhau thực hiện tham vọng này nhằm thúc đẩy an ninh chung và an toàn tập thể”.     

Trong khi các quốc gia và khu vực tham gia hy vọng rằng, Hiệp ước của Liên Hợp Quốc cấm vũ khí hạt nhân sẽ tạo động lực cho phong trào giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu, việc ra mắt quy chuẩn quốc tế lịch sử này lại bị các quốc gia có vũ khí hạt nhân cũng như Nhật Bản, quốc gia duy nhất đã phải hứng chịu sự tàn phá của các vụ ném bom nguyên tử, từ chối. Nhật Bản cho biết nước này không có ý định tham gia hiệp ước vì cho rằng, cần phải theo đuổi một lộ trình chắc chắn và thiết thực hướng tới giải trừ quân bị hạt nhân.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu nhấn mạnh: “Cách tiếp cận của hiệp ước khác so với quan điểm của Nhật Bản do đó chúng tôi sẽ không tham gia hiệp ước. Đây là lập trường Nhật Bản đã khẳng định và sẽ không thay đổi”.

Hướng đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân là mong muốn chung của nhân loại nhưng thế giới vẫn chia rẽ về mục tiêu chung này. Ngày càng nhiều quốc gia coi vũ khí hạt nhân như một phần của chiến lược chiến tranh, chứ không chỉ đơn thuần là biện pháp tự vệ hay răn đe. Đáng lo ngại nhất là trong nỗ lực chung của nhân loại đang thiếu vắng cam kết từ chính những cường quốc hạt nhân trên thế giới.

Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân mới nhất này cũng không có sự tham gia của toàn bộ 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ) đều là các cường quốc hạt nhân và đều phản đối Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác như Ấn Độ, Israel, Triều Tiên và Pakistan cũng từ chối tham gia.

Trong khi đó quan hệ giữa các quốc gia hạt nhân này luôn căng thẳng và chứa đựng những nguy cơ tiềm ẩn như xung đột Ấn Độ - Pakistan hay việc Mỹ gần đây liên tiếp rút khỏi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí như Thỏa thuận hạt nhân với Iran, Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga... có thể kích hoạt chiến tranh cũng như một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân bất cứ lúc nào. Vì vậy, nếu các cường quốc hạt nhân không thực hiện những bước đi cụ thể nhằm cắt giảm kho vũ khí của mình, không cam kết với mục tiêu chung kiểm soát vũ khí toàn cầu, giấc mơ về một thế giới không có vũ khí hạt nhân sẽ khó trở thành hiện thực./.