Hôm nay (18/2), các lực lượng chức năng Thái Lan bắt đầu tiến hành việc "thu hồi" 5 địa điểm đang bị người biểu tình chiếm đóng bất hợp pháp tại thủ đô Bangkok. Giám đốc Trung tâm bảo vệ trị an Thái Lan, ông Chaloem Yubumrun) cho biết, đây không phải là chiến dịch giải tán biểu tình mà là chiến dịch "thu hồi" lại những địa điểm mà người biểu tình tập trung, vi phạm sắc lệnh Tình trạng khẩn cấp mà Chính phủ ban bố.
bieu-tinh.jpg
Lực lượng biểu tình chống chính phủ tại Thái Lan sẽ hạn chế tuần hành và sẽ lại bao vây Phủ Thủ tướng
Tuy nhiên việc thu hồi được tiến hành đồng thời hay tại một số địa điểm trong ngày 18/2 sẽ tùy thuộc vào những thông tin có được về số lượng người biểu tình, những phản ứng và diễn biến tại chỗ.       
Trung tâm bảo vệ trị an - cơ cấu được thành lập nhằm ứng phó cuộc biểu tình chống chính phủ được thành lập sau khi sắc lệnh Tình trạng khẩn cấp được ban bố - cho biết, đã mời các phóng viên đến chứng kiến việc thực thi nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, đồng thời toàn bộ hoạt động này sẽ được truyền hình trực tiếp trên 2 kênh truyền hình để các bên có thể theo dõi thực tế diễn biến vụ việc.             
Đáng chú ý, 1 trong 5 địa điểm nói trên là khu vực xung quanh Phủ Thủ tướng, nơi ngày 17/2, thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ, ông Suthep Thausuban đã có những động thái đưa thêm lực lượng đến bao vây, đổ xi măng và dựng hàng rào bê tông nhằm ngăn cản kế hoạch mở cửa Phủ Thủ tướng của Chính phủ, để Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra vào làm việc. Ông Suthep còn công bố kế hoạch bắt đầu từ ngày 18/2 đưa 2.000 người biểu tình đến bao vây thường trực quanh khu vực Phủ Thủ tướng, tuy nhiên sẽ không tấn công vào bên trong khu vực này.             
Có thể thấy, lực lượng biểu tình chống chính phủ lại quay sang sử dụng chiến thuật cũ, từ việc tuần hành, sau đó tập trung lập rào chắn, dựng chướng ngại vật cố định tại 7 điểm giao cắt lớn tại Bangkok, nay dồn lực lượng tới bao vây Phủ Thủ tướng như đã từng thực hiện hồi cuối năm ngoái. Tuy nhiên hiện nay, với việc lượng người ủng hộ giảm mạnh, Ủy ban bầu cử và các bên liên quan đang nhóm họp nhằm hoàn thiện cuộc tổng tuyển cử hôm 2/2, chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra đang có nhiều lợi thế hơn cùng sự ủng hộ ngày càng tăng của dư luận xã hội. Một trong những vấn đề chính giới quan sát quan tâm là cơ chế giải quyết việc bầu cử tại 28 khu vực bầu cử không có ứng viên đăng ký tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử. Do vấn đề mang tính pháp lý, lại chưa từng xẩy ra trong lịch sử các cuộc tổng tuyển cử tại Thái Lan, nhiều khả năng tòa án Hiến pháp sẽ là cơ cấu định đoạt cuối cùng vấn đề phức tạp này./.