Tuy vậy, chiến thắng này vẫn chưa trọn vẹn, bởi đối tác liên minh là đảng Dân chủ tự do chỉ giành được 4,8% số phiếu bầu, chưa đủ 5% để có ghế tại Quốc hội.
Như thế, liên minh cầm quyền của bà Merkel do không hội đủ đa số phiếu tuyệt đối sẽ phải tìm kiếm đối tác liên minh mới.
Ngoài việc tìm kiếm một đối tác liên minh cho Đảng cầm quyền, rất nhiều thách thức đang đặt ra trước mắt bà Merkel trong nhiệm kỳ 3 của mình.
Liệu bà Merkel có thể nhấm nháp hương vị chiến thắng bao lâu nữa? (Ảnh AFP) |
Theo kết quả cuối cùng của Cơ quan bầu cử liên bang Đức sau khi kiểm phiếu tại toàn bộ 299 khu vực bầu cử, liên minh Dân chủ -Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của đương kim Thủ tướng Angela Merkel đã giành được số phiếu cao nhất với tỷ lệ 41,5%, tiếp sau là đảng Dân chủ Xã hội (SPD) được 25,7%, đảng Cánh tả 8,6% và đảng Xanh 8,4%.
Tuy vậy, đảng Dân chủ Tự do (FDP) - đối tác liên minh cầm quyền của bà Merkel chỉ giành được 4,8% số phiếu, không vượt qua ngưỡng 5% theo luật định để có đại diện trong quốc hội.
Các đảng nhỏ khác như Đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức, đảng Cướp biển, đảng Dân chủ Quốc gia đều chỉ giành được tỷ lệ phiếu rất ít.
Với kết quả này, liên minh Dân chủ - Xã hội Cơ đốc giáo chiếm 311 trong tổng số 630 ghế của Quốc hội Đức, không hội đủ đa số tuyệt đối nên vẫn phải tìm đối tác liên minh để cầm quyền.
Mặc dù vậy, đây là chiến thắng vang dội không chỉ đối với cá nhân bà Merkel mà còn cả liên minh cầm quyền với mức số phiếu giành được cao nhất kể từ năm 1990 đến nay.
Và nếu tiếp tục tại vị ít nhất tới năm 2017, bà sẽ trở thành nữ lãnh đạo lâu năm nhất tại châu Âu. Người giữ vị trí này trước đó là cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher với 11 năm tại vị liên tiếp.
Tại thủ đô Berlin, Thủ tướng Merkel và đảng của bà đã tổ chức ăn mừng chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Những người ủng hộ vẫy cờ Đức và hô vang khẩu hiệu “chúng ta còn Thủ tướng”.
Thủ tướng Merkel bày tỏ: “Tôi chỉ muốn nói rằng tôi rất vui và hạnh phúc và điều đó sẽ cho chúng ta thêm sức mạnh để tạo ra những điều tốt đẹp trong những năm tới. Chúng ta phải gánh vác nhiều trách nhiệm, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đảm đương được”.
Các nhà lãnh đạo châu Âu ngay sau khi có kết quả đã gửi lời chúc mừng tới bà Merkel, trong khi báo chí thế giới đánh giá đây là thắng lợi "có ý nghĩa lịch sử" đối với nữ chính trị gia này.
Dù đôi lúc bất đồng với bà Merkel về chính sách "thắt lưng buộc bụng" cứng rắn ở châu Âu, nhưng Tổng thống Pháp Francois Hollande đã là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên gọi điện chúc mừng Thủ tướng Merkel.
Thủ tướng Anh David Cameron sử dụng trang mạng "Twitter" để gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến bà Merkel và tỏ ý tiếp tục hợp tác chặt chẽ với người đứng đầu Chính phủ Đức.
Thủ tướng Italy Enrico Letta đánh giá kết quả tổng tuyển cử ở Đức không chỉ là điều "tuyệt vời" đối với bà Merkel mà còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với Liên minh châu Âu.
Còn trong thông báo của mình, Chủ tịch Liên minh châu Âu Herman Van Rompuy bày tỏ tin tưởng rằng, trên cương vị người "chèo lái" nền kinh tế lớn nhất châu Âu, bà Merkel sẽ tiếp tục làm việc vì một châu Âu thịnh vượng.
