Tại diễn đàn, Tư lệnh tối cao quân đội Thái Lan Thanasak Patimaprakorn đã bác lời kêu gọi của thủ lĩnh biểu tình đối lập muốn quân đội can thiệp hỗ trợ người biểu tình lật đổ chính phủ và thiết lập một “Hội đồng nhân dân” không thông qua bầu cử.

Tham dự diễn đàn gồm các tướng lĩnh cấp cao quân đội Thái Lan, đại diện nhiều tổ chức chính trị xã hội và thủ lĩnh biểu tình, cựu phó thủ tướng Suthep Thaugsuban.

suthep_copy.jpg
Ông Suthep đã không thuyết phục được quân đội ủng hộ mình (Ảnh AFP)

Trước đó ông Suthep bày tỏ hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của quân đội trong nỗ lực lật đổ chính phủ của thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Tuy nhiên, kết thúc diễn đàn, hai bên không đạt được thỏa thuận nào, khi phía quân đội khẳng định vẫn giữ vai trò trung lập, không can thiệp vào tình hình chính trị hiện nay.

Những ngày gần đây, ông Suthep đã bắt đầu đẩy mạnh nỗ lực tìm kiếm các cuộc tiếp xúc với giới lãnh đạo cấp cao quân sự nhằm lôi kéo sự ủng hộ từ phía quân đội.

Là người đầu tiên phát biểu tại diễn đàn, ông Suthep nêu lên những lý do mà phe đối lập tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ hiện nay và  yêu cầu thành lập Hội đồng nhân dân, đồng thời tái khẳng định rằng Thái Lan đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải cải cách và sau khi cải cách mới tiến hành tổng tuyển cử.

Trong khi đó, nhiều đại biểu tham dự diễn đàn cũng nhất trí cần tiến hành cải cách, nhưng đó là một quá trình lâu dài, chứ không thể tiến hành “ngày một ngày hai”. Bên cạnh đó, việc tổ chức tổng tuyển cử cũng cần được tiến hành theo quy định của hiến pháp.

Đáp lại những lời kêu gọi “sát cánh bên cạnh nhân dân” của thủ lĩnh biểu tình Suthep, Tư lệnh Patimaprakorn cho biết “con đường tốt nhất để giải quyết vấn đề là thông qua thương lượng".

Vị Tư lệnh này nhấn mạnh, quân đội Thái Lan cần phải tuân thủ đúng luật pháp, đặc biệt trong tình hình bất ổn hiện tại.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc diễn đàn, ông Patimaprakorn cho biết: “Diễn đàn hôm nay không đưa ra bất kỳ kết luận nào. Các bên tham gia diễn đàn đều đã bày tỏ lập trường và quan điểm của mình. Các bên cho biết sẽ tiếp tục xem xét lại tình hình hiện nay. Điều quan trọng hiện nay là chúng ta cần giải quyết mọi vấn đề theo một tầm nhìn dài hạn và tránh lặp lại vòng luẩn quẩn như hiện nay”.

Theo ông Patimaprakorn, các quan sát viên trung lập nên giám sát cuộc bầu cử và đảm bảo rằng cuộc bầu cử diễn ra theo đúng dự kiến vào ngày 2/2/2014.

Chính phủ Thái Lan ngày 15/12 cũng tổ chức một diễn đàn với sự tham dự của đại diện các tầng lớp trong xã hội nhằm thảo luận về các đề xuất cải cách sau khi tiến hành các cuộc bầu cử vào tháng 2 năm tới.

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết nào, do phe đối lập không chấp nhận tham gia cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn do thủ tướng Yingluck đưa ra hôm 9/12.

Đây được xem là nỗ lực hóa giải căng thẳng của thủ tướng Yingluck và đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế.

Theo Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Towichakchaikul, có hơn 40 quốc gia đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử này, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nga và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Giới chuyên gia cũng như Hội đồng nhà nước Thái Lan, cơ quan pháp lý của chính phủ nước này, cũng đã khẳng định rằng việc hoãn cuộc bầu cử sắp tới là không thể được bởi hiến pháp hiện nay quy định phải tổ chức một cuộc bầu cử trong vòng 60 ngày sau khi giải tán quốc hội.

Mọi hành động đòi thay đổi ngày bầu cử đều là vi phạm hiến pháp. Những tranh cãi chính trị có thể được giải quyết bằng đối thoại cả trước và sau cuộc bầu cử./.