Những ngày hướng tới lễ kỷ niệm 5 năm ngày Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 ra phán quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đòi các quyền lịch sử đối với phần lớn Biển Đông, coi yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc là vô hiệu, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr đã lên tiếng ca ngợi sự kiện này là “một cột mốc trong kho luật quốc tế”.
“Philippines tự hào đã đóng góp vào trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, ông Locsin nói về vai trò của Manila trong việc sẵn sàng thách thức pháp lý Bắc Kinh trước tòa trọng tài quốc tế.
Ngoại trưởng Locsin cũng không quên trích dẫn thông điệp của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói tại phiên thảo luận toàn thể Khóa 75 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hồi năm ngoái: "Phán quyết là một phần của luật pháp quốc tế, nằm ngoài sự thỏa hiệp và nằm ngoài tầm với của các chính phủ hòng pha loãng, giảm bớt hoặc từ bỏ”.
Để kỷ niệm phán quyết của tòa trọng tài quốc tế, Thượng nghị sĩ Philippines Risa Hontiveros năm nay đã đề xuất lấy ngày 12/7 là Ngày Chiến thắng Quốc gia trên Biển Tây Philippines [cách Philippines gọi Biển Đông – ND].
Trong một tuyên bố gửi đến Al Jazeera, bà Hontiveros cho biết người tiền nhiệm của Duterte, ông Benigno Aquino III - người đã qua đời vào tháng trước - cũng nên được khen ngợi vì quyết định của ông ấy đối đầu với Trung Quốc và đảm bảo một "chiến thắng pháp lý mang tính bước ngoặt".
“Ngay cả khi Philippines chống lại gã khổng lồ Goliath là Trung Quốc, ông ấy vẫn theo đuổi vụ việc chỉ trên nguyên tắc rằng đó là điều đúng đắn phải làm”.
Nhưng kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, Tổng thống Duterte thường ít thể hiện lập trường quyết đoán trong quan hệ với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, bất chấp chiến thắng mang tính bước ngoặt tại tòa trọng tài. Chính vì điều này, một số chuyên gia cho rằng, ông Duterte đã làm suy giảm địa vị pháp lý của Philippines trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Ông Chester Cabalza, sáng lập viên của Tổ chức Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế tại Manila nhận xét: “Philippines chắc chắn đã bỏ lỡ cơ hội để nhắc nhớ về lập trường nhất quán của mình và Trung Quốc đã coi đây là thời cơ để họ phô diễn sức mạnh cơ bắp, xây dựng lực lượng hải cảnh và dân quân biển lớn nhất vì lợi thế chiến lược của họ”.
Trung Quốc nhiều lần lên tiếng bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế và tiếp tục mở rộng các hoạt động phi pháp, coi thường luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Theo báo cáo, Philippines đã đệ trình hơn 120 phản đối ngoại giao với Trung Quốc về các sự cố ở vùng biển này kể từ năm 2016.
"Trung Quốc, bạn của tôi, làm thế nào để tôi nói điều này một cách lịch sự nhỉ? Để tôi xem… Ồ… Hãy cuốn gói đi" - Ngoại trưởng Locsin viết trên Twitter hồi tháng 5/2021.
Thông điệp của ông Locsin, người nổi tiếng với những phát ngôn thẳng thừng, được đưa ra sau khi Manila phản đối sự hiện diện "bất hợp pháp" của hàng trăm tàu cá Trung Quốc trong khu vực đá Ba Đầu mà Philippines nhận là trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ.
Philippines miễn cưỡng đối đầu
Tuy nhiên, ông Duterte vẫn miễn cưỡng đối đầu với Trung Quốc.
Trong những tháng gần đây, Duterte nói rằng ông muốn duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, viện dẫn sự biết ơn của Manila đối với sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong việc cung cấp vaccine Covid-19. Ông cũng cấm các thành viên nội các của mình phát biểu về Biển Đông sau khi các quan chức quốc phòng và ngoại giao liên tiếp lên tiếng chỉ trích Trung Quốc.
Nhưng bất chấp nỗ lực của ông Duterte nhằm làm ấm lòng Bắc Kinh, các nhà quan sát cho rằng, Trung Quốc sẽ chỉ được “khuyến khích” thêm và căng thẳng gia tăng lại khiến Manila không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy mạnh hành động để khẳng định lợi ích của mình ở Biển Đông.
Cabalza cho rằng giờ không phải là lúc để chính quyền Duterte “lật kèo trong chính sách đối ngoại” mà nên thúc đẩy một cách tiếp cận “chiến lược hơn”, cân bằng giữa lợi ích kinh tế và an ninh của đất nước. Ông kêu gọi Philippines nhanh chóng hiện đại hóa quân đội để tăng cường năng lực tác chiến của không quân và hải quân để ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Quốc.
Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam của Singapore thẳng thắn chỉ ra Philippines đã tụt hậu như thế nào những năm qua trong việc “xây dựng cây gậy” về năng lực quân sự để thực hiện các cuộc tuần tra hàng hải “mạnh mẽ hơn” trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình.
Theo ông Koh, điều đó có thể đã được giải quyết một phần nếu ông Duterte không cố gắng phá vỡ mối quan hệ đồng minh kéo dài hàng thập kỷ của họ với Mỹ. Ông cũng lưu ý, sẽ không bao giờ có chuyện Trung Quốc từ bỏ sau khi đã liên tục củng cố các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông và nếu dùng vũ lực để ép Trung Quốc rời khỏi những tiền đồn này thì chỉ có thể đồng nghĩa với chiến tranh.
Ông Koh cho rằng, không cần đến xung đột vũ trang, Philippines vẫn có thể khẳng định chủ quyền trên biển của mình bằng cách đưa ra “lập trường có nguyên tắc và nhất quán”. Philippines nên thực hiện các hoạt động thực thi pháp luật trên biển hàng ngày và tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Cùng quan điểm với ông Koh, Hontiveros – một thượng nghị sĩ đối lập và là người chỉ trích chính sách Biển Đông của ông Duterte cho rằng: “Philippines có thể khẳng định chủ quyền của chúng tôi với Biển Đông mà không cần dùng đến chiến tranh”.
Theo ông Cabalza, khi bị vướng vào cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ, bài học cho Philippines chính là theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập.
“Philippines nên chọn lợi ích quốc gia của riêng mình. Cần có dũng khí để tự tin vào khả năng của chính mình và xây dựng nó với tầm nhìn để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”, ông Cabalza nói./.