Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donal Tusk ngày 4/9 cảnh báo, Liên minh châu Âu (EU) đang tiến gần đến mốc nói “ không” với việc tiếp nhận thêm người tị nạn, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau chia sẻ gánh nặng này. Tuyên bố của các quan chức châu Âu đưa ra trong bối cảnh dòng người di cư vượt Địa Trung Hải từ Libya tới châu Âu tăng mạnh trong tuần qua do thời tiết thuận lợi.
Trả lời họp báo bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Trung Quốc, ông Tusk nhấn mạnh, khả năng của châu Âu trong việc tiếp nhận dòng người tị nạn mới, chưa kể những người nhập cư theo diện kinh tế không theo quy tắc, đã gần đạt tới giới hạn.
Ông Tusk cho biết, hiện nay có 65 triệu người trên khắp thế giới đã thay đổi chỗ ở và "nhóm G20 cần tăng cường chia sẻ trách nhiệm". Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng kêu gọi giúp đỡ về tài chính và viện trợ phát triển cho các quốc gia mà công dân của họ phải rời bỏ đất nước để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tuyên bố của ông Tusk đưa ra sau khi số người di cư vượt Địa Trung Hải từ Libya tới Châu Âu tăng mạnh trong những tuần qua. Hiện Italy là cửa ngõ chính mà người di cư đổ về châu Âu. Giới chức Italy nhận định, số lượng người tới Italy trong tháng 9 này có thể tăng lên con số kỷ lục so với các tháng trước, vượt quá 20.000 người và nâng tổng số người đến nước này kể từ đầu năm lên tới hơn 120.000 người.
Trong khi dòng người di cư đang không ngừng đổ về khu vực, các quan chức EU hiện vẫn chưa tìm được sự đồng thuận về việc làm thế nào để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Bất chấp những chỉ trích trong nước và tại các nước châu Âu khác, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định sẽ bảo vệ chính sách di cư mở, trong khi nhiều nước khác đang áp đặt thắt chặt kiểm soát biên giới.
Trong bối cảnh châu Âu bất đồng về cách giải quyết cuộc khủng hoảng thì phương án tốt nhất hiện nay đó là tiếp tục mong đợi vào Thỏa thuận di cư với Thổ Nhĩ Kỳ. “ Liên minh châu Âu phải cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ” – đây là tuyên bố của Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak tại cuộc gặp Ngoại trưởng Liên minh châu Âu cuối tuần qua.
Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cũng cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu nhất trí tiếp tục hợp tác, đồng thời khẳng định sẽ thúc đẩy đối thoại về việc cung cấp miễn thị thực cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Bà Mogherini nói: “Chúng tôi nhất trí rằng tất cả các thỏa thuận trước đó sẽ tiếp tục có hiệu lực và cần được tôn trọng. Hai bên đang tích cực hợp tác trên mọi lĩnh vực từ tự do hóa thị thực, nâng cấp liên minh hải quan và quản lí dòng người di cư”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua cũng có cuộc thảo luận tích cực song phương với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bên lề Hội nghị G20.
Trong một dấu hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nhượng bộ trong các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu, nước này đã cho biết sẵn sàng chấp nhận kéo dài thời gian đối thoại về việc trao cơ chễ miễn thị thực vào cuối năm nay, thay vì cuối tháng 10 như mục tiêu trước đó.
Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần cảnh báo sẽ rút khỏi Thỏa thuận với Liên minh châu Âu, nếu nước này không được nhận cơ chế miễn thị thực vào tháng 10 tới. Trong khi Liên minh châu Âu cũng khẳng định sẽ không đạt được Thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ “ bằng mọi giá”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh châu Âu dường như đang “quá tải” với dòng người tị nạn, còn Thổ Nhĩ Kỳ cũng không muốn để lỡ mất cơ hội giúp nước này tiến gần hơn với việc gia nhập khối do những căng thẳng gần đây với các nước châu Âu thì sẽ có nhiều khả năng Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu tiếp tục có những thỏa hiệp trong thời gian tới để đạt được một thỏa thuận mang lại lợi ích cho cả hai bên./.