Thị trường tài chính Qatar hôm qua (12/6) đã bình ổn trở lại sau một tuần giảm liên tiếp, trong bối cảnh giới chức nước này tuyên bố có thể “dễ dàng” bảo vệ nền kinh tế và đồng nội tệ của đất nước trước các biện pháp trừng phạt và cô lập của một số quốc gia Arab.
Với địa hình chủ yếu là sa mạc cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt - không phù hợp phát triển nông nghiệp, Qatar vốn phải nhập khẩu tới hơn 90% lượng lương thực để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước.
Thêm vào đó, với địa hình địa lý đặc thù - thuộc vùng duyên hải Đông Đắc của bán đảo Arab, Qatar chỉ có đường biên giới đất liền duy nhất với Saudi Arabia về phía Nam và được bao quanh bởi vịnh Ba Tư. Do đó, việc lưu thông hàng hóa của quốc gia này phải phụ thuộc phần lớn vào Saudi Arabia và một số quốc gia láng giềng.
Chính vì vậy, việc Saudi Arabia và một số quốc gia Arab cắt đứt quan hệ ngoại giao, phong tỏa mọi tuyến giao thông trên không, trên biển và một phần trên bộ đối với Qatar trong tuần vừa qua đã khiến cho các hoạt động nhập khẩu thực phẩm và các nguyên vật liệu khác của nước này bị gián đoạn.
Nhiều chuyên gia kinh tế từng nhận định, những bất đồng ngoại giao mới có thể đẩy quốc gia Vùng Vịnh này lâm vào một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng.
Mặc dù vậy, đang có nhiều dấu hiệu cho thấy Qatar vẫn có thể “đứng vững” bất chấp khủng hoảng và bị cô lập. Bộ trưởng Kinh tế Qatar Ahmed bin Jassim al-Thani hôm qua (12/6) tuyên bố, quốc gia Vùng Vịnh nhỏ bé này vẫn có thể duy trì được mức sống cao cho người dân.
Còn theo Bộ trưởng Tài chính Qatar Ali Sherif al-Emadi, Chính phủ nước này vẫn “rất thoải mái” về tình hình tài chính của mình với các nguồn lực được dự trữ từ trước. Ông Al-Emadi cũng đưa ra cảnh báo, các nước áp đặt trừng phạt Qatar sẽ bị tổn thất về tài chính do các tác động ngược từ lệnh trừng phạt thương mại trong khu vực.
Ông Al-Emadi khẳng định, Qatar là quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng hàng đầu thế giới. Hiện lĩnh vực năng lượng và nền kinh tế của nước này về cơ bản vẫn hoạt động bình thường, trong khi nguồn cung thực phẩm và các hàng hóa khác cũng không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng.Qatar nói vẫn “đứng vững” bất chấp bị các nước láng giềng cắt đứt quan hệ
Theo ông Al-Emadi, Qatar có thể nhập khẩu hàng hóa từ Thổ Nhĩ Kỳ, vùng Viễn Đông hoặc châu Âu, đồng thời sẽ đa dạng hóa nền kinh tế hơn nữa nhằm đối phó với khủng hoảng.
Hiện các nhà sản xuất lương thực Qatar đang chuyển hướng tìm những đối tác mới bên ngoài Vịnh như Braxin, Azerbaijan, Uzbekistan, Ukraine, Romania và Bulgaria… nhằm ổn định thị trường lương thực cho người dân.
Nhiều chuyến tàu chở hàng hóa cũng đã chuyển tuyến lưu thông thông qua Oman thay vì Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE)- một trong các nước cắt đứt quan hệ với Qatar.
Trong khi đó, nhiều Tập đoàn lớn tại Qatar cũng đẩy mạnh sản lượng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước.
Chủ tịch Tập đoàn phát triển các dự án quốc tế của Qatar Ahmed Al Khalaf cho biết: “Do tình hình phát sinh trong tuần vừa qua nên chúng tôi đã bắt đầu tăng gấp đôi lượng sản xuất.Chúng tôi đã đưa ra hai thay đổi lớn, đó là gia tăng sản xuất và ngừng xuất khẩu. Chúng tôi sẽ sản xuất để phục vụ cho thị trường trong nước và đang triển khai kế hoạch nhằm tăng sản lượng”.
Theo nhận định của giới chuyên gia, miễn là các quốc gia Vùng Vịnh khác không can thiệp vào xuất khẩu khí đốt của Qatar thì nền kinh tế quốc gia nhỏ bé này sẽ không phải chứng kiến một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt mà các quốc gia Vùng Vịnh áp đặt với Qatar ít nhiều đã cản trở dòng hàng hóa nhập khẩu vào nước này, đồng thời khiến nhiều ngân hàng nước ngoài đã giảm quy mô kinh doanh với nước này. Theo Cơ quan xếp hạng tín dụng (Fitch), một cuộc khủng hoảng kéo dài có thể ảnh hưởng đến triển vọng tín dụng của Qatar./.Khủng hoảng vùng Vịnh: Morocco thông báo sẽ hỗ trợ nhân đạo Qatar