Truyền thông khu vực ngày 21/12 dẫn lời Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erekat cho biết, quan hệ ngoại giao giữa Chính quyền Palestine (PA) và Israel sẽ chính thức chấm dứt vào đầu năm 2016.
Quyết định của Israel sẽ khiến nỗ lực tìm kiếm hòa bình Trung Đông ngày càng xa vời hơn, khi các cuộc đối thoại hòa bình do Mỹ làm trung gian hòa giải tiếp tục lâm vào bế tắc.
Người Palestine tập trung ở hàng rào ngăn cách Israel và dải Gaza hôm 11/10. (Ảnh: Reuters). |
Phát biểu trên đài phát thanh địa phương Al-Quds, ông Erekat nói rằng, Tổ chức giải phóng Palestine sẽ cắt đứt tất cả các mối quan hệ với Israel, bao gồm cả hợp tác an ninh vào đầu năm mới.
Ông Erekat nhấn mạnh, để đáp trả những quyết định mới nhất của Chính phủ Israel về việc tiếp tục xây dựng các khu định cư bất hợp pháp cho người Do Thái cũng như việc Do Thái hóa khu vực Jerusalem, Palestine sẽ không chần chừ trong vấn đề này nữa.
Theo lời vị quan chức cấp cao Tổ chức Giải phóng Palestine này, quyết định cắt đứt quan hệ giữa hai bên được đưa ra từ tháng 3, nhưng việc thực hiện đã bị trì hoãn cho đến khi Palestine có các cuộc thảo luận với các nước Arab và các cường quốc khu vực về những biện pháp cần thiết đối với vấn đề này.
Bên cạnh việc đưa ra quyết định cứng rắn với Israel, Tổng thống Áp-bát cũng thúc đẩy những nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ ngoại giao đối với một nhà nước Palestine độc lập. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đang có chuyến thăm 2 ngày tới Hy Lạp, với việc quốc hội nước này dự kiến công nhận một nhà nước Palestine trong cuộc bỏ phiếu không bắt buộc diễn ra ngày 22/12.
Israel đóng cửa lối ra vào Bờ Tây, tấn công Đài phát thanh Palestine
Ông Abbas cũng cho biết sẽ cấp hộ chiếu Nhà nước Palestine trong năm 2016: “Về vấn đề hộ chiếu có tên Nhà nước Palestine, chúng tôi đang thúc đẩy tiến trình thay đổi hộ chiếu và đưa ra một hộ chiếu mới trong vòng một năm hay thậm chí là ít hơn. Chúng tôi cũng đã thay đổi tất cả các tài liệu do các bộ và cơ quan dịch vụ công cấp và bây giờ sẽ mang tên Nhà nước Palestine. Chúng tôi không chấp nhận bất cứ ai sử dụng tên Chính quyền Palestine nữa”.
Giải pháp hai nhà nước – với một nhà nước Palestine độc lập sinh sống bên cạnh Israel vẫn là một mục tiêu lớn của các cuộc đàm phán từ năm 1970 và là mối tập trung chính cho những nỗ lực ngoại giao do Mỹ dẫn đầu trong 20 năm qua.
Tuy nhiên, một khảo sát công bố tháng 9 vừa qua tại Palestine cho thấy, gần 2/3 trong số những người được khảo sát cho biết họ không tin vào giải pháp hai nhà nước bởi vì sự mở rộng định cư của Israel tại Bờ Tây. Những xung đột giữa Israel và Palestine cũng càng trở nên căng thẳng hơn khi bạo lực vẫn xảy ra tại Bờ Tây./.