Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 trên cơ ở là một tuyên bố chính trị (Tuyên bố Bangkok) với 5 thành viên ban đầu. Sau gần 5 thập kỷ tồn tại và phát triển với nhiều thăng trầm, ASEAN đã chuyển hóa căn bản về chất và chính thức trở thành Cộng đồng chung vào ngày hôm nay (ngày 31/12/2015). 

thediplomat_2015_04_22_19_56_25_gsuh.jpg
Là cờ của Cộng đồng ASEAN tung bay trong gió. (ảnh: ITN).

Ý tưởng về Cộng đồng ASEAN được đề cậ­p sau khi ASEAN đã bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á và thông qua Tầm nhìn ASEAN 2020 vào năm 1997. Đến năm 2003, các Lãnh đạo ASEAN chính thức quyết định xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2020; và đến năm 2007, nhất trí sẽ đạt mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 (thay vì đến năm 2020 như thỏa thuận trước đó).

Dấu mốc lịch sử

Sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 là dấu mốc lịch sử của tiến trình liên kết ASEAN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Hiệp hội và khu vực cùng như từng nước thành viên.

Cộng đồng ASEAN thể hiện sự trưởng thành và lớn mạnh của ASEAN sau gần 5 thập kỷ tồn tại, phát triển. ASEAN đã, đang và sẽ mang lại những lợi ích quan trọng và thiết thực cho các nước thành viên, mà bao trùm là tạo tạo môi trường khu vực hòa bình và ổn định để mỗi nước tập trung phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế.

Có thể nói, cộng đồng chung chính là thành tựu hợp tác của các nước ASEAN, tạo cơ sở vững chắc và động lực mạnh mẽ cho ASEAN tiếp tục liên kết sâu rộng hơn và đóng vai trò quan trọng hơn ở khu vực. Cộng đồng cũng phản ánh nhận thức và lợi ích chung của các nước thành viên về nhu cầu liên kết khu vực cao hơn.

ASEAN hiện là một trong những tổ chức hợp tác khu vực thành công nhất trên thế giới, có vai trò quan trọng ở khu vực. Vai trò và vị thế quốc tế của ASEAN thể hiện ở các khía cạnh sau.

ASEAN là nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định và hợp tác vì phát triển ở khu vực. Đó là kết quả của những nỗ lực liên kết nội khối, hợp tác về chính trị- an ninh (kể cả với các đối tác), và nhất là ngăn ngừa xung đột thông qua việc xây dựng lòng tin và chia sẻ các quy tắc ứng xử. ASEAN cũng đã khởi xướng thành công và giữ vai trò chủ đạo trong các diễn đàn/cơ chế khu vực, với sự tham gia và đóng góp của cả các đối tác, nhằm tăng cường đối thoại và hợp tác xử lý những thách thức đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực.

ASEAN đóng vai trò là động lực chính trong việc thúc đẩy hợp tác và liên kết khu vực ở Đông Á, nhất là về kinh tế- thương mại, thông qua cơ chế và khuôn khổ khác nhau ở khu vực.

Cùng với tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp hội đã chủ động đi đầu trong việc hình thành một mạng lưới các Khu vực mậu dịch tự do (FTA) với từng đối tác quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand; thúc đẩy nhiều chương trình hợp tác kinh tế- thương mại đa dạng với các đối tác lớn như Mỹ, Canada, EU, Nga và đang đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Các đối tác đều coi trọng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác toàn diện với ASEAN cả về đa phương và song phương, hỗ trợ việc ASEAN xây dựng Cộng đồng, ủng hộ vai trò chủ đạo của Hiệp hội ở khu vực. Đến nay đã có 83 nước ngoài khu vực cử Đại sứ tại ASEAN. 

2015- năm bản lề cho tương lai ASEAN

Để có được kết quả như hiện tại, các nước ASEAN một năm qua đã nỗ lực rất nhiều để hoàn thành những nhiệm vụ đề ra trong lộ trình Xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Về đối ngoại, trong năm vừa qua các nước thành viên ASEAN đã tích cực tổ chức các buổi hội thảo, giao lưu, trao đổi… nhằm tìm kiếm giải pháp chung cho những vấn đề còn tồn đọng và tạo điều kiện để tăng sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố niềm tin.

Về đối nội, mỗi nước ASEAN đều chú trọng đến việc truyền bá thông tin tới mỗi người dân về Cộng đồng chung thông qua báo, đài, tivi; qua các cuộc thi tìm hiểu, hay đưa vào chương trình giáo dục. 

Có nhiều thách thức đe dọa đến an ninh và ổn định của ASEAN trong năm qua như vấn đề Biển Đông (vụ việc Trung Quốc tăng cường xây dựng trái phép đảo nhân tạo, vụ kiện của Philippines), vấn đề khủng bố (khủng bố đẫm máu ở Bangkok, Thái Lan; sự trỗi dậy của phần tử Hồi giáo cực đoan) … nhưng các nước ASEAN vẫn vững vàng, đoàn kết, đồng thuận để đến được ngày hôm nay- trở thành một Cộng đồng thống nhất. 