Lãnh đạo Bỉ cũng đã gửi lời chúc mứng tới bà Merkel. Báo chí Mỹ và châu Âu cũng tập trung đưa về kết quả tổng tuyển cử tại Đức. Bên cạnh việc đánh giá cao chiến thắng của bà Merkel khi trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nước Đức giữ cương vị thủ tướng ba nhiệm kỳ liên tiếp.
Một số báo cũng cho rằng, ngay trước mắt và cả quãng thời gian 4 năm trong nhiệm kỳ tới, bà Merkel sẽ phải đối diện không ít khó khăn và thách thức.
Trong cuộc tổng tuyển cử hôm 22/9, gần 62 triệu cử tri Đức-chiếm tỷ lệ 73% cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Con số này đã cho thấy người dân Đức rất quan tâm đến sự kiện này cũng như đặt kỳ vọng lớn vào vị Thủ tướng tương lai chèo lái đất nước trong 4 năm tới.
Các cuộc thăm dò dư luận trước tổng tuyển cử đa phần cho thấy cán cân đều nghiêng về phía đương kim Thủ tướng Đức bà Merkel, nhưng sự chênh lệch là không lớn. Bởi vậy, giới phân tích cũng đã dự tính đến một kết quả bất ngờ.
Tuy vậy, chiến thắng vang dội của bà Merkel đã đánh tan những lo lắng và nghi ngờ trước bầu cử. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chiến thắng lịch sử này của đương kim Thủ tướng Đức.
Cử tri đã nhận ra một thực tế là nước Đức đã trở nên mạnh hơn trong 2 nhiệm kỳ của bà Merkel; và bà là nhà lãnh đạo châu Âu duy nhất vượt qua được cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực.
Cụ thể là trong khi các nước trong khu vực bị lâm vào tình trạng khủng hoảng tài chính trầm trọng, nền kinh tế của Đức vẫn phát triển đạt mức tăng trưởng 0,7% trong quí 2 năm nay, trong khi tỷ lệ tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp 6,8%.
Về chính sách đối ngoại, trong khi cuộc khủng hoảng nợ công làm điêu đứng các nước trong khu vực như Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp hay Italia, bà Merkel đã tỏ rõ được sự cương quyết, bản lĩnh, dám đương đầu với thách thức của một “đầu tầu châu Âu”.
Có thể nói rằng, trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng cử tri vẫn ủng hộ chiến lược tranh cử của bà Merkel khi cam kết đưa nền kinh tế Đức phát triển mạnh mẽ hơn nhiều so với chính sách lập lại công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo của ứng viên Đảng Dân chủ xã hội đối lập Peer Steinbruck.
Như vậy, rõ ràng chiến thắng áp đảo của bà Merkel và liên minh cầm quyền của bà là một thắng lợi thuyết phục và có cơ sở.
Tuy nhiên việc đối tác liên minh của bà Merkel là Đảng Dân chủ tự do chỉ giành được 4,8 số phiếu bầu đã cho thấy sự cân nhắc và điều chỉnh của cử tri Đức.
Có thể thấy, người dân vẫn chọn bà Merkel và các chính sách bà đã thực hiện trong 8 năm qua; nhưng họ lại muốn có sự điều chỉnh trong chính phủ của bà.
Với Đảng Dân chủ Tự do, với số phiếu không đạt tới tỷ lệ 5% cần thiết, đây là lần đầu tiên đảng này không có đại diện nào tại Quốc hội trong lịch sử nước Đức thời hậu chiến. Trong khi đó, số ghế của các Đảng Dân chủ xã hội đối lập, đảng Cánh tả, đảng Xanh lần lượt là 192, 64 và 63 ghế.
Như vậy, về lý thuyết có 3 khả năng thành lập chính phủ liên minh mới ở Đức: liên minh giữa liên minh Dân chủ-Xã hội Cơ đốc giáo với đảng Xanh, liên minh Dân chủ-Xã hội Cơ đốc giáo với đảng Dân chủ xã hội đối lập, và liên minh giữa Đảng Dân chủ xã hội đối lập, đảng Xanh và đảng Cánh tả.
Tuy vậy, khả năng thứ 3 được cho là khá thấp do ứng cử viên thủ tướng của Đảng Dân chủ xã hội đối lập Peer Steinbruck đã bác bỏ việc liên minh với đảng Cánh tả.
