Hành trình độc lập năng lượng của châu Âu

Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, mục tiêu chính sách năng lượng khẩn cấp nhất của châu Âu là giảm lượng khí thải carbon gây biến đổi khí hậu.

Nhưng hiện tại, các quan chức châu Âu đang quyết tâm nhanh chóng giảm sự phụ thuộc của khu vực vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga. 

Để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga trong thời gian sớm nhất, châu Âu sẽ cần đốt nhiều than hơn và xây dựng nhiều đường ống cũng như thiết bị đầu cuối để nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ nơi khác.  

Sự thay đổi mạnh mẽ này diễn ra trong bối cảnh chi phí nhiên liệu tăng cao đối với người lái xe, chủ nhà và doanh nghiệp. Các chính trị gia cũng đang đánh giá lại những rủi ro địa chính trị của châu Âu khi quá phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu khoảng 40% khí đốt và 25% dầu từ Nga. Trong khi một số chuyên gia kêu gọi ngừng nhập khẩu ngay lập tức tất cả dầu và khí đốt của Nga, EU có kế hoạch giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga vào cuối năm 2022 và loại bỏ hoàn toàn trước năm 2030.

“Điều này sẽ không dễ dàng. Nhưng nó có thể thực hiện được”, Paolo Gentiloni, quan chức kinh tế hàng đầu của EU, đánh giá.

Trong ngắn hạn, việc cắt đứt quan hệ năng lượng với Nga sẽ đặt châu Âu vào trọng tâm đảm bảo các nguồn nhiên liệu hóa thạch thay thế. Tuy nhiên, về lâu dài, áp lực địa chính trị và giá cả do chiến sự Nga – Ukraine có thể thực sự thúc đẩy quá trình chuyển đổi của châu Âu khỏi dầu, khí đốt và than đá.

Các chuyên gia nói cuộc chiến ở Ukraine là một lời nhắc nhở rằng năng lượng tái tạo không chỉ tốt cho khí hậu mà còn cho an ninh quốc gia. Điều đó có thể giúp đẩy nhanh sự phát triển của năng lượng gió và năng lượng mặt trời, cũng như thúc đẩy các sáng kiến tiết kiệm và sử dụng năng lượng mặt trời hiệu quả.

EU đã cam kết giảm 55% lượng khí thải CO2 so với mức của năm 1990 vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 cho đến năm 2050. Các nhà phân tích và các quan chức cho rằng những mục tiêu đó, được quy định trong luật khí hậu của EU, vẫn có thể thực hiện được.

George Zachmann, chuyên gia năng lượng tại tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels, cho biết, việc nhanh chóng giảm sự thuộc vào năng lượng Nga có thể sẽ yêu cầu “tăng nhẹ” lượng khí thải carbon. “Nhưng về lâu dài, chúng ta sẽ thấy nhiều sự đầu tư hơn vào năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng ở châu Âu”, ông Zachmann nói.

Ráo riết tìm nguồn cung thay thế

Những kế hoạch không được dự tính vào vài tháng trước đang được thảo luận trở lại, chẳng hạn như vận hành các nhà máy than ở Đức sau năm 2030, vốn trước đây được coi là thời điểm ngừng sử dụng than đá.

Chính phủ Séc cũng đã có những xem xét tương tự về việc kéo dài tuổi thọ của các nhà máy nhiệt điện than.

“Chúng tôi sẽ cần nhà máy nhiệt điện than cho đến khi tìm được các nguồn cung năng lượng thay thế. Cho đến thời điểm đó, ngay cả chính phủ xanh nhất cũng sẽ không loại bỏ than đá”, quan chức an ninh năng lượng Séc Vaclav Bartuska, nói.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của châu Âu là mua thêm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) có thể đến bằng tàu biển. Hôm 25/3, các quan chức Mỹ và châu Âu đã công bố một kế hoạch, theo đó Washington và các nước khác sẽ tăng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng sang châu Âu trong năm 2022.

Cuộc chiến ở Ukraine cũng đã làm “hồi sinh” mối quan tâm của Tây Ban Nha trong việc mở rộng một đường ống dẫn khí đốt qua dãy núi Pyrenees đến Pháp. Dự án trị giá 500 triệu USD đã bị bỏ dở vào năm 2019 sau khi Pháp không mấy quan tâm và một nghiên cứu của châu Âu cho rằng dự án này không mang lại lợi ích và không cần thiết. Nếu được xây dựng, đường ống dẫn khí đốt sẽ cho phép khí đốt nhập khẩu ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha dưới dạng LNG đến các khu vực khác của châu Âu.

Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng đã đến lúc “kiểm soát lại nguồn cung cấp năng lượng của chúng ta”.

Anh sẽ loại bỏ dần lượng dầu nhập từ Nga trong năm 2022. Ông Johnson đã đưa ra các kế hoạch phê duyệt việc thăm dò dầu khí mới ở Biển Bắc. Các nhà hoạt động môi trường bày tỏ sự thất vọng trước kế hoạch này, cho rằng điều đó không phù hợp với các mục tiêu khí hậu của Anh.

Một số quan chức Anh muốn nước này rút lại cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cam kết được đưa ra vào tháng 11/2021 tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu ở Glasgow, Scotland.

Mong muốn ít phụ thuộc hơn vào năng lượng của Nga đang gia tăng áp lực mở rộng năng lượng tái tạo trong nước và thúc đẩy bảo tồn năng lượng ở châu Âu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế gần đây đã đưa ra một kế hoạch để châu Âu giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong vòng một năm. Theo đó, chỉ cần giảm trung bình 1 độ C sưởi ấm trong nhà vào mùa đông, hạ thấp các thiết bị điều khiển nhiệt độ của các tòa nhà, sẽ tiết kiệm được 10 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm, tương đương 6% lượng khi đốt châu Âu nhập khẩu từ Nga./.

Châu Âu chia rẽ về trừng phạt năng lượng Nga

VOV.VN - Tại cuộc họp thượng đỉnh Liên minh châu Âu ngày 24/3, các nhà lãnh đạo EU chia rẽ về việc liệu có tiến hành động thái mạnh mẽ tiếp theo như cấm nhập khẩu năng lượng của Nga hay không. Điều này cho thấy, vì lợi ích của mình, châu Âu sẽ khó thành lập một mặt trận thống nhất chống lại Nga.