1.Ngày 31/8 đánh dấu 1 năm Thủ tướng Đức Angela Merkel hoan nghênh người tị nạn tới Đức, với khẳng định “Đức có thể kiểm soát được tình hình”.

nhap_cu_cojd.jpg
Vấn nạn người nhập cư đang "làm hại" bà Merkel. Ảnh: Reuters

Chính sách mở cửa với người tị nạn của Thủ tướng Merkel được quốc tế hoan nghênh, kéo theo hàng loạt tuyên bố tiếp nhận người tị nạn tại các nước châu Âu khác.

Tuy nhiên sau một năm, tỉ lệ ủng hộ Thủ tướng đang giảm mạnh cùng với việc Đức đang phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ liên quan đến chính sách này. Tỉ lệ ủng hộ liên Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Merkel giảm khi các cử tri hiện quay sang ủng hộ đảng chống chính sách nhập cư Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AFD).

Khảo sát ngày 31/8 cho biết, tỉ lệ ủng hộ liên Đảng Bảo thủ giảm xuống 33%, giảm 2 điểm so với tuần trước và 8 điểm so với cách đây 1 năm. Trong khi đó Đảng Sự lựa chọn cho nước Đức tăng 2 điểm lên 12%.

Điều này được cho là bất lợi cho Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Merkel trước cuộc bầu cử Liên bang diễn ra vào năm tới. Các khảo sát này cũng cho thấy, sự bất mãn đang gia tăng với bà Merkel, đặc biệt liên quan đến chính sách mở cửa người tị nạn của Đức.

2. Một lệnh ngừng bắn vô thời hạn mới tại miền Đông Nam Ukraine sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/9. Đây là kết quả của cuộc họp định kỳ các bên tham gia Nhóm tiếp xúc về giải quyết cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine hôm 26/8 vừa qua tại thủ đô Minsk của Belarus.

Binh sĩ Ukraine tận hưởng thời khắc yên bình hiếm hoi. Ảnh: Reuters

Đại diện các bên gồm Ukraine, Nga, Tổ chức an ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã nhất trí sự cần thiết phải thực thilệnh ngừng bắn vô thời hạntại vùng Donbass, bắt đầu từ ngày 1/9 nhằm tạo điều kiện cho một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine dai dẳng nhiều năm qua.

Hôm qua, người phát ngôn của OSCE Martin Sajdik cho biết, thời điểm triển khai ngừng bắn là do sắp đến ngày khai giảng năm học mới tại Donbass, nơi có khoảng 150.000 trẻ em đang đi học.

Còn người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Nga Dmitry Pescov bày tỏ hy vọng rằng Ukraine tôn trọng lệnh ngừng bắn với những bước đi cụ thể như sớm áp dụng quy chế đặc biệt cho nước Cộng hòa Dân chủ tự xưng Donetsk và Lugansk ở miền Đông, tổ chức các cuộc bầu cử địa phương ở Donbass.

3. Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 31/8 đã rời Washington để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 cuối cùng của mình khi còn tại nhiệm.

Theo AFP, ngoài việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, ông Obama cũng sẽ có chuyến công du châu Á lần thứ 10 để thúc đẩy chính sách ngoại giao “xoay trục” của mình.

ổng thống Obama rời Washington lên đường dự Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: AFP

Dự kiến Tổng thống Mỹ sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo nhóm G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc trong 2 ngày 4-5/9 tới. Trước đó, ông sẽ có chặng dừng chân tại Hawaii và có bài phát biểu quan trọng với các nhà hoạt động môi trường toàn cầu.

Cố vấn của Tổng thống Mỹ phụ trách về ngoại giao và an ninh Ben Rhodes cho biết, trong lịch trình làm việc của mình, Tổng thống Obama sẽ tập trung vào “một loạt các vấn đề toàn cầu, khu vực và song phương” với các nhà lãnh đạo hàng đầu trên thế giới. Trong đó, đáng chú ý là các cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

“Ba mảng lớn mà ông Obama rất quan tâm sẽ là biến đổi khí, kinh tế toàn cầu và vấn đề khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tôi nghĩ rằng, lịch trình của Tổng thống Obama đã cho thấy rõ điều này”, ông Rhodes nói.

