Tại một căn biệt thự lớn ở ngoại ô thủ đô Doha của Qatar, một gia đình đang sum vầy, phát kẹo và hát hò trong không khí tháng lễ Hồi giáo Ramadan.

qatar_chia_lia_2_jjwx.jpg
Ba mẹ con chị Yazeedi. Ảnh từ clip của CNN.

Đây là dịp để các đại gia đình gặp gỡ và thực hiện các truyền thống kéo dài qua nhiều thế hệ.

Nhưng năm nay, tháng lễ của họ bị phủ bóng đen của sự lo lắng và sợ hãi. Khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở vùng Vịnh đe dọa làm cho nhiều gia đình tan đàn xẻ nghé.

Tiến sĩ Wafaa al-Yazeedi, mẹ của 3 người con, là một người mẹ đơn thân Qatar. Bahrain đã yêu cầu các con của chị, đều mang quốc tịch Bahrain, phải rời Qatar.

Nguy cơ mẹ mất con, con mất mẹ

Nép giữa 2 người con đầu của mình là Rashed (22 tuổi) và Alanood (21 tuổi), chị Yazeedi nói: “Tôi có nguy cơ mất tất cả con cái của mình. Mơ ước cả đời của tôi là được nuôi nấng các cháu đến khi chúng nó lập gia đình. Giờ thì tôi có thể mất các cháu bất cứ giây phút nào”.

Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Qatar cho biết, khi Bahrain, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabi cùng 6 nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar trong tháng này thì hàng trăm gia đình Qatar với quốc tịch thuộc các quốc gia Arab khác nhau bỗng chốc rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Cả Saudi Arabia, UAE và Bahrain đều đã hướng dẫn công dân nước mình rời khỏi Qatar.

Tuy nhiên, trong một thông cáo hôm 11/6, Bộ Nội vụ Qatar cho biết những người này được quyền tự do rời khỏi lãnh thổ Qatar.

Bộ Nội vụ Qatar khẳng định họ “không thực hiện bất cứ bước đi nào gây ảnh hưởng đến các cư dân trên lãnh thổ của họ nhưng có gốc gác là các nước anh em hữu nghị đã cắt đứt quan hệ ngoại giao” với bán đảo Qatar nhỏ bé bên bờ Vịnh Persian.

Trong thông cáo cũng vào hôm 11/6, chính phủ các nước Saudi Arabia, UAE và Bahrain cho biết họ đã lên kế hoạch “tính đến” tác động của cuộc khủng hoảng ngoại giao này đối với các gia đình quốc tịch hỗn hợp. Họ cho biết sẽ có những động thái phù hợp để hỗ trợ các gia đình đó.

Gia đình Tiến sĩ Yazeedi e sợ, nếu họ thách thức lại lệnh buộc rời đi thì điều này có thể khiến các người con của chị bị tước mất hộ chiếu Bahraini.

Người mẹ phàn nàn: “Chúng tôi có quan hệ máu mủ trong toàn bộ vùng Vịnh và chúng tôi nghĩ rằng người ta sẽ chẳng bao giờ làm điều đó với chúng tôi. Chúng tôi đã bị sốc khi họ đã làm thế với chúng tôi! Họ không nghĩ gì đến người dân chúng tôi, họ chỉ quan tâm đến chính trị hơn là con người”.

Trở ngại hộ chiếu

Trong các nước vùng Vịnh, quốc tịch thường chỉ được truyền cho con cái thông qua người cha mà thôi. Theo cô con gái Alanood alJalahma của chị Yazeedi, việc để mất hộ chiếu Bahraini có thể đẩy những người con của vị tiến sĩ này vào tình thế người không tổ quốc.

Alanood, nữ sinh viên trường y 21 tuổi tại chi nhánh Qatar của Đại học American Ivy League chia sẻ: “Mẹ em một mình nuôi dạy bọn em. Rất vất vả vì bà là mẹ đơn thân nhưng nhờ thế, mẹ con chúng em gần gũi nhau hơn. Giờ sau 21 năm thì mọi người lại phải chia lìa chỉ vì tấm hộ chiếu... Ý em là gia đình không thể bị cản trở đoàn tụ chỉ vì hộ chiếu”.

Alanood lo ngại việc học hành sẽ bị ảnh hưởng do việc rời khỏi Qatar. Anh trai Rashed alJalahma của cô, một kỹ sư hàng không, tin rằng cuộc khủng hoảng mới nhất này có thể hủy hoại cả sự nghiệp của họ.

Cậu nói: “Là một thanh niên 22 tuổi, anh sẽ phải nhìn vào vấn đề này từ góc độ của tôi. Điều quan tâm hiện nay là chuyện học hành”.

“Lúc này đây điều đáng quan tâm đối với tôi là việc phát triển bản thân. Mà đất nước này đã cho tôi mọi thứ cần thiết để đạt được điều đó. Thế rồi họ bảo là quay về nước đi. Thật ngớ ngẩn”.

Trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng ngoại giao-chính trị này, các công dân của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) – gồm Qatar, UAE, Bahrain, và Saudi Arabia, được hưởng quyền tự do đi lại và quyền chọn nơi định cư trong số các nước thành viên. Các nước thành viên GCC vẫn tiếp tục gọi nhau là “các dân tộc anh em”, thậm chí trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay.

Bất bình

Gia đình chị Yazeedi không phải là gia đình duy nhất chịu cảnh ngộ này.

Theo các con số của chính phủ Qatar, gần 6.500 công dân Qatar kết hôn với công dân các nước UAE, Saudi Arabia và Bahrain.

Đại gia đình chị Yazeedi. Ảnh: CNN.

Tổ chức Ân xá Quốc tế đã thu thập tài liệu về một số trường hợp gia đình bị ép phải chia ly do cuộc khủng hoảng chính trị ở vùng Vịnh hiện nay.

James Lynch, Phó Giám đốc Chương trình Các vấn đề Toàn cầu của tổ chức Ân xá Quốc tế ra thông cáo khẳng định: “Các biện pháp quyết liệt này đã gây ra tác dụng tàn bạo, ly tán con cái khỏi cha mẹ và làm cho vợ phải xa chồng”.

Đối với Alanood, quyết định ép công dân phải rời bỏ Qatar là không thể hiểu nổi. Cô nói: “Điều này không đúng. Con cái không nên bị chia tách khỏi cha mẹ, nhất là theo kiểu vũ lực”.

Cô sinh viên y khoa nói thêm: “Em không hiểu chuyện này, nhất là ở một khu vực có nhiều gia đình với các thành viên xuất thân từ các vùng và quốc gia khác nhau. Thực sự thì có cả những gia đình mà mỗi thành viên lại mang quốc tịch của một nước riêng trong nhóm các nước vùng Vịnh. Thật vô lý hết sức”.

Tiến sĩ Yazeedi phẫn nộ: “Vì ai mà chúng tôi đến cơ sự này? Vì những nước là láng giềng và là anh em của chúng tôi ư?”.

Trong lúc các chính trị gia tìm kiếm ánh sáng ở cuối đường hầm thì Yazeedi cảm giác mình đã “trúng thương” và chị sẽ không bao giờ quên được điều này./.