Lãnh đạo 10 nước ASEAN thể hiện quyết tâm phát triển Cộng đồng ASEAN ngày càng thịnh vượng. (Ảnh: Nhật Bắc).

Năm 2015 cũng là năm ASEAN đã tổ chức thành công 2 Hội nghị cấp cao vào tháng 4 và tháng 11, mở đường cho một tương lai mới của ASEAN dưới tên gọi Cộng đồng chung. 

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26 (từ ngày 26-27/4/2015) được tổ chức ở Kuala Lumpur (Malaysia) đã bàn thảo 8 nội dung trong đó có một số điểm nhấn quan trọng như ASEAN tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực cấp khu vực và quốc gia nhằm đảm bảo hình thành Cộng đồng ASEAN (AEC) đúng thời hạn vào cuối năm 2015, tích cực chuẩn bị cho giai đoạn phát triển sau 2015.

Sau Hội nghị lần thứ 26, các nước ASEAN tổng kết: ASEAN hoàn thành được hơn 93% các hoạt động trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015; triển khai 285 dự án trong Kế hoạch tổng thể về kết nối, tập trung chủ yếu vào các dự án phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng; đã có 6/10 thành viên có tỷ lệ công việc hoàn thành ở mức cao, 4/10 thành viên còn lại một số vấn đề cần được đẩy mạnh.

Tiếp đó, ngày 18-22/11/2015, Malaysia tiếp tục tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27. Tại Hội nghị ngày, các nhà lãnh đạo đã ký Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/ 2015 và Tuyên bố về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 “Cùng vững vàng tiến bước”.

Đây là hai văn kiện mang tính lịch sử đối với tiến trình liên kết và phát triển của ASEAN sau gần nửa thế kỷ hình thành và phát triển, không chỉ thu hút sự quan tâm của người dân 10 nước Đông Nam Á mà cả cộng đồng quốc tế.

Văn kiện Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN là sự tuyên bố chính thức đối với thế giới về việc thành lập Cộng đồng ASEAN. Đây là bước ngoặt lịch sử của Hiệp hội khẳng định vị thế mới của Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng quốc tế, biểu thị mạnh mẽ cam kết của ASEAN sẽ nỗ lực củng cố vững mạnh Cộng đồng ASEAN vì mục tiêu chung hòa bình, ổn định và phát triển. Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình liên kết của ASEAN. 

Bên cạnh đó, các nước thành viên cũng đã ký Tuyên bố Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Đây là văn kiện chủ đạo, làm cơ sở và khuôn khổ cho liên kết của ASEAN trong 10 năm tới. Định hướng bao trùm của Tầm nhìn là củng cố và nâng tầm liên kết ASEAN một cách toàn diện và sâu rộng hơn trên cả 3 trụ cột chính-trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. 

Đánh giá về năm 2015 của ASEAN, TTXVN dẫn lời ông Trương Uẩn Lĩnh, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp, việc ASEAN có thể duy trì được sự phát triển, ổn định tình hình chính trị là điều không phải dễ dàng.

Chuyên gia Trương cho biết thêm, về mặt kinh tế, do kinh tế thế giới phục hồi yếu ớt, tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á cũng đối mặt với áp lực suy thoái và áp lực điều chỉnh kết cấu kinh tế khá lớn trong khi tiếp tục dẫn đầu, dự báo tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng từng khiến thị trường tài chính một số nước Đông Nam Á xuất hiện dấu hiệu bấp bênh. Nhưng nhìn chung, trong tình hình cả nền kinh tế toàn cầu không ổn định, kinh tế ASEAN cũng có thể duy trì sự ổn định cơ bản.

Nhiệm vụ kế tiếp

Xây dựng Cộng đồng ASEAN là một giai đoạn của tiến trình phát triển, do đó mốc 31/12/2015 khi Cộng đồng ASEAN hình thành không phải là đích cuối cùng của liên kết ASEAN, mà là sự khởi đầu của một giai đoạn phát triển mới của Hiệp hội. Trên cơ sở nhận thức chung như vậy, các quốc gia thành viên ASEAN đã nhất trí xây dựng nội dung Tầm nhìn của Cộng đồng ASEAN sau 2015 (giai đoạn 2016 - 2025).

Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đề ra định hướng tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn Cộng đồng ASEAN với mục tiêu bao trùm là đưa ASEAN trở thành một tổ chức hợp tác khu vực mở có mức độ liên kết sâu rộng hơn và có vai trò quan trọng hơn ở khu vực; một Cộng đồng vận hành theo luật lệ, có sự tham gia rộng rãi hơn của người dân và mang lại những lợi ích thiết thực hơn cho người dân. 

Cộng đồng ASEAN 2015- người dân thụ hưởng nhiều lợi ích. (ảnh: KT).

Theo văn kiện, Cộng đồng Chính trị- An ninh hướng tới 4 mục tiêu lớn: Một là hoạt động theo luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm. Hai là duy trì hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Ba là tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN. Bốn là tăng cưởng năng lực thể chế và sự hiện diện của ASEAN.

