Trong khi nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg, nhà tự nhiên học David Attenborough và các nhà lãnh đạo thế giới sẽ thu hút hầu hết sự chú ý của giới truyền thông tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), công việc thực sự của 197 quốc gia trong việc cam kết về chống biến đổi khí hậu sẽ thuộc về các nhà ngoại giao, các nhà đàm phán và các bộ trưởng.
Vai trò của họ đòi hỏi một trí óc nhạy bén, sự khéo léo và chịu được áp lực. Các cuộc đàm phán thường diễn ra xuyên đêm và hiếm khi kết thúc đúng giờ.
Các quốc gia đã tạo liên minh với nhau và hình thành các khối đàm phán. Các nước có thể là thành viên của nhiều nhóm khác nhau cùng một lúc.
Dưới đây là 5 nhà đàm phán sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự thành công hay thất bại của Hội nghị thượng đỉnh COP26.
Giải Chấn Hoa
Theo BBC, nhiều nguồn tin cho rằng nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc về biến đổi khí hậu Giải Chấn Hoa đã nghỉ hưu, nhưng ông được mời tiếp tục đảm nhiệm vị trí này vào đầu năm nay, có thể do mối quan hệ công việc thân thiết với Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu John Kerry.
Mối quan hệ của họ được cho là rất quan trọng trong việc xây dựng Thỏa thuận Paris vào năm 2015, trong đó các quốc gia cam kết sẽ cắt giảm lượng khí thải.
Tuy nhiên, các ưu tiên của hai quan chức tại COP26 là khác nhau. Ông Kerry muốn các quốc gia như Trung Quốc cam kết cắt giảm khí thải carbon nhiều hơn, trong khi tại một cuộc họp báo gần đây với truyền thông quốc tế, ông Giải nói rằng đối với ông, COP26 sẽ hoàn thiện các quy tắc của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu 2015.
Cắt giảm khí thải carbon và các vấn đề khác đã tồn tại trong quá trình thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trong 3 năm qua, việc hoàn thiện chúng ở COP26 được coi là điều quan trọng đối với độ tin cậy của quá trình này.
Trung Quốc là nước phát thải lượng khí thải CO2 nhiều nhất thế giới. Tại COP26, quốc gia này là thành viên chủ chốt của một số khối đàm phán, bao gồm nhóm các nước đang phát triển (G77) và Trung Quốc.
Ayman Shasly
Trong thập kỷ qua, Ayman Shasly là chủ tịch của nhóm các nhà đàm phán khí hậu Arab. Từng là nhân viên của công ty dầu khí nhà nước Saudi Aramco, hiện tại ông Shasly đảm nhận nhiều vai trò. Ông lãnh đạo nhóm Saudi Arabia tại Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu và cũng là thành viên hội đồng quản trị của Quỹ Khí hậu Xanh.
Trong khi Saudi Arabia từ lâu được coi là phản đối những hành động cấp thiết chống biến đổi khí hậu, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới này đã giảm nhẹ giọng điệu trong năm gần đây và đưa ra tuyên bố mục tiêu đạt phát thải ròng carbon bằng 0.
Trong những ngày gần đây, Saudi Arabia đã công bố kế hoạch đạt phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2060 và cắt giảm 30% lượng khí metan phát thải vào năm 2030. Tuy nhiên, trong khi đó, nước này vẫn tiếp tục sản xuất và xuất khẩu dầu trong nhiều thập kỷ tới.
Ông Shasly có uy tín lớn trong các cuộc đàm phán, với trọng tâm là bảo vệ lợi ích quốc gia của Saudi Arabia. “Có lẽ chúng tôi bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác”, ông Shasly nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018.
“Nguồn thu nhập của Saudi Arabia chủ yếu dựa vào sản xuất và xuất khẩu dầu. Nền kinh tế của chúng tôi dễ bị tổn thương và với dầu, chúng tôi có thể sinh sống, đi du lịch, học tập, chăm sóc y tế và có được nhiều thứ khác”, ông Shasly nói.
Alok Sharma
Người có nhiệm vụ đưa tất cả các chủ đề khác nhau của cuộc đàm phán COP26 đến thành công là Bộ trưởng Anh Alok Sharma.
Theo BBC, ông Sharma hiện nay nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông thế giới. Ông được ca ngợi vì nỗ lực tìm kiếm điểm chung giữa các quốc gia, nhưng có thể mọi thứ sẽ thay đổi khi ông đảm nhận vai trò Chủ tịch COP26. Khi đó, mọi lời nói và hành động của ông sẽ được theo dõi chặt chẽ.
Hình mẫu của ông Sharma có thể sẽ là Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius – Chủ tịch COP21. Ông Fabius là người tuyên bố hiệp định Paris về khí hậu đã được thông qua vào năm 2105. Ông là người đã lôi kéo các quốc gia miễn cưỡng chấp thuận cùng thông qua một thỏa thuận mang tính lịch sử.
Sheikh Hasina
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina sẽ phát biểu đại diện cho Diễn đàn các nước dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu, gồm 48 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.
Bà Hasina, một chính trị gia có tính cách thẳng thắn, sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm về chống biến đổi khí hậu tại COP26. Chỉ trong năm 2020, khoảng 1/4 diện tích Bangladesh đã chìm trong nước, hàng triệu ngôi nhà bị phá hủy khi lũ lụt tràn vào quốc gia này.
“Những người như Thủ tướng Hasina sẽ thay đổi đổi quan điểm về biến đổi khí hậu và có thể giúp các nhà lãnh đạo thế giới hiểu thêm về hiện tượng này”, Tiến sĩ Jen Allan, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Cardiff, cho biết.
Dù Bangladesh nằm trong số các quốc gia nghèo nhất, nhóm các nước dễ bị tổn thương về khí hậu và nhóm các nước kém phát triển, nhưng quốc gia này vẫn có thành tích nổi trội trong các cuộc đàm phán.
Theo Quamrul Chowdhury, nhà đàm phán người Bangladesh làm việc trong nhóm của bà Sheikh Hasina, các quốc gia dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu tới Glasgow với những mục tiêu rõ ràng.
“Hiện có hơn 1 tỷ người đang chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Chúng tôi muốn họ không phải chịu sự ảnh hưởng bằng cách kêu gọi các nước giàu cắt giảm đáng kể lượng khí thải, tăng cường nguồn tài chính cho khí hậu và giải quyết những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu”, ông Quamrul Chowdhury nói.
Teresa Ribera
Bà Teresa Ribera đã tham gia vào quá trình đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc trong nhiều thập kỷ. Bà cũng là một chính trị gia giàu kinh nghiệm, hiện đang giữ chức vụ Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường Tây Ban Nha.
Tây Ban Nha thuộc Liên minh châu Âu (EU) - một khối độc lập trong các cuộc đàm phán về khí hậu. Châu Âu thường tự coi là nhóm các quốc gia giàu có tham vọng trong việc thúc đẩy cắt giảm khí thải nhiều hơn. Các nhà đàm phán nhiều kinh nghiệm như bà Ribera hiểu rằng chìa khóa để đạt được tiến bộ về khí hậu là xây dựng liên minh với những quốc gia đã sẵn sàng.
Bà Ribera được coi là người đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển liên minh trên diện rộng này. Bà được biết đến là người có mối quan hệ tốt đẹp với các nước Nam Mỹ, Trung Quốc và Mỹ, những mối quan hệ đóng vai trò quan trọng nếu Hội nghị COP26 thành công./.