15h chiều 15/4 (theo giờ Việt Nam), phiên điều trần đầu tiên của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), có trụ sở tại Hà Lan, bắt đầu với việc nghe điều trần trong 1 ngày của đại diện Chính phủ Campuchia về những khiếu nại liên quan tranh chấp chủ quyền với Thái Lan tại khu vực xung quanh ngôi đền Preah Vihear nằm trên biên giới giữa hai nước.

Hôm nay (15/4) - dù đang trong dịp tết cổ truyền Songkran nhưng phiên tòa đang diễn ra tại Tòa án Công lý quốc tế (gọi tắt là ICJ) gây sự chú ý đặc biệt tại Thái Lan. Chính phủ Thái Lan quyết định nối cầu truyền hình và phát thanh trực tiếp toàn bộ diễn biến tại tòa, phát sóng trên Đài truyền hình và Đài phát thanh quốc gia cũng như một số phương tiện truyền thông khác, kể cả trên website. Việc điều trần tại tòa dùng tiếng Pháp cũng được dịch trực tiếp sang tiếng Anh và tiếng Thái Lan. Tòa tổ chức 2 phiên điều trần, phiên đầu tiên từ ngày 15- 17/4 và phiên thứ 2 từ 18-19/4, mỗi nước trình bày quan điểm và các chứng cứ của mình trong một ngày tại mỗi phiên.

Phía Thái Lan cho rằng, Campuchia đệ đơn lên tòa nhằm yêu cầu ICJ phân định khu vực chủ quyền xung quanh ngôi đền này, qua đó làm rõ đường biên giới chạy qua khu vực tranh chấp, tuy nhiên phía Chính phủ Thái Lan cho rằng, họ sẽ trình bày nhiều tài liệu và chứng cứ để những phán quyết cách đây 51 năm của ICJ được giữ nguyên.

Năm 1962, một phiên tòa của ICJ phán quyết ngôi đền cổ Preah Vihear nằm trong khu vực biên giới giữa hai nước, thuộc chủ quyền của Campuchia. Phía Thái Lan từ đó đến nay, tôn trọng phán quyết, nhưng cho rằng, phán quyết không đề cập rõ ràng chủ quyền xung quanh ngôi đền. Từ đó đến nay, đường biên giới giữa hai nước xung quanh ngôi đền chưa được phân định rõ ràng và cả hai nước đều khẳng định thuộc chủ quyền của mình. Đây chính là vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Thái Lan và Campuchia và trong vài năm trở lại đây, xung đột biên giới tại gần khu vực này đã khiến hàng chục binh sỹ mỗi nước chết và bị thương.

Khác với quan điểm cứng rắn thời chính quyền của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva trước đây, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra theo đuổi chính sách mềm mỏng và trọng tâm giải quyết vấn đề bằng hòa bình.

Lễ rút quân tháng 7/2012, thay thế vào đó là lực lượng cảnh sát và dân quân của cả Thái Lan và Campuchia đã làm tình hình trên biên giới giữa hai nước dịu đi.

Cuộc chiến pháp lý tại ICJ dẫu có căng thẳng, nhưng cả hai bên đều chấp nhận được, bởi cả Thái Lan và Campuchia đều thấy, không thể giải quyết được vấn đề thông qua cuộc chiến vũ trang như đã từng xảy ra./.