Trong khi các chính đảng truyền thống vốn giữ vai trò quan trọng tại các quốc gia đầu tàu của khu vực thất bại và đánh mất ghế tại Nghị viện châu Âu, các đảng dân túy và cực hữu tiếp tục khẳng định sự nổi lên của mình. Những bước tiến hay chiến thắng quan trọng của các đảng này ở Italy, Pháp, Đức... của các chính đảng cực hữu góp phần hình thành nên một nhóm quyền lực mới tại Nghị viện châu Âu.
Ảnh minh họa: AP. |
Tương quan lực lượng tại Nghị viện Châu Âu
Sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu kết thúc hôm 26/5 vừa qua, cán cân lực lượng tại Nghị viện châu Âu như sau: Nhóm các đảng Nhân dân châu Âu (EPP) theo đường lối bảo thủ vẫn là nhóm chiếm nhiều ghế nhất tại Nghị viện châu Âu khoá tới với 180 ghế. Lực lượng chính trị lớn thứ hai là nhóm các đảng Dân chủ xã hội (ESP) chiếm 146 ghế. Tuy nhiên, về tổng thể thì hai nhóm này tuy vẫn là hai nhóm lớn nhất tại Nghị viện châu Âu nhưng có thể xem là đã thất bại ở kỳ bầu cử này vì mỗi nhóm đều mất từ 30 đến 40 ghế so với cách đây 5 năm.
Thăng tiến mạnh nhất là Liên minh các đảng dân chủ tự do châu Âu (EALD) với 109 ghế (đứng ở vị trí thứ 3), tiếp đến là các đảng Xanh, tức các đảng theo đường lối bảo vệ môi trường. Các đảng cực hữu và dân tuý tuy không tạo đột phá mạnh nhưng cũng củng cố được vị trí so với trước kia và cũng đã giành thêm được ghế.
Nhìn chung, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019 tuy chưa tạo ra các cú lật đổ lịch sử nhưng cũng đã thay đổi tương đối mạnh cán cân quyền lực giữa các lực lượng chính trị tại châu Âu.
Hai lực lượng mạnh nhất là nhóm các đảng Nhân dân (EPP) và nhóm các đảng Dân chủ-xã hội (ESP) đã không còn giữ được ưu thế lớn như trước kia và tổng cộng số ghế của hai đảng này cũng không còn đủ để chiếm đa số tại Nghị viện châu Âu. Điều này đồng nghĩa với việc cuộc chơi quyền lực tại châu Âu sẽ không còn do hai lực lượng này chi phối nữa mà các nhóm chính trị khác cũng có thể tác động.
Đặc biệt phải lưu ý là sự đột phá của các đảng Xanh đã tạo nên một làn sóng mạnh mẽ tại các nước như Đức, Pháp, Thuỵ Điển, Tây Ban Nha… Không chỉ dành kết quả cao hơn nhiều so với năm 2014, điều quan trọng là các đảng này đã thu hút một lượng cực lớn cử tri trẻ, từ 18-34 tuổi. Tại cả Đức, Pháp lẫn Thụy Điển, các đảng Xanh đều là lựa chọn số 1 của cử tri trẻ. Đây là yếu tố rất quan trọng bởi nó sẽ tạo nên các ưu tiên chính sách rất mới tại châu Âu, theo hướng chú trọng hơn đến bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Khó khăn trong thành lập liên minh tại Nghị viện
Việc các đảng chính trị truyền thống tại châu Âu không hợp tác với các đảng cực hữu là điều dễ hiểu bởi ngay trong mỗi quốc gia thành viên EU thì các đảng cực hữu cũng hầu như bị cô lập do các chính sách cực đoan của mình. Hiện nay, chủ đề nóng nhất tại châu Âu sau bầu cử là việc phân chia các vị trí quyền lực, gồm chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Nghị viện châu Âu. Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hay vị trí Cao uỷ phụ trách đối ngoại và an ninh của châu Âu.
