Ngày 27/10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kết thúc chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 3 ngày. Với những kết quả tích cực của chuyến thăm cho thấy mối quan hệ giữa hai quốc gia tại khu vực Đông Bắc Á này đang có những dấu hiệu nồng ấm thực sự, mang lại lợi ích cho cả hai nước trong bối cảnh cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đang phải chịu những tác động không nhỏ trong chính sách thương mại của Mỹ.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Japan Times |
Trong chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản đã có cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lí Khắc Cường, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại các cuộc gặp, lãnh đạo hai nước không ngừng khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác song phương đối với lợi ích của hai nước nói riêng và hòa bình, ổn định của khu vực nói chung.
Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, với các nỗ lực chung, quan hệ Trung-Nhật hiện nay đã trở lại quỹ đạo bình thường và có xu hướng phát triển tích cực. Trong khi đó, Thủ tướng Abe lại nhấn mạnh, mối quan hệ đang bước vào bước ngoặt lịch sử và đã đến thời điểm Trung Quốc và Nhật Bản cần hợp tác để đóng góp vào hòa bình và ổn định chung cho khu vực.
Đánh giá kết quả sau các cuộc gặp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho biết, hai bên đều nhất trí kiểm soát các bất đồng, thúc đẩy quan hệ song phương: “Thủ tướng Lí Khắc Cường nhấn mạnh, Trung Quốc và Nhật Bản là 2 nền kinh tế lớn của thế giới, nên đảm bảo thương mại tự do để thúc đẩy một nền kinh tế mở toàn cầu. Thủ tướng Abe cho rằng là hai quốc gia láng giềng quan trọng và đối tác chiến lược của nhau, hai bên không nên là mối đe dọa lẫn nhau. Sự phát triển của Trung Quốc là cơ hội quan trọng cho Nhật Bản. Nhật Bản sẵn sàng tăng cường đối thoại chiến lược với Trung Quốc”.
Trung Quốc – Nhật Bản thể hiện quyết tâm cải thiện quan hệ song phương
Vấn đề bất đồng lãnh thổ trên biển Hoa Đông từ lâu là nguyên nhân khiến mối quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản luôn nổi sóng. Tuy nhiên, những khẳng định và quyết tâm của lãnh đạo hai nước đưa mối quan hệ lên một tầm cao mới, tiếp tục là dấu hiệu cho thấy sự tan băng trong mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng này.
Bên cạnh hợp tác song phương, kết quả lớn nhất trong chuyến thăm lần này được cho là mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa 2 cường quốc lớn trong khu vực, trong bối cảnh hai nước đều đang gặp khó khăn do các chính sách thương mại của Mỹ. Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc chiến áp thuế khốc liệt của Mỹ, ảnh hưởng không nhỏ đến các ngành công nghiệp của nước này.
Trong khi đó, bên cạnh lo ngại Mỹ áp thuế cao lên xe hơi Nhật Bản, chính sách thuế của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc còn đẩy chi phí doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu lên cao, khiến các công ty Nhật Bản chịu thiệt hại không nhỏ. Vì vậy, cả Nhật Bản và Trung Quốc đang ráo riết tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới, giúp giảm nhẹ những tác động trong căng thẳng thương mại với Mỹ.
Trong chuyến thăm, lãnh đạo hai nước đã kí kết hàng loạt thỏa thuận, bao gồm hợp đồng trao đổi tiền tệ trị giá 30 tỉ USD có hiệu lực đến năm 2021, nhất trí về một loạt các thỏa thuận hợp tác an ninh kinh tế, ngoại giao. Với sự chứng kiến của lãnh đạo hai nước, các doanh nghiệp Nhật Bản và Trung Quốc cũng đã ký kết các thỏa thuận xúc tiến các dự án hợp tác đầu tư tại nước thứ 3 mà theo như Thủ tướng Nhật Bản nhằm tạo dựng một môi trường “ba bên cùng thắng”.
“Hơn 50 thỏa thuận hợp tác đã được kí giữa các tập đoàn Trung Quốc và Nhật Bản. Các dự án hợp tác này trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giao thông, chăm sóc sức khỏe và tài chính. Đây chính là sự khởi đầu cho mối quan hệ mới giữa Nhật Bản và Trung Quốc”, Thủ tướng Abe nói.
Theo giới quan sát, trước sức ép của Mỹ, đang có xu hướng các nước cố gắng kiểm soát bất đồng để bắt tay hợp tác với nhau. Là những đối thủ về kinh tế, chính trị và quân sự đang tranh giành ảnh hưởng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc và Nhật Bản đang xích lại gần nhau hơn, trước hết vì các lợi ích kinh tế./.