Nếu được Ủy ban Olympic quốc tế thông qua, thì đây sẽ là một hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng cao cho mối quan hệ hai nước, vốn về mặt lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh và là bước đột phá chưa từng thấy trong lịch sử giao lưu thể thao giữa hai miền Triều Tiên.

pyeongchang_yhgr.jpg
Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ cùng diễu hành tại Thế vận hội mùa Đông PYeongChang dưới lá cờ thống nhất. Ảnh: NBC

Một đội khúc côn cầu nữ chung  và một cuộc diễu hành chung dưới một “lá cờ thống nhất” trong lễ khai mạc Thế vận hội PyeongChang vào ngày 9/2 tới, đây sẽ là một hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng cao cho thấy sự xích lại gần nhau giữa hai miền Triều Tiên.

Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, hai nước đã đạt được nhất trí về vấn đề này tại cuộc đàm phán diễn ra trước đó cùng ngày tại Bàn Môn Điếm, ngôi làng chứng kiến lễ ký thỏa thuận đình chiến kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Lá cờ được sử dụng tại lễ khai mạc sẽ là biểu tượng cho sự toàn vẹn của bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc và Triều Tiên cũng từng diễu hành chung tại lễ khai mạc các Thế vận hội năm 2000, 2004 và 2006, song đây lại là lần đầu tiên, một đội vận động viên của một bán đảo Triều Tiên thống nhất sẽ đại diện thi đấu tại Thế vận hội.

Thứ trưởng Bộ Thống nhất, đồng thời là người đứng đầu phái đoàn đàm phán Hàn Quốc Chun Hae-Sung nói: “Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ cùng đi dưới một lá cờ tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông PyeongChang và sẽ có một đội khúc côn cầu trên băng nữ. Trước khi diễn ra sự kiện thể thao này, Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ tổ chức một sự kiện văn hóa chung tại khu nghỉ dưỡng núi Kim Cương và huấn luyện chung cho các vận động viên trượt tuyết Hàn Quốc và Triều Tiên tại khu nghỉ dưỡng Masik Pass ở Triều Tiên.”

Dù hai sáng kiến này vẫn cần phải được Ủy ban Olympic quốc tế thông qua, song trước đó ủy ban này từng thông báo, sẽ làm hết sức trong khả năng và quyền hạn của mình để tạo thuận lợi cho sự tham gia của phái đoàn Triều Tiên tại Thế vận hội mùa Đông.

Thỏa thuận này là một chiến thắng quan trọng đối với Ủy ban Olympic quốc tế, cũng như Chủ tịch Ủy ban Thomas Bach, với khao khát cháy bỏng là đưa các dân tộc xích lại gần nhau hơn thông qua thể thao. Không chỉ tham gia Thế vận hội  mùa Đông PyeongChang, phía Triều Tiên cũng sẽ cử đoàn tham gia Thế vận hội đành cho người khuyết tật Paralympic vào tháng 3 sau đó.

Đây là những dấu hiệu mới nhất cho thấy sự "tan băng" trong quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên kể từ sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để ngỏ khả năng đối thoại với Hàn Quốc trong thông điệp Năm mới 2018.

Trong một diễn biến liên quan, chính phủ Nga cùng ngày chỉ trích mạnh mẽ cuộc họp cấp ngoại trưởng do Mỹ và các đồng minh tổ chức tại thành phố Vancouver, Canada nhằm gia tăng sức ép với Triều Tiên. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, điều này chỉ góp phần làm trầm trọng hơn tình hình và làm suy yếu của quyền lực của Liên Hợp Quốc.

Theo sáng kiến của Mỹ, hôm 16/1 vừa qua, đại diện khoảng 20 nước, đều là những nước hỗ trợ Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã nhóm họp tại Vancouver và thảo luận khả năng tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên nhằm buộc nước này phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, cuộc gặp không có sự góp mặt của Nga và Trung Quốc. Cũng giống như Nga, Chính phủ Trung Quốc đánh giá hội nghị này không chính đáng khi không có sự tham dự của tất cả các bên có vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề. Cả hai nước cho rằng, điều này sẽ gây ảnh hưởng tới những tín hiệu tích cực mới chỉ nhen nhóm trên bán đảo Triều Tiên trong những ngày vừa qua.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói: “Như các bạn thấy, Hàn Quốc và Triều Tiên đang dần nối lại đối thoại và các cuộc tiếp xúc. Tuy nhiên, tình hình bán đảo Triều Tiên vẫn rất phức tạp và nhạy cảm. Trong trường hợp này, tất cả các bên cần phải hướng tới giảm căng thẳng và thúc đẩy đối thoại. Thực tế đã chứng minh, sức ép và trừng phạt đều phản tác dụng.”

Trên thực tế, Hàn Quốc và Triều Tiên hiện vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) chỉ kết thúc bằng một hiệp định đình chiến chứ không phải là một thỏa thuận hòa bình. Chỉ có 2 cuộc gặp cấp cao được tổ chức giữa lãnh đạo 2 nước là vào năm 2000 và 2007./.