Cộng đồng Kinh tế hướng tới 5 mục tiêu: Trước hết ASEAN hướng đến một nền kinh tế thống nhất và liên kết cao. Thứ hai, ASEAN sẽ là một nền kinh tế năng động, đổi mới và cạnh tranh. Tiếp đó là mục tiêu kết nối kinh tế và liên kết theo ngành. Mục tiêu tiếp theo là tự cường, dung nạp và chú trọng người dân. Mục tiêu cuối cùng là gắn kể nền kinh tế ASEAN vào nền kinh tế toàn cầu.

Công đồng Văn hóa- Xã hội ASEAN cũng đề ra 5 mục tiêu bao gồm: Một là thu hút sự tham gia của người dân và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Hai là cộng đồng dung nạp nhằm đáp ứng tốt hơn lợi ích của người dân về phúc lợi, bảo trợ xã hội, bình đẳng giới, quyền con người, giảm nghèo, y tế, việc làm, giáo dục và thông tin. Ba là cộng đồng bền vững. Bốn là cộng đồng tự cường. Năm là cộng đồng năng động.

Có thế thấy, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đã đặt ra nhiều việc cần thực hiện trong thời gian tới cho các nước thành viên. Muốn liên kết sâu rộng hơn, các nước thành viên cần phải nỗ lực hơn nữa trên mọi mặt, mà trước hết là sự hợp tác về kinh tế. Đây là văn kiện “mở” để ngỏ khả năng điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện. 

Chớp lấy thời cơ

Sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 tạo ra cả cơ hội và thách thức đan xen đối với Việt Nam. Nhìn chung, các cơ hội về cơ bản là những lợi ích có được trong quá trình tham gia hợp tác ASEAN trong 20 năm qua nhưng sẽ lớn hơn và cụ thể hơn; các thách thức cũng nhiều hơn và trực tiếp hơn. 

Về kinh tế, Cộng đồng chung mở ra cho Việt Nam cơ hội một thị trường rộng lớn cho xuất khẩu. ASEAN có tổng cộng khoảng 625 triệu dân với tổng GDP 2.600 tỉ USD. Tiếp cận thị trường này sẽ làm gia tăng sức hấp dẫn đối với đầu tư và kinh doanh từ bên ngoài vào Việt Nam, đồng thời thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra các nước ASEAN. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ gặp sự cạnh tranh gay gắt hơn do năng lực cạnh tranh nền kinh tế nước ta còn hạn chế. Đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước có năng lực cạnh tranh thấp sẽ khó có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng có giá trị cao và lợi nhuận tốt.

Về chính trị- an ninh, Việt Nam tiếp tục có những điều kiện thuận lợi hơn để góp phần duy trì môi trường hòa bình và ổn định khu vực, nâng cao khả năng xử lý những thách thức an ninh phi truyền thống; hỗ trợ đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Mặt khác, Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn hơn khi thỏa thuận hoặc triển khai một số biện pháp nhạy cảm và có mức liên kết sâu hơn. Việt Nam cũng phải xử lý nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh xã hội như tội phạm qua biên giới, lao động nhập cư…

Về văn hóa- xã hội, Việt Nam có điều kiện nâng cao năng lực đối thông qua cơ hội tiếp nhận được thông tin, khoa học- công nghệ, kinh nghiệm quản lý hiện đại và nguồn lục, đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước cho phù hợp hơn với yêu cầu hội nhập quốc tế. Khó khăn chính là các hoạt động trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, thiếu sự gắn kết, trong khi nguồn lực tham gia của ta có hạn. 

Lễ thượng cờ ngày 31/12/2015- ngày thành lập Cộng đồng ASEAN ở Hà Nội. 

Về đối ngoại, đây là điều kiện thuận lợi hơn để mở rộng và tăng cường quan hệ song phương đối với các đối tác của ASEAN, nhất là các nước lớn, cũng như tham gia sâu rộng hơn vào các khuôn khổ hợp tác quốc tế hay liên khu rộng lớn hơn; qua đó góp phần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam. Mặt khác chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trước tác động của các nước lớn đối với ASEAN.

Đối với người dân, đây sẽ là đối tượng được thụ hưởng những lợi ích thiết thực như: được sống trong môi trường hòa bình, an ninh, an toàn, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau; có nhiều lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ với giá cả thấp và chất lượng cao hơn; cơ nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm có tay nghề tại các nước ASEAN khác (đến nay ASEAN đã ký Hiệp định về di chuyển thể nhân và 8 thỏa thuận công nhận lẫn nhu đối với 8 ngành nghề: kế toán, kỹ sư, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, vận chuyển và du lịch); người dân cũng sẽ đi lại thuận tiện hơn trong các nước ASEAN (được miễn thị thực 15-30 ngày) và được thụ hưởng nhất định từ sự cải thiện của mạng an ninh xã hội.

Tuy nhiên, người dân cũng gặp một vài thách thức, nhất là phải cạnh tranh về tìm kiếm việc làm có tay nghề, ngay cả tại Việt Nam./.