Khả năng thứ 2 là mời đảng Xanh-đang nổi lên như một đối tác liên minh cũng còn phải xem xét, vì trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, đảng này đã giành được số phiếu không như mong đợi, cho thấy sự ủng hộ của cử tri đã giảm đi rõ rệt.
Dư luận đánh giá, viễn cảnh thứ hai là một đại liên minh giữa liên minh Dân chủ - Xã hội Cơ đốc giáo với đảng Dân chủ xã hội đối lập rất có thể xảy ra. Tuy nhiên, ứng viên đảng đối lập là ông Peer Steinbruck gần đây lại loại trừ khả năng trở lại chính phủ trong một liên minh mới.
Song khó khăn này vẫn còn khả năng tháo gỡ khi đồng minh của ông Peer Steinbruck không có tuyên bố dứt khoát nào về việc từ chối một lời mời đàm phán với liên minh cầm quyền của bà Merkel. Và dự kiến bà Merkel sẽ phải mất tới vài tuần để thực hiện việc tìm kiếm đối tác liên minh.
Bên cạnh khó khăn trước mắt như vậy, bà Merkel cũng sẽ tiếp tục đối diện với một loạt khó khăn của nước Đức hiện tại. Đó là việc phục hồi kinh tế và khắc phục được khoảng cách giàu - nghèo ngày càng tăng. Bên cạnh đó là những thách thức về chính sách năng lượng tái tạo, hay đặt ra tầm nhìn mới cho khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Bà Merkel là người khởi xướng chính sách thắt lưng buộc bụng, thực hiện cải cách triệt để nhằm đạt được các gói cứu trợ, giữ vững sự gắn kết của liên minh tiền tệ; nhưng chính điều này cũng đã khiến không ít người dân Đức nói riêng và khu vực đồng tiền chung châu Âu nói chung không hài lòng và có những chỉ trích nặng nề.
Cụ thể như người dân ở phía Nam châu Âu cho rằng, chiến lược thắt lưng buộc bụng của Đức đang làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp và đình trệ kinh tế.
Thực tế là cuộc tổng tuyển cử tại Đức lần này đã thu hút sự quan tâm chú ý của các nước thành viên Liên minh châu Âu hơn hẳn những kỳ trước. Bởi theo các chuyên gia, chính sách của chính quyền mới của Đức có thể sẽ quyết định đến nỗ lực giải quyết những thách thức về cơ cấu của khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Có thể thấy, ngay sau khi Đức có chính phủ mới, các cuộc thảo luận về hàng loạt vấn đề nhạy cảm và phức tạp như việc lập liên minh ngân hàng vốn trì hoãn thời gian qua, sẽ được khởi động lại.
Tuy nhiên những chính sách cứng rắn liên quan đến gói cứu trợ dành cho Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và CH Síp đang lâm vào khủng hoảng nợ công chắc chắn cũng sẽ đặt ra những thách thức với bà Merkel. Bởi cách tiếp cận cứng rắn và kiên quyết của nữ Thủ tướng Đức thời gian gần đây ít được lòng người dân một số nước trong khu vực.
Bên cạnh các thách thức về cứu trợ và phục hồi kinh tế của khu vực, nước Đức mà đứng đầu là bà Merkel sẽ phải có một sự điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của châu Âu trong nhiệm kỳ mới, cũng như vai trò của Đức đối với châu lục.
Giới phân tích đánh giá, đây là đề tài đã từng được đề cập trong chiến dịch tranh cử nhưng lại chưa được đầu tư xứng đáng.
Trong khi đó, một trong hai đầu tàu khu vực là Pháp đang gặp khó trong khủng hoảng tài chính, thì Đức sẽ phải có những chính sách phối kết hợp ra sao để giữ vững trục trung tâm Pháp - Đức nhằm ổn định không gian địa chính trị châu Âu.
Người dân khu vực cũng cho rằng, các ứng viên trong cuộc tổng tuyển cử Đức lần này chưa tạo được bất cứ sự khác biệt nào trong cách tiếp cận với các vấn đề quốc tế và khu vực.
Đây cũng chính là một vấn đề đặt ra cho bà Merkel, để đáp ứng nguyện vọng của người dân trong khu vực, khi mong muốn rằng, dù có gặp khủng hoảng hay không thì cũng cần phải có những chính sách đối ngoại ngắn hạn và dài hạn, nhằm khẳng định vai trò và vị trí của khu vực đồng tiền chung châu Âu trên toàn cầu./.