Nga đang nắm giữ những lợi thế lớn
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bước vào Nhà Trắng cách đây 10 tháng với 2 ưu tiên về chính sách đối ngoại, đó là xây dựng các liên minh mà người tiền nhiệm của ông từng xem nhẹ và tập trung vào cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Tuy nhiên, mọi thứ không phải lúc nào cũng diễn ra theo kế hoạch.
Theo Los Angeles Times, cuộc khủng hoảng quốc tế nguy hiểm nhất vào thời điểm này của chính quyền Tổng thống Biden không đến từ châu Á mà đến từ một đối thủ quen thuộc là Nga. Tổng thống Biden hầu như có rất ít sự chọn lựa khi đối mặt với thách thức hiện nay đến từ điện Kremlin.
Mục tiêu hiện tại của Nga là chống lại sự mở rộng NATO ở các biên giới phía tây của nước này. Nhà quan sát Doyle McManus nhận định trên Los Angeles Times rằng, Tổng thống Putin hiện đang nắm nhiều lợi thế lớn: một nền kinh tế mạnh với doanh thu từ dầu mỏ tăng cao, kiểm soát nhiều nguồn cung khí tự nhiên của châu Âu, lực lượng quân đội được đào tạo bài bản cũng như sở hữu những phương tiện và vũ khí đầy uy lực.
Trong những tháng gần đây, Tổng thống Putin cảnh báo các nước láng giềng, trong đó có Ba Lan và 3 nước cộng hòa vùng Baltic - tất cả các nước đều là thành viên của NATO rằng, ông coi sự gia nhập của họ vào liên minh này là một hành động không thân thiện.
Tổng thống Putin cũng ủng hộ Belarus trong cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới với Ba Lan. Bên cạnh đó, Nga đã điều hơn 90.000 binh lính tới khu vực gần biên giới với Ukraine.
Lằn ranh đỏ của Nga: Không để Ukraine thành “vệ tinh” của phương Tây
Nguy cơ xung đột toàn diện đã khiến Mỹ và các đồng minh tăng cường các biện pháp ngăn ngừa khủng hoảng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III đã gặp người đồng cấp Ukraine ở Lầu Năm Góc vào đầu tháng này và chuyển giao các tàu tuần duyên cho hải quân Ukraine. Các nhà chức trách Anh cho biết đã chuẩn bị điều 600 binh lính tới Ukraine. Tổng thống Emmanuel Macron cũng khẳng định Pháp sẽ "bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine". Mặc dù thể hiện sự ủng hộ với Ukraine nhưng các nước này sẽ không tiến tới chiến tranh vì Kiev.
Tổng thống Putin coi sự xích gần phương Tây của Ukraine là một mối đe dọa trực tiếp. Nhà lãnh đạo Nga thường khẳng định, người Nga và người Ukraine là "một dân tộc" và rằng, hai nước nên là đối tác thân thiết của nhau.
Từ lâu, Tổng thống Putin đã cảnh báo, việc Ukraine gia nhập NATO là một "lằn ranh đỏ". Trong khi đó, mặc dù NATO tuyên bố Ukraine có thể nộp đơn xin gia nhập liên minh này nhưng vẫn trì hoãn việc khởi động tiến trình thông qua chính thức.
Đầu tháng này, Tổng thống Putin cũng tuyên bố, bất kỳ sự hiện diện nào của NATO ở Ukraine, trong đó có việc hỗ trợ và huấn luyện quân sự, đều là những động thái vượt qua lằn ranh đỏ.
Với Tổng thống Putin, các cố vấn và thiết bị của NATO đang dần biến Ukraine thành một “vệ tinh” trên thực tế của liên minh phương Tây này. Nhà lãnh đạo Nga không hoàn toàn sai khi nhận định như vậy.
Các chuyên gia Nga tin rằng, tất cả những điều Tổng thống Nga Putin muốn không phải là tấn công Ukraine bởi động thái này phải trả giá đắt về quân sự, kinh tế và ngoại giao. Thay vào đó, Nga muốn ngăn Ukraine dịch chuyển về phương Tây.
