Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 15/2 thông qua một nghị quyết yêu cầu lực lượng nổi dậy người Houthi ở Yemen ngay lập tức trao lại quyền kiểm soát cho chính phủ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay đang đẩy quốc gia nghèo nhất thế giới Arab này đến bờ vực tan rã. 

houthi_mlwh.jpgPhiến quân người Houthi (Ảnh Reuters)

Các nước Arab trước đó đã hối thúc một biện pháp quân sự đối với lực lượng nổi dậy ở Yemen. Tuy nhiên, nghị quyết nhận được sự nhất trí của tất cả 15 thành viên Hội đồng Bảo an tại cuộc họp khẩn ngày 15/2 không đề cập việc áp dụng Chương 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc về cho phép sử dụng vũ lực. 

Nghị quyết do 10 nước đồng bảo trợ, bao gồm Mỹ, đã yêu cầu lực lượng nổi dậy người Houthi rút quân khỏi các tòa nhà của chính phủ “ngay lập tức và vô điều kiện”, đồng thời thể hiện thiện chí tham gia vào các cuộc đối thoại hòa bình do Liên Hợp Quốc làm trung gian.

Hội đồng Bảo an cũng yêu cầu người Houhti trả tự do cho Tổng thống Abed Rabbo Mansour Hadi và Nội các của ông hiện bị giam lỏng tại nhà. 

Đại sứ New Zealand tại Liên Hợp Quốc Jim McLay cho rằng, hành động của lực lượng người Houthi tại Yemen là một cuộc đảo chính. Trong khi đó, Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Mark Lyall Grant cho rằng, cộng đồng quốc tế đã chờ đợi từ rất lâu một thông điệp mạnh mẽ của Hội đồng Bảo an liên  quan về cuộc khủng hoảng ở Yemen. Đây là nghị quyết đầu tiên về Yemen kể từ khi người Houthi nổi dậy chiếm quyền tại quốc gia Arab này. 

Trước đó, Ngoại trưởng 6 nước láng giềng của Yemen trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) hôm qua đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc can thiệp vào tình hình Yemen, đồng thời cảnh báo nếu cộng đồng quốc tế không phản ứng thích đáng thì các nước này sẽ có biện pháp riêng để lập lại an ninh và ổn định cho khu vực dù không nêu rõ các biện pháp sẽ như thế nào. 

Các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh yêu cầu một nghị quyết áp đặt lệnh trừng phạt đối với bất cứ ai cản trở tiến trình chuyển giao quyền lực hòa bình ở Yemen cũng như các biện pháp khác nếu các bên ở Yemen không tìm được một giải pháp chính trị. 

Yemen trở lại tình trạng bất ổn khi người Houthi chiếm thủ đô Sanaa hồi tháng 9/2014. Điều này khiến cộng đồng quốc tế lo ngại nhánh chân rết nguy hiểm nhất của mạng lưới khủng bố al-Qaeda đóng quân tại đây có thể lợi dụng tình hình này để trỗi dậy./.