Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi ngày 25/11 khẳng định những quyết định vừa qua của ông chỉ mang tính tạm thời và kêu gọi đối thoại dân chủ với phe đối lập. Đây được xem là một bước đi nhượng bộ của ông Mursi nhằm làm dịu làn sóng biểu tình rầm rộ có nguy cơ đẩy đất nước rơi vào một thời kỳ khủng hoảng chính trị mới.

quang%20truong%20tahrir.jpg
Dân Ai Cập phản đối tuyên bố Hiến pháp mới của Tổng thống Mursi ở quảng trường Tahrir ngày 25/11 (Ảnh: Reuters)

Trong một thông cáo, Tổng thống Ai Cập Mursi nhấn mạnh, quyết định mở rộng quyền hạn của Tổng thống chỉ mang tính tạm thời và kêu gọi “một cuộc đối thoại dân chủ”. Theo ông, tuyên bố hiến pháp mới không phải là nhằm thâu tóm quyền lực mà nhằm trao quyền cho một Quốc hội dân chủ được bầu, cũng như tránh mọi âm mưu xem xét hay giải thế 2 thể chế được bầu dân chủ là Thượng viện và Hội đồng lập hiến.

Trong một bước đi thể hiện sự xuống thang căng thẳng, Văn phòng Tổng thống Mursi cũng cho biết, trong ngày hôm nay, ông sẽ có cuộc họp với các thành viên Hội đồng tư pháp tối cao nhằm tìm kiếm tiếng nói chung.

Tuy nhiên, lời kêu gọi đối thoại của ông Mursi đã lập tức bị bác bỏ. Lực lượng Tự do-Dân chủ Ai Cập cùng ngày công bố hình thành "Mặt trận cứu quốc", liên kết tất cả các đối thủ của ông và tuyên bố từ chối mọi hình thức đối thoại và hợp tác với người đứng đầu nhà nước. Trong khi đó, giới tư pháp và báo chí kêu gọi một cuộc tổng đình công trong ngày hôm nay.

Điều này một lần nữa cho thấy những mâu thuẫn chính trị sâu sắc đang diễn ra tại Ai Cập. Trên thực tế, dù đắc cử hồi tháng 6 vừa qua, song ông Mursi gặp nhiều khó khăn trong việc thực thi các quyết định do cản trở từ phía tòa án, trong khi tình hình kinh tế không có nhiều dấu hiệu khả quan. Bế tắc chính trị vẫn chưa được giải quyết sau khi Hội đồng lập hiến mới được bầu đã mất tính hợp pháp, dự thảo hiến pháp mới chưa hoàn tất và mâu thuẫn giữa các đảng phái chính trị ngày càng tăng, nhất là giữa phe Hồi giáo và các lực lượng thế tục và tự do.         

Lo ngại Ai Cập có thể rơi trở lại vào vòng xoáy khủng hoảng chính trị và bạo lực, Liên Hợp Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu đã kêu gọi các phe phái ở Ai Cập đối thoại nhằm thu hẹp bất đồng và hoàn tất tiến trình dân chủ còn nhiều gian nan. Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cho biết: “Nhìn vào thực tế rằng, Tổng thống Mursi đã hoàn thành tốt vai trò trung gian của mình, thúc đẩy một lệnh ngừng bắn tại dải Gaza. Chúng tôi tin ông Mursi sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm mang lại sự ổn định trong nước, tiếp tục tiến trình dân chủ, xây dựng các quy định lập pháp cũng như các cuộc đối thoại về phân chia quyền lực”.

Theo các nhà phân tích, cuộc khủng hoảng hiện  nay tại Ai Cập là một thử thách lớn đối với ông Mursi trên cương vị Tổng thống. Nếu thất bại nó sẽ càng khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa các phe phái làm gia tăng căng thẳng chính trị và có nguy cơ đẩy nước trở lại vòng xoáy bất ổn và bạo lực./.