"Tổng thống Putin không muốn Ukraine có bất kỳ sự tương tác nào về bất kỳ vấn đề gì với NATO. Ông ấy muốn Ukraine hoàn toàn trung lập", Fiona Hill, một quan chức trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump đánh giá.
Chuyên gia này cũng cho rằng: "Tổng thống Putin đang thử thách chúng ta. Ông ấy đang chờ xem phản ứng của các bên như thế nào".
Chia rẽ trong cách phản ứng với Nga
Mỹ và các đồng minh đang cố gắng ngăn chặn xung đột bằng cách gửi đi những cảnh báo công khai và những thông điệp ngầm về hậu quả của chiến tranh.
Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu có sự chia rẽ nhất định trong việc thống nhất về phản ứng với Nga. Trong khi Mỹ muốn áp dụng những biện pháp trừng phạt cụ thể về hành động quân sự của Nga thì các nước châu Âu, vốn có nền kinh tế liên hệ mật thiết với Moscow, lại ngần ngại trong việc đưa ra cam kết.
"Đây là phép thử với khả năng hợp tác của chúng ta để tiến tới một hành động tập thể", bà Hill bình luận.
Thậm chí, ngay trong chính trường Mỹ cũng có sự bất đồng về phản ứng với Nga. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã phản đối Quốc hội thông qua các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm vào một dự án năng lượng của Nga giữa bối cảnh Tổng thống Biden đang đứng trước sức ép phải cứng rắn hơn với Moscow.
Chính quyền ông Biden đã áp lệnh trừng phạt mới lên một con tàu liên quan đến việc xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 ngày 22/11 - dự án vốn là ưu tiên chiến lược của Tổng thống Putin. Dù vậy, đội ngũ của ông Biden vẫn ngần ngại tiến hành biện pháp cứng rắn hơn với dự án này do lo ngại sẽ “chọc giận” Đức - một đồng minh châu Âu quan trọng của Mỹ giữa bối cảnh Washington đang trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu và hạn chế ảnh hưởng toàn cầu ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Phương Tây cho rằng, Dòng chảy phương Bắc 2 là một phần quan trọng trong nỗ lực của Tổng thống Putin nhằm gia tăng sức ép kinh tế và quân sự với Ukraine bởi đường ống này cho phép Nga vận chuyển khí đốt tới châu Âu mà không cần trung chuyển qua quốc gia này.
Đây là một bài toán khó của Tổng thống Biden bởi trong khi nhà lãnh đạo Mỹ thận trọng đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích kinh tế của Đức thì ông cũng đối mặt với sức ép phản ứng trước hành động của Nga với Ukraine.
Một cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin đang được cân nhắc để hai bên tiến hành trao đổi và hạ nhiệt căng thẳng. Tổng thống Biden có lẽ sẽ không nhượng bộ trước yêu cầu của Tổng thống Putin về việc phương Tây cần hạn chế hỗ trợ quân sự cho Ukraine nhưng nhà lãnh đạo Mỹ có thể sẽ khẳng định rõ rằng, sự hỗ trợ này hoàn toàn vì mục đích phòng vệ và điều đó không có nghĩa là Ukraine tiến gần hơn việc trở thành thành viên NATO.
Bên cạnh đó, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa có thể sẽ được thuyết phục để không cản trở trong việc thông qua các đề cử của Tổng thống Biden cho vị trí đại sứ. Mỹ hiện không có đại sứ ở Ba Lan, Pháp hay Đức bởi Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz và Thượng nghị sĩ bang Missouri Josh Hawley đã cản trở việc xác nhận này. Hiện cũng chưa có đại sứ Mỹ tại Ukraine kể từ khi cựu Tổng thống Trump sa thải Đại sứ Marie Yovanovitch năm 2019. Tổng thống Biden chưa đề cử bất kỳ ai cho vị trí này bởi những trở ngại từ đảng Cộng hòa./.