Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức năm 2021, ông có ba ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, bao gồm: khôi phục NATO và các liên minh sau những rạn nứt xảy ra dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, rút toàn bộ binh sĩ Mỹ ra khỏi Afghanistan và cạnh tranh hiệu quả hơn với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.

Nga không nằm trong những ưu tiên này. Trước đó vào năm 2021, ông Biden nói, tất cả những gì ông muốn ở Moscow là “một mối quan hệ ổn định, có thể đoán trước được”. Thế nhưng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine hồi cuối tháng 2 vừa qua đã tạo ra sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ.

Cuộc chiến tại Ukraine hiện giờ đã trở thành trọng tâm an ninh chính của Tổng thống Biden trong bối cảng quan hệ Nga - Mỹ đang rơi vào vòng xoáy đối đầu khiến người ta gợi nhớ đến cuộc Chiến tranh Lạnh của thế kỷ 20. Thách thức từ Trung Quốc vẫn còn đó, nhưng các chiến lược gia của Washington - những người từng hy vọng sẽ chuyển các lực lượng Mỹ từ châu Âu sang châu Á đã tạm dừng kế hoạch đối phó Trung Quốc.

Tuần trước, Tổng thống Biden thông báo sẽ cung cấp cho Ukraine gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá 800 triệu USD, nâng tổng số viện trợ mà Mỹ dành cho Kiev trong hơn 2 tháng qua lên đến hơn 3 tỷ USD. Đáng chú ý, gói viện trợ này bao gồm các loại vũ khí hạng nặng, trực thăng, xe bọc thép chở quân, hệ thống radar phòng không và UAV Phoenix Ghost – loại máy bay không người lái cảm tử mới.

Danh sách vũ khí mới mà Mỹ chuyển giao cho Ukraine phản ánh sự can dự ngày càng lớn hơn của chính quyền Biden so với giai đoạn đầu cuộc chiến.

Trước đó, ông Biden và các trợ lý của ông nhiều lần nhấn mạnh giới hạn trong khả năng hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine, một phần để tránh nguy cơ xung đột trực tiếp giữa các lực lượng Nga và khối NATO. Nga nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh NATO không cung cấp vũ khí “nhạy cảm” cho Ukraine. Hành động “quân sự hóa Ukraine vô trách nhiệm” có thể đồng nghĩa với những hệ quả khó đoán định đối với an ninh quốc tế và khu vực.

Chính quyền Biden từng tuyên bố sẽ không triển khai binh sỹ tới Ukraine chiến đấu, không cung cấp vũ khí tấn công tầm xa và không thiết lập vùng cấm bay theo yêu cầu của Ukraine. Mỹ cũng không đồng ý giúp Ba Lan chuyển giao máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine thông qua căn cứ quân sự của nước này tại Đức. Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và phe cứng rắn tại Mỹ.

Vậy điều gì đã thay đổi lập trường của chính quyền Biden?

Chính sách của chính quyền Biden có vẻ đã thay đổi cùng với cục diện chiến trường Ukraine. Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang bước sang giai đoạn thứ 2 với quy mô chiến trường thu hẹp tại khu vực Donbass, miền Đông Ukraine nhưng mức độ khốc liệt gia tăng. Nga đang đẩy mạnh các cuộc tấn công và bao vây trên thực địa, còn Ukraine nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ và phản kháng mãnh liệt nhằm đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga.

Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết: “Chính sách của chúng tôi rất rõ ràng. Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giúp Ukraine thành công. Và cuối cùng, điều chúng tôi mong muốn là một Ukraine tự do, độc lập và một nước Nga bị cô lập”. Ông Sullivan giải thích, thái độ của chính quyền trở nên cứng rắn hơn vì những hành động mà Nga đã làm tại Ukraine.  

Theo giới phân tích, khi xem xét ở góc độ khác, cam kết của ông Biden đối với Ukraine dường như báo hiệu sự chấm dứt thời kỳ hạn chế can dự của Mỹ mà khi đó các Tổng thống Barack Obama và Donald Trump muốn thoát khỏi những “vũng lầy quân sự” do những người tiền nhiệm gây ra.

Học giả Stephen Sestanovich của Đại học Columbia lập luận rằng chính sách đối ngoại của Mỹ có xu hướng xen kẽ giữa chu kỳ can thiệp mạnh mẽ vào các vấn đề quốc tế, mà ông gọi là “chủ nghĩa tối đa” và thời kỳ thoái lui.

“Điều đặt dấu chấm hết cho thời kỳ thoái lui hầu như luôn là một cú sốc nào đó. Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine chính xác là một sự tác động lớn và ảnh hưởng của nó có thể sẽ kéo dài”, ông Stephen Sestanovich nói.

Các nhà quan sát cho rằng, ảnh hưởng rộng hơn của cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể dẫn đến sự phân chia thế giới giống như thời Chiến tranh Lạnh với việc hình thành hai khối: một khối do Mỹ lãnh đạo và một khối do Nga, Trung Quốc dẫn đầu. Riêng đối với Mỹ, nước này sẽ chịu sức ép lâu dài về việc tăng chi tiêu quốc phòng, thậm chí là sự can thiệp của lưỡng đảng trong việc xây dựng chính sách đối ngoại. Tất cả những xu hướng đó có lẽ sẽ quen thuộc với Tổng thống Biden vì ông từng có thời gian làm việc tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện trong nửa cuối của Chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Biden và các trợ lý của ông đang nỗ lực làm việc để củng cố liên minh NATO, tập trung đối phó với các mối đe dọa của Nga. Trong bối cảnh hiện tại, sự trở lại xây dựng liên minh theo kiểu cũ của ông được cho là điều mà phương Tây đang cần./.