Hôm 28/5, thì lãnh đạo các nước EU đã có gặp Thượng đỉnh không chính thức ở Brussels để bàn về chủ đề này. Mâu thuẫn đáng chú ý nhất bây giờ liên quan đến việc lựa chọn người giữ chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) thay ông Jean-Claude Juncker. Nước Đức muốn giữ cơ chế “spitzenkandidat”, tức lực lượng chính trị nào đứng đầu Nghị viện châu Âu thì người của lực lượng đó sẽ giữ chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã công khai ủng hộ ông Manfred Weber, chính trị gia 46 tuổi người Đức và hiện là Chủ tịch nhóm nghị sĩ của các đảng Nhân dân châu Âu (EPP) tại Nghị viện châu Âu. Tuy nhiên Pháp đã công khai phản đối ý định của Đức và yêu cầu huỷ bỏ cơ chế “spitzenkandidat”.
Trước khi đến Brussels hôm 28/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nêu tên các ứng cử viên như Frans Timmermans, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, người Hà Lan và là ứng cử viên của nhóm đảng Dân chủ xã hội (ESP) hay bà Margrethe Vestager, Uỷ viên châu Âu phụ trách cạnh tranh, người Đan Mạch, ứng cử viên của nhóm đảng Dân chủ tự do. Đáng chú ý, là có cả tên ông Michel Barnier, người Pháp và hiện là Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu.
Cuộc cạnh tranh các vị trí sẽ rất quyết liệt vì như phân tích ở trên, hai lực lượng chính là các đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và các đảng Dân chủ-xã hội (ESP) đã không còn giữ được đa số tuyệt đối nên các lực lượng này chắc chắn phải đi tìm kiếm liên minh, tức là cũng sẽ phải thoả hiệp. Vì thế, kết quả cuộc phân chia quyền lực này sẽ tương đối phức tạp và khó dự đoán, trong đó mấu chốt là việc hai nước Đức và Pháp, hai đầu tàu của EU, đã công khai bất đồng trong việc lựa chọn ứng cử viên nào cho các vị trí rất quyền lực trên, đặc biệt là chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Định hướng và hoạt động của EU
Trên thực tế, các đảng cực hữu đã không thực sự thành công trong kỳ bầu cử này. Mặc dù tại Pháp và Italy thì hai đảng “Tập hợp quốc gia” và Liên đoàn phương Bắc đã chiến thắng nhưng ở nhiều nước khác, như Hà Lan hay Tây Ban Nha, thì các đảng này đạt kết quả không cao.
Tất nhiên về cơ cấu lực lượng mới tại Nghị viện châu Âu khoá này, các đảng dân tuý, cực hữu hay dân tộc chủ nghĩa vẫn giữ được đà thăng tiến ổn định và chắc chắn là với việc các lực lượng chính trị truyền thống yếu đi, các đảng này sẽ có tác động lớn hơn.
Tuy nhiên, có một điểm khác biệt cần lưu ý, đó là so với cách đây vài năm, hầu như không còn đảng dân tuý hay cực hữu nào chủ trương đưa các quốc gia rời bỏ EU hay từ bỏ đồng tiền chung châu Âu. Đây là điểm rất đáng lưu ý. Nguyên nhân thì rất rõ, đó là tiến trình Brexit bế tắc đã khiến các đảng dân tuý và dân tộc chủ nghĩa cực đoan ý thức được rằng nếu họ lựa chọn con đường như nước Anh thì sẽ bị cử tri bỏ rơi.
Đổi lại, các đảng này chủ trương cải tổ toàn diện EU theo phương châm hạn chế quyền lực của Ủy ban châu Âu, gia tăng chủ quyền của mỗi quốc gia thành viên cũng như siết chặt biên giới châu Âu nhằm ngăn chặn nhập cư. Tuy nhiên, các đảng này hiện vẫn chưa phải là lực lượng chính trị chiếm ưu thế tại Nghị viện châu Âu nên sẽ khó có thể tạo ra các tác động lớn. Định hướng hoạt động sắp tới của châu Âu sẽ thay đổi rõ nét nhất trong vấn đề môi trường./.