Tuyên bố chung của các quốc gia khẳng định, cam kết này sẽ yêu cầu những hành động thay đổi mạnh mẽ hơn và cùng với đó là một số biện pháp nhằm giúp nó đi vào hiệu lực. Tuy nhiên, một số nhóm hoạt động chỉ trích rằng, cam kết và các biện pháp trên thiếu những phương tiện thực thi và cưỡng chế, do đó, tình trạng chặt phá rừng sẽ tiếp tục xảy ra.
Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo về thỏa thuận ngăn chặn chặt phá rừng tại một sự kiện sáng 2/11 (giờ địa phương), với sự tham dự của Tổng thống Biden và Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
"Những hệ sinh thái đa dạng tuyệt vời này - các thánh đường của tự nhiên chính là lá phổi của hành tinh chúng ta", Thủ tướng Boris Johnson nhận định.
Các chính phủ đã cam kết dành 12 tỷ USD và các công ty tư nhân cam kết dành 7 tỷ USD để bảo vệ và khôi phục các khu rừng thông qua những biện pháp khác nhau. Hơn 30 tổ chức tài chính cũng cam kết dừng đầu tư vào những công ty có liên quan đến chặt phá rừng. Một bộ hướng dẫn mới cũng được đưa ra, vạch rõ lộ trình hướng tới loại bỏ các sản phẩm từ chặt phá rừng khỏi chuỗi cung ứng.
Nhiều chuyên gia về chính sách đã khen ngợi những biện pháp trên là một bước tiến quan trọng, song nhấn mạnh vẫn cần thực hiện nhiều nỗ lực hơn.
Những cam kết này được đưa ra giữa bối cảnh nhận thức của thế giới ngày càng tăng lên về vai trò của tự nhiên nhằm ứng phó với khủng hoảng khí hậu, một vấn đề mà Anh muốn nhấn mạnh tại Hội nghị Thượng đỉnh COP 26.
Nếu việc chặt phá rừng nhiệt đới là một quốc gia thì đây sẽ là nguồn phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Tình trạng chặt phá rừng ở nhiều nơi trên thế giới xảy ra do hoạt động sản xuất nông nghiệp khi người dân chặt cây để lấy chỗ trồng ca cao, đậu nành, dầu dừa và nuôi gia súc. Giá trị của những khu rừng khỏe mạnh vượt xa việc giải quyết vấn đề về carbon. Chúng lọc nước, làm sạch không khí và thậm chí tạo mưa nhằm hỗ trợ nông nghiệp ở các nơi khác. Những khu rừng cũng có ý nghĩa nền tảng để duy trì đa dạng sinh học./.