Ngay sau khi kết thúc vòng 3 cuộc đàm phán giữa Cuba và Liên minh châu Âu (EU) ngày 4/3 vừa qua, tại thủ đô La Habana, Cuba, nhiều Bộ trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu đã xúc tiến “các chuyến thăm con thoi” tới Cuba để đẩy mạnh mục tiêu này. Điều này cho thấy, quan hệ giữa Cuba và Liên minh châu Âu đang dần khởi sắc sau nhiều năm bị đình trệ.

Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni ngày 12/3 đã có chuyến thăm chính thức Cuba nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước. Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Bruno Rodriguez, hai bên đã thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt tập trung vào hợp tác kinh tế. 

ministros_de_italia_y_cub_520_360_dbbz.jpgNgoại trưởng Italy Paolo Gentiloni (trái) bắt tay Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez  (ảnh: EL UNIVERSAL)

Phát biểu trước báo giới sau cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Italy Gentiloni nói: “Khi xem xét các cơ hội và những diễn biến tại Cuba trong thời gian qua, chúng tôi hy vọng quan hệ hợp tác kinh tế giữa Cuba và Italy sẽ từng bước được đẩy mạnh trong thời gian tới”.

Với chuyến thăm nay, ông Gentiloni sẽ là Ngoại trưởng Liên minh châu Âu đầu tiên và là quan chức cấp cao thứ 2 trong chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu chính thức tới quốc đảo Caribe này kể từ khi quan hệ ngoại giao Liên minh châu Âu- Cuba đang từng bước được khôi phục trong năm nay.

Trước đó, khoảng một tuần, Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương Pháp, Matthias Fekl cũng đã tới thủ đô La Habana của Cuba nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước.

Theo kế hoạch, vào tháng 5 tới, Tổng thống Francois Hollande cũng sẽ thăm chính thức Cuba. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Pháp tới quốc gia Nam Mỹ này.

Những chuyến viếng thăm Cuba với mật độ tường đối dày của Bộ trưởng nội các các nước thành viên Liên minh châu Âu trong thời gian qua cho thấy, không chỉ Liên minh Châu Âu mà từng nước thành viên khối này cũng đã sẵn sàng cho những bước đi cụ thể tiếp theo nhằm cải thiện quan hệ với Cuba. Điều này cũng đã được Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương Pháp, Matthias Fekl nhấn mạnh trong chuyến thăm Cuba mới đây.

“Chúng tôi muốn tăng cường hợp tác với Cuba, quốc gia đang từng bước mở cửa và hiện đại hóa kinh tế. Đây không chỉ là quan điểm của Pháp mà còn của cả Liên minh châu Âu và nó càng quan trọng hơn sau hàng loạt các quyết định giữa Cuba và Mỹ sau ngày 17/12 năm ngoái”, ông Matthias Fekl nói.

Ngày 10/2/2014 đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Liên minh châu Âu và Cuba khi Liên minh châu Âu tuyên bố bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ với Cuba, sau hơn một thập kỷ không trao đổi đoàn ngoại giao chính thức.

Hai tháng sau đó, hai bên bắt đầu quá trình đàm phán thỏa thuận được coi là văn bản công nhận quan hệ chính trị song phương, đồng thời có thể mở ra cơ hội tăng cường trao đổi thương mại giữa hai bên.

Hiện tại Cuba là quốc gia duy nhất tại Mỹ Latinh chưa ký thỏa thuận đối thoại chính trị với Liên minh châu Âu, mặc dù kể từ năm 2008, khi hai bên đã đồng ý mở lại kênh liên lạc.

Hiện Cuba đã ký hiệp định trên với 15 nước thành viên Liên minh châu Âu song do chưa hoàn toàn bình thường hóa quan hệ, nhiều sản phẩm của đảo quốc Caribe vẫn chịu mức thuế cao tại thị trường Liên minh châu Âu, ví dụ xì gà Cuba chịu thuế tới 26%, trong khi sản phẩm cùng loại của một số nước Trung Mỹ và Caribe khác được được miễn thuế nhập khẩu.

Với nỗ lực của cả Cuba và Liên minh châu Âu, quan hệ giữa Cuba và Liên minh châu Âu nói chung và Cuba với từng nước thành viên Liên minh châu Âu nói riêng sẽ ngày càng khởi sắc./.