Ngày 11/12, ông Surapong, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao tạm quyền của Thái Lan cho biết, trong mấy ngày gần đây, dư luận quốc tế rất quan tâm theo dõi và bày tỏ lo ngại về diễn biến tình hình chính trị Thái Lan. Đặc biệt, Chính phủ nhiều nước, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Đức… đã lên tiếng ủng hộ Chính phủ Thái Lan dùng thương lượng và biện pháp hòa bình để giải quyết khủng hoảng chính trị; đồng thời ủng hộ việc tiến hành tổng tuyển cử mới theo chế độ dân chủ. Chính phủ các nước này hy vọng cuộc tổng tuyển cử sắp tới sẽ diễn ra suôn sẻ để sớm khôi phục sự ổn định và an ninh trật tự ở Thái Lan.

thailand-protest-ng.jpg
Người biểu tình phản đối Chính phủ tụ tập bên ngoài tòa nhà Chính phủ ở Bangkok ngày 10/12 (Ảnh: Press TV)

Trong khi đó, báo chí quốc tế trích dẫn ý kiến của một số nhà phân tích nhận định, tình hình chính trị Thái Lan đang đứng trước "lối rẽ mới nguy hiểm", có thể làm cho khủng hoảng kéo dài và xảy ra bạo lực. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, cuộc biểu tình chống Chính phủ ở Thái Lan không thể chiến thắng bằng cách phá hoại hệ thống dân chủ hiện hành. Do đó, nếu muốn lên nắm quyền, đảng Dân chủ đối lập cần đấu tranh với đảng Vì nước Thái cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử, hơn là tiến hành biểu tình trên đường phố.

Tình hình chính trị ở Thái Lan ngày hôm nay tương đối yên tĩnh vì không có các hoạt động biểu tình quy mô lớn. Ban lãnh đạo biểu tình do cựu Thủ tướng Suthep đứng đầu, đang bàn tính kế hoạch hoạt động trong một vài ngày tới.

Đáng chú ý, đại diện đảng Vì nước Thái vừa chuyển đơn kiện tới Cục Điều tra đặc biệt, đề nghị điều tra ông Suthep phạm tội "khi quân phạm thượng" theo điều 112 của Bộ luật Hình sự, vì ông Suthep đã tự ý "ra lệnh" cho Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra phải từ chức; trong khi Nhà Vua Thái Lan đã phê chuẩn sắc lệnh giải tán Hạ viện và giao cho Thủ tướng tạm quyền Yingluck và Ủy ban Bầu cử quốc gia phối hợp tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới ở nước này vào ngày 2/2 năm tới./.