Điều này cho thấy, để các bên có thể lấy lại lòng tin với nhau cần rất nhiều nỗ lực và thời gian. 

Tuyên bố trước báo giới, Hàn Quốc cho biết sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán cấp cao với Triều Tiên với “con mắt tinh tường” trong bối cảnh có những đồn đoán cho thấy, Triều Tiên đang “câu giờ” để tiếp tục các chương trình hạt nhân của nước này.

hai_doan_bat_tay_oweg.jpg
Hai đoàn Triều Tiên và Hàn Quốc bắt tay nhau trong cuộc đàm phán cấp chuyên viên ngày 17/1. Ảnh: Newsweek

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình BBC hôm qua, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nhấn mạnh, Hàn Quốc sẽ tận dụng cơ hội một cách tốt nhất và đây là một cơ hội tốt dù Hàn Quốc và Triều Tiên không có bất cứ cam kết đặc biệt trong thời gian gần đây. Phía Hàn Quốc hiểu Triều Tiên rõ hơn bất cứ ai sau khi đã tiếp xúc với Triều Tiên nhiều thập kỷ qua và có hàng loạt cuộc thảo luận trực tiếp và gián tiếp.

Nhận định của Ngoại trưởng Hàn Quốc đưa ra sau khi trang mạng 38 North chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên của Viện Nghiên cứu Mỹ-Triều Tiên thuộc Đại học Johns Hopkins, Mỹ công bố ảnh chụp từ vệ tinh mới đây cho thấy có hoạt động đang diễn ra tại bãi thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) thứ hai của Triều Tiên ngoài khơi bờ biển phía Tây nước này.

Triều Tiên đã thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) lần đầu tiên hồi tháng 4/2016. Mới đây nhất, vào tháng 12/2017, các chuyên gia Hàn Quốc cho biết đã phát hiện một số dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị tiến hành các hành động khiêu khích bằng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới mang tên Pukkungsong-3.

Truyền thông Nhật Bản cũng đề cập khả năng này, trong đó báo Tokyo Shimbun đưa tin Triều Tiên đã sản xuất 5 phiên bản mẫu của tên lửa Pukkuksong-15. Kể từ tháng 8/2016, Triều Tiên chưa tiến hành bất kỳ vụ phóng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm nào.

Cùng chung quan điểm với Hàn Quốc, Mỹ và đồng minh Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ gia tăng áp lực với Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bày tỏ tin tưởng, việc gia tăng áp lực sẽ thực sự buộc Triều Tiên phải ngồi vào bàn đàm phán về chương trình hạt nhân và tên lửa.

Ông Tillerson cũng cho biết, các biện pháp trừng phạt đang thực sự gây áp lực cho Triều Tiên. “Chúng tôi có nhiều bằng chứng cho thấy, các biện pháp trừng phạt đang thực sự gây tổn thương với Triều Tiên.”

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cùng ngày nói rằng, giờ chưa phải là lúc giảm áp lực hoặc “chìa cành ô liu” với Triều Tiên. Thực tế là Triều Tiên đang cam kết đối thoại. Đây là bằng chứng cho thấy, các biện pháp trừng phạt đang phát huy tác dụng.

Dù ủng hộ nỗ lực đàm phán liên Triều Triều song Trung Quốc cũng giữ thái độ đầy thận trọng đối với mối quan hệ này và kêu gọi các bên cần thận trọng khi đưa ra các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.

Trong một tuyên bố, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói: “Triều Tiên và Hàn Quốc đang nối lại đối thoại và các cuộc tiếp xúc song tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn rất phức tạp và nhạy cảm. Trong tình huống này, các bên cần vun đắp cho cơ hội giảm căng thẳng, cam kết ủng hộ nỗ lực cải thiện liên Triều, thúc đẩy đối thoại. Thực tế cho thấy, gia tăng áp lực và trừng phạt chỉ phản tác dụng. ”

Tuyên bố trên của các bên đưa ra sau khi Hàn Quốc và Triều Tiên ngày 17/1 đã nhất trí thành lập một đội khúc côn cầu nữ chung tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 diễn ra vào tháng 2 tới tại Hàn Quốc.

Đây được xem là bước đột phá chưa từng thấy trong lịch sử giao lưu thể thao giữa hai miền Triều Tiên và cũng là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự “tan băng” trong quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên kể từ sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để ngỏ khả năng đối thoại với Hàn Quốc trong thông điệp Năm mới 2018./.