4.Quan hệ Mỹ và Cuba tiếp tục khởi sắc sau khi chiếc máy bay A-320 của hãng hàng không Mỹ JetBlue chở khoảng 100 hành khách hạ cánh xuống Cuba.

Trong số các hành khách của chuyến bay khai trương mang tính biểu tượng này, có Bộ trưởng Giao thông Mỹ Anthony Foxx và Giám đốc điều hành của hãng JetBlue Robin Hayes. Chiếc máy bay của hãng JetBlue được chào mừng bằng màn phun nước thành hình tượng cầu vồng truyền thống trong lễ khai trương.

Chiếc máy bay của hãng JetBlue hạ cánh xuống sân bay Cuba. Ảnh: AP

Phát biểu trong buổi họp báo nhân sự kiện này, Bộ trưởng Giao thông Mỹ Anthony Foxx nhấn mạnh: “Đây là một khoảnh khắc đặc biệt. Tôi vừa nói chuyện với một số hành khách trên máy bay. Có người được sinh ra tại Cuba song chưa trở lại Cuba trong gần 60 năm qua và giờ thì ông ấy đã được kết nối lại với gia đình.

Các chuyến bay thương mại như thế này sẽ góp phần kết nối giữa người dân hai nước với nhau. Trao đổi văn hóa, giáo dục và các kết nối khác sẽ dần được thúc đẩy mang lại lợi ích cho cả hai nước”.

Vụ trưởng Tư vấn pháp lý của Viện Hàng không dân dụng Cuba (IACC) Mercedes Vázquez khẳng định, sự kiện là bước tiến mới trong quá trình bình thường hóa quan hệ song phương và nhấn mạnh hãng Hàng không Quốc gia Cuba cần sớm tham gia khai thác với các hãng hàng không dân dụng Mỹ các tuyến bay thương mại trực tiếp giữa hai quốc gia.

5. Bộ Y tế Malaysia ngày 1/9 xác nhận, một người phụ nữ nước này bị chẩn đoán nhiễm virus Zika sau khi trở về nước từ Singapore.Nhiều nước trong khu vực cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ virus Zika lan rộng,  khi có nhiều công dân của họ đang làm việc tại Singapore hay du lịch đến thăm quốc đảo này trở về nước.

Nhân viên y tế Singapore phun thuốc phòng dịch Zika lây lan. Ảnh: AP

Theo Bộ Y tế Malaysia, đây là trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên tại nước này. Người phụ nữ kiểm tra có kết quả dương tính với virus Zika sau chuyến thăm 3 ngày tới Singapore. Con gái lớn của người phụ nữ này ở Singapore cũng nhiễm virus Zika. Hiện có khoảng 5 người Malaysia nhiễm virus Zika tại Singapore.

Điều đáng lo ngại là các trường hợp nhiễm virus Zika tại Singapore phần lớn là công nhân nước ngoài. Nếu những người này trở về nước có thể khiến dịch bệnh lan rộng.

Theo số liệu của các quan chức y tế Singapore, có 6 công dân Bangladesh, 21 người Trung Quốc, 1 người Indonesia tại Singapore nhiễm virus Zika. Tình hình dịch bệnh virus Zika tại Singapore tiếp tục diễn biến phức tạp hơn khi số trường hợp lây nhiễm trong nước gia tăng.

Singapore thông báo trường hợp lây nhiễm trong nước vào cuối tuần qua, nhưng số người nhiễm bệnh đang tăng nhanh trong tuần này. Hiện số ca mắc bệnh tại nước này đã tăng lên